(Dân trí) - Qua thời gian gần 1000 năm, cột đá có kiến trúc đặc sắc được công nhận là Bảo vật Quốc gia nằm ở chùa Dạm mang trong mình những bí ẩn cùng những câu chuyện truyền khẩu dân gian hư thực.
BÍ ẨN CỘT ĐÁ NGHÌN NĂM TUỔI BÊN SƯỜN NÚI ĐẠI LÃM, BẮC NINH
Qua thời gian gần 1000 năm, cột đá có kiến trúc đặc sắc được công nhận là Bảo vật Quốc gia nằm ở chùa Dạm thuộc xã Nam Sơn (TP Bắc Ninh) mang trong mình những bí ẩn cùng những câu chuyện truyền khẩu dân gian hư thực đã tạo nên sức hút kỳ diệu đối với du khách thập phương.
Theo tài liệu lịch sử, chùa Dạm còn có tên khác là Cảnh Long Đồng Khánh, hay Đại Lãm Tự, từng là trung tâm Phật giáo lớn, đại danh lam thắng cảnh thời nhà Lý (1009 - 1225), được đích thân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan chọn đất và cho xây dựng từ năm 1086, hoàn thành vào năm 1094.
Cột đá chùa Dạm nằm trên khu đất rộng, một mặt tựa núi Đại Lãm, một mặt hướng về phía Đông bao quát cả một không gian rộng lớn. Cột đá chạm rồng được xác định có niên đại vào thế kỷ XI, mang đậm dấu ấn điêu khắc thời Lý. Do có giá trị nghệ thuật đỉnh cao, cột đá đã được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2017.
Cột đá được đặt tên Lãm Sơn Tự. Tồn tại đến nay đã gần nghìn năm, không còn được nguyên vẹn như thuở ban đầu song vẫn là một công trình tiêu biểu cho điêu khắc thời Lý - nền điêu khắc đặc sắc nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Do không còn nguyên bản nên cây cột đá linh thiêng này còn là điều bí ẩn, hấp dẫn khiến rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cố gắng làm sáng tỏ về ý nghĩa thực sự của nó. Căn cứ là hình dạng, cấu trúc tương đồng, có giả thuyết lại cho rằng cột đá chùa Dạm là chiếc Linga. Nếu dựa vào chi tiết những rãnh dầm, lỗ đá còn nguyên vẹn ở phần trên cùng của cây cột, nhiều người cho đó hẳn phải là lỗ kỹ thuật và trụ đá chắc là phần trụ đỡ cho một kiến trúc là toà sen hay một ngôi chùa nhỏ ở phía trên.
Chiều cao tổng thể hơn 5m (không tính phần chôn chìm trong lòng đất), nặng 40 tấn, được đặt tại cấp nền thứ hai bên trái chùa Dạm. Cấu trúc cột làm hai thớt khối, khối gốc như hộp vuông tiết diện, cạnh 1,4 m và 1,6 m. Khối hình trụ đặt ở trên khối vuông, đường kính khoảng 1,3 m. Đoạn dưới phần trụ tròn này chạm nổi đôi rồng phong cách thời Lý.
Đôi rồng có đầu vươn cao chầu vào viên ngọc tỏa sáng, thân quấn quanh cột, đuôi ngoắc vào nhau. Hình dáng rồng giống dạng rồng rắn thời Lý với mào bốc lửa, bờm thành búi như cờ đuôi nheo bay lướt, thân tròn lẳn uốn khúc thoăn thoắt, chân chim năm móng.
Viên ngọc trong miệng rồng bên trái qua năm tháng đã bị vỡ không còn nguyên hình dạng ban đầu.
Trong khi đó đầu rồng bên phải còn nguyên thể hiện rất rõ đang ngậm ngọc.
Hai chân phía trước của rồng có móng sắc, nhọn, giơ cao nâng viên ngọc dưới cằm.
Đôi rồng nổi bật giữa các hoa văn phụ hình hoa dây móc, tinh xảo. Thân rồng to, mập uốn khúc quanh cột.
Trên cấp nền thứ hai này còn có giếng Bống và một bia đá khắc năm Chính Hòa thứ 17 thời Lê (1696). Bia Đại Lãm Thần Quang tự tân tạo Hộ pháp cho biết trước đây chùa chưa có Hộ pháp, hàng nghìn người làm việc phúc đã tu bổ chùa, dựng thêm tượng.