1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bệnh vì... nước mát!

(Dân trí) - Bơi lội thoả thuê trong làn nước trong mát, sạch sẽ ở bể bơi là nhu cầu của rất nhiều người dân thành phố trong những ngày hè oi bức. Thế nhưng cái mong muốn tưởng như đơn giản ấy lại là điều khó thực hiện vô cùng!

Chen nhau tìm chỗ ngâm mình

Tận dụng những ngày nghỉ ngơi cuối tuần của gia đình, vợ chồng chị Hà và đứa con nhỏ kéo nhau đến bể bơi gần nhà (Thanh Xuân - Hà Nội), vừa tránh nóng vừa phục hồi sức khoẻ.

Tuy nhiên, toán tính của chị đã không thể chở thành hiện thực. Bởi, dù có đến vào sáng hay chiều thì bể bơi này lúc nào cũng đông nghẹt, giang tay là chạm vào nhau chứ nói gì đến bơi.

Không chịu “bó tay”, hai vợ chồng với đứa con nhỏ chịu khó lặn lội “khảo sát” thêm nhiều bể bơi công cộng khác trong thành phố. Nhưng, họ nhanh chóng thất vọng bởi toàn bộ hệ thống bể bơi bình dân trong thành phố đều có chung một hiện trạng đó là sự đông đúc nháo nhào. Còn những bể bơi thuộc dạng “sao” trong các khách sạn thì không thiếu, rất thưa khách, khó một điều là tiền vé ở đó tính bằng “đô”. Khoản kinh phí này, nằm ngoài khả năng kinh tế khá eo hẹp của hai vợ chồng chị Hà.

Sau cuộc khảo sát đầy mệt mỏi, vợ chồng chị Hà đành chấp nhận: “Thôi thì không được bơi thì cũng tạm hài lòng với việc ngâm người dưới bể nước cho hạ nhiệt trong những chiều hè oi ả”.

Vui vẻ đến buổi “ngâm nước” thứ hai ở bể bơi, chị Hà bỗng hốt hoảng nhận thấy phần da non ở đùi cứ đỏ mẩn lên, rất ngứa, đã thế mắt mũi cả nhà sau đó cứ đỏ mọng lên rồi thi nhau đùn hàng đống gèn, đến khiếp. Đó là chưa kể mái tóc óng ả mà chị vốn dày công chăm sóc nay cứ nhúng vào nước bể bơi là trở lên khô xác, cứng quèo!

Đem chuyện này hỏi kinh nghiệm một số đồng nghiệp ở cơ quan chị mới hay, không ít gia đình khác cũng đã “lãnh” hậu quả giống như vậy. Một chị đồng nghiệp còn hậm hực chìa cho chị xem xấp giấy đi khám tai cho đứa con ở bệnh viện. Nó bị viêm tai do nhiễm khuẩn nước ở bể bơi.

Tìm hiểu ra chị Hà mới biết, hoá ra, do vào mùa hè, khách đến mua vé đông quá khiến nước ở bể bơi nhanh chóng bẩn đi. Thế nhưng thay vì thay nước sớm hoặc đúng định kỳ hoặc dùng hoá chất đúng liều lượng. Họ đã dùng các loại chất tẩy khác có tác dụng nhanh và mạnh hơn giúp nước trong và dùng được lâu hơn. Đây là cách giúp các chủ bể bơi đỡ tốn kinh phí thay nước lại tiết kiệm được thời gian.

Về phần các “thượng đế”, lượng hoá chất đậm đặc có trong bể bơi đã “giúp” da dẻ của họ trở lên khô ráp, loang lổ và còn có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác như viêm da, nấm kẽ chân, đau mắt đỏ…

Chất lượng bể bơi: Chuyện chưa có hồi kết!

Theo theo xác nhận của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, trên 50% số bể bơi trên địa bàn thành phố đang xuống cấp nghiêm trọng và không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Nhiều loại hoá chất, chất tẩy mạnh làm sạch nước đang bị lạm dụng tại các bể bơi.

Hiện thành phố có 43 bể bơi, trong đó 3 bể bơi bị xuống cấp nghiêm trọng phải tạm ngừng hoạt động. 40 bể còn lại luôn luôn trong tình trạng quá tải, nhất là trong những ngày hè ói nóng.

Cũng theo quy định, khi bể bơi đủ số người (3m2/người) thì không nhận thêm khách nhưng thực tế chả có bể bơi nào “chơi sang” đến vậy!

Còn về phần chất lượng nước theo quy định, các bể bơi trong thành phố được phép dùng hóa chất Clo và hệ thống điện phân để xử lý nước trong bể bơi. Tuy nhiên, hè năm ngoái, thanh tra Sở đã phát hiện không ít bể bơi đã sử dụng những loại hoá chất, chất tẩy mạnh (như clo, axit Clohidric, clo bột, javen) với nồng độ cao. Tuy nhiên hình phạt cao nhất cũng chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo hay phạt tiền rồi cho đóng cửa vài ngày. Sau đó, đâu lại vào đấy.

Hè năm nay, mặc dù các bể bơi đã đi vào hoạt động khá lâu nhưng chưa có một cuộc kiểm tra nào về chất lượng của các bể bơi trong thành phố. Trẻ em, người lớn thiếu chỗ vui chơi vẫn ùn ùn kéo nhau đến các bể bơi với thứ nước nhơn nhớt sặc sụa mùi thuốc tẩy.

Tại bể bơi ngoài trời Thái Hà, Tăng Bạt Hổ…cảnh chen chúc mua vé rồi ào ào lao xuống bể vẫn diễn ra như mọi năm. Vẫn cảnh chẳng ai có đủ chỗ để giang tay chứ đừng nói đến chuyện bơi!

Tại bể bơi thanh thiếu nhi Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân) cũng lâm vào tình trạng tương tự. Vào giờ cao điểm (buổi chiều) người người chen chân “ngâm nước” chật cứng…

Sau ít giờ giải nhiệt ở bể bơi khối người lại ra về trong tình trạng vừa đi vừa gãi kèm theo đôi mắt đỏ khè!

P. Thanh