Bệnh viện gây ô nhiễm: Việc xử lý rác thải y tế còn nhiều bất cập
(Dân trí) - Nguồn kinh phí khó khăn, quy mô nhỏ, công nghệ còn thô sơ nên vấn đề xử lý rác thải y tế của các hệ thống bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn gặp nhiều bất cập.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số bệnh viện, kể cả tuyến huyện và tuyến tỉnh trên địa bàn Thanh Hóa hiện nay, thực trạng xử lý rác thải vẫn còn nhiều bất cập, nhất là chất thải rắn có nguy cơ lây nhiễm.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hóa, từ năm 2002, bệnh viện đã đầu tư xây dựng lò đốt chất thải rắn, tuy nhiên đến nay công nghệ đã lạc hậu, cũ kỹ. Qúa trình xử lý đã nảy sinh một số bất cập nhất là các chất thải rắn khi đốt không tan hết mà chuyển sang đóng bánh phải mất thêm công đoạn xử lý nữa là chôn cất, nhưng chỗ chôn cất cũng đã qúa tải.
Đối với một số chai lọ thủy tinh, bơm kim tiêm, lọ thuốc…bệnh viện đã phân loại cho vào bán tái chế. Còn những rác thải rắn lây nhiễm được phân loại cho vào hố chôn được xây dựng kiên cố. Nhưng hiện nay, hố chôn đã đầy, phía bệnh viện đang liên hệ với Phòng tài nguyên môi trường để xử lý. Hơn nữa, việc sử dụng công nghệ lò đốt như hiện nay phải tốn thêm chi phí tiền dầu, nhân công.
Trên địa bàn thành phố Thanh Hóa là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn với quy mô hàng ngàn giường bệnh, nên nguồn rác thải rắn mỗi ngày lên tới hàng trăm kg. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa có lò đốt chất thải rắn. Ngoài xử lý rác thải của đơn vị, hàng ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn ký hợp đồng xử lý rác thải cho một số bệnh viên khác trên địa bàn thành phố.
Ông Trần Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Lò đốt của bệnh viện hiện đang sử dụng được đầu tư xây dựng từ năm 1992, loại lò đốt MZ4 từ chương trình ODA trang bị cho đơn vị với công suất 400kg/ngày. Hàng ngày, bệnh viện phân loại rác theo quy định của Bộ Y tế và chứa trong từng túi riêng biệt rồi đem đi xử lý. Bất cập hiện nay là chưa có xe đông lạnh để vận chuyển rác theo đúng quy định. Do đó, trong quá trình xử lý tập trung, khi vận chuyển bằng phương tiện thô sơ, chất thải lây nhiễm có thể bị rơi vãi gây ô nhiễm môi trường”.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, từ năm 2003, khi đưa bệnh viện vào hoạt động, Công ty đã đầu tư hệ thống xử lí chất thải y tế dạng lỏng với công suất 50m3/ngày đêm. Đến thời điểm hiện tại, bệnh viện nâng cấp công suất từ 200 lên 500 giường bệnh nên công trình này được đầu tư đồng bộ với công nghệ của Nhật Bản. Đây là bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Thanh Hóa xây dựng hệ thống xử lí chất thải lỏng bài bản nhất. Trong khi, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có tới 21 bệnh viện, phòng khám tư nhân đã đi vào hoạt động.
Theo thống kê từ Sở Y tế Thanh Hóa thì hiện tại nhiều hệ thống bệnh viện công từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện đều được trang bị lò đốt rác thải rắn. Đối với chất thải lỏng cơ bản 2/3 số bệnh viện tự đảm bảo được còn 10 đơn vị đang xây lắp nhưng còn thiếu vốn và 2 đơn vị đang đầu tư sắp đưa vào sử dụng.
Khối bệnh viện tư nhân, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã đầu tư khu xử lí chất thải lỏng công xuất 500m3/ngày đêm sắp đưa vào vận hành. Song thực tế, việc xử lí chất thải y tế vẫn còn nhiều bất cập như: Có một số lò đốt đến thời điểm này đã lạc hậu, hỏng hóc, vận hành kém hiệu quả; khối các bệnh viện trong khu vực thành phố Thanh Hóa chưa có xe đông lạnh để vận chuyển rác đến nơi tiêu hủy theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Sĩ Bình, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: “Tất cả các bệnh viện tuyến huyện đã có lò đốt. Nhưng vấn đề xử lý rác thải phải mất vài năm nữa mới ổn. Qua kiểm tra đột xuất về việc xử lí rác thải ở bệnh viện tuyến huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện một số đơn vị vi phạm và bị xử lý như Bệnh viện Đa khoa huyện Như Thanh và Đông Sơn”.
“Công tác vận chuyển rác thải y tế là vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay, phải có xe thu gom. Vấn đề hiện tại là xe đông lạnh, cần phải đẩy nhanh vấn đề này”, ông Bình nhấn mạnh.
Được biết, bệnh viện Đa khoa huyện Đông Sơn, mặc dù được đầu tư xây dựng lò đốt rác thải và hệ thống xử lý chất thải lỏng có công suất 300m3/ngày đêm. Song, phía bệnh viện lại nêu lí do rằng: Tiền mua nhiên liệu, tiền điện, lương y công vận hành máy... rất tốn kém nên công tác xử lí chất thải vẫn gặp nhiều khó khăn.
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 77 bệnh viện công lập và 21 bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa, chưa kể đến hệ thống trạm y tế cơ sở với trên 7.000 giường bệnh. Bình quân mỗi ngày, các bệnh viện này thải 5 tấn chất thải rắn; trong đó có khoảng 1,5 tấn thuộc loại nguy hại cần được xử lý triệt để.
Công tác xử lý chất thải y tế hiện nay còn chưa được đồng bộ và đúng quy định, nhiều đơn vị chưa quan tâm đến vấn đề này đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt Danh mục các đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý trong thời gian tới, trong đó có tới 11 đơn vị là các bệnh viện tuyến huyện.
Do đó vấn đề xử lí rác thải y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cần phải được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên cái khó của các đơn vị, ngành y tế cũng như chính quyền địa phương hiện nay là nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải y tế theo đúng quy định.
Duy Tuyên