Thanh Hóa:
Bệnh ung thư ám ảnh thôn nghèo
(Dân trí) - Bao nhiêu năm người dân thôn Mỹ Lợi, xã Thành Vinh phải sống trong cảnh tối tăm, thiếu nước trầm trọng. Đã thế, nhiều năm nay, căn bệnh ung thư quái ác lại “hoành hành”, cướp đi tính mạng nhiều người dân nghèo nơi đây.
“Thủ đô đom đóm”
Trước năm 2008, cả thôn Mỹ Lợi sống trong cảnh tối tăm và lạc hậu, không đường dây điện chạy qua, không sóng truyền hình, không trường học và không có giao thông nên buôn bán cũng bị hạn chế, trẻ em thất học nhiều.
“Chúng tôi phải tranh thủ ăn cơm, tắm rửa trước khi mặt trời xuống núi, nếu không sẽ bị bóng tối bao phủ hết, rất khó nhìn thấy được đường đi. Ngoài trời chỉ xuất hiện và ánh sáng lờ mờ của con đom đóm thôi. Vì vậy, mọi người gọi nơi đây là “thủ đô đom đóm”, chị Nguyễn Thị Xuyên, người dân thôn Mỹ Lợi giải thích.
Bệnh ung thư ám ảnh thôn nghèo
Nhiều năm nay, người dân Thôn Mỹ Lợi phải sống trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Trong làng, hơn 70% hộ dân bị thiếu nước. Thông thường thiếu nước từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Vì vậy, nhiều hộ gia đình phải sử dụng đến những nguồn nước bị nhiễm khuẩn, nước chứa bùn, hay những nguồn nước từ ruộng lúa ngấm vào giếng nên sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng.
Không biết từ bao giờ, thôn Mỹ Lợi xuất hiện người chết vì mắc bệnh ung thư. Tỷ lệ người dân mắc bệnh ngày càng gia tăng theo các năm, có những gia đình có 2 - 3 người tử vong vì bị mắc bệnh ung thư.
Riêng gia đình bà Duyên đã có đến 3 người qua đời vì mắc phải căn bệnh quái ác này. Chồng bà mất ở tuổi 31 với bệnh ung thư gan, em chồng cũng ra đi ở cái tuổi 24 với ung thư gan, rồi mẹ chồng lại bị ung thư phổi cướp đi tính mạng.
Bà Duyên rầu rĩ: “Tôi trở thành người phụ nữ góa chồng khi mới ở cái tuổi 30, căn bệnh ung thư quái ác đã lần lượt cướp đi từng người thân trong gia đình tôi, rồi để sau lưng những nỗi đau và sự mất mát. Từ đó, tôi rất quan tâm đến căn bệnh ung thư và thấy được sự phát triển của căn bệnh đối với người dân nơi đây. Chúng tôi nghi ngờ là do nguồn nước bị nhiễm độc thôi”.
Bà Nguyễn Thị Dương (76 tuổi), người mắc bệnh ung thư phổi đang lay lắt sống từng ngày cuối đời tâm sự: “Sống gần hết cuộc đời mới biết mình bị mắc bệnh K. Ban đầu, tôi thấy trong người rất mệt mỏi, khó thở, ăn uống kém, sau khi đi khám thì phát hiện mình bị bệnh. Cũng từ đó, sức khỏe và cân nặng của tôi giảm sút nghiêm trọng. Từ trước đến nay, gia đình tôi chưa có ai mắc bệnh này nên tôi cũng không biết nguyên nhân là do đâu”.
Không riêng gì thôn Mỹ Lợi, tỷ lệ người bị bệnh K cũng đang xuất hiện ở các thôn khác trong xã Thành Vinh như thôn Lập Phượng, thôn Phượng Long, Tâm Thành… với tỷ lệ gia tăng cao.
Anh Đỗ Văn Minh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành cho biết: “Theo thống kê của Trạm, từ năm 2008 đến tháng 3/2011, xã có 25 người bị tử vong do căn bệnh K gây ra. Năm 2008, toàn xã có 8/34 người chết vì mắc bệnh K thì năm 2009 đã có 9/31 người; đến năm 2011 đã có 6/10 người tử vong do căn bệnh này, chiếm 30% tỷ lệ người chết trong toàn xã”.
“Trước kia, hai vợ chồng tôi sống trong Lâm trường luồng, thuộc thôn Mỹ Lợi. Sau khi có dịch châu chấu hoành hành, các công nhân đã phun thuốc sâu thì vợ chồng tôi chuyển xuống đây sống, lúc đó tôi mang thai đứa đầu. Thế nhưng, tôi sinh đến cháu thứ 4 mà chỉ còn một cháu còn sống, 3 cháu trước đều qua đời vì bị ung thư máu, khổ lắm. Giờ chỉ hi vọng vào đứa này thôi”, chị Bùi Thị Cảnh lo lắng.