1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

Bệnh binh mất sức 50%, 35 năm không được một đồng chế độ

(Dân trí) - Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bị bom địch dội gây sức ép mất 50% sức khỏe và được cấp Sổ trợ cấp Bệnh binh. Thế nhưng 35 năm qua, ông Phan Thanh Nhì (SN 1948, trú xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) không nhận được một đồng trợ cấp nào của Nhà nước.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng cựu binh Phan Thanh Nhì suốt mấy chục năm qua vẫn phải lầm lũi ngược xuôi đi tìm chế độ cho bản thân mà theo ông đó là sự thật không thể nào chối cãi.

Cống hiến tuổi xuân cho độc lập dân tộc

Theo tài liệu, tìm hiểu của PV Dân trí, tháng 8/1970, khi vừa bước sang tuổi 18, với sức trẻ và khao khát cống hiến cho độc lập dân tộc, thống nhất non sông, chàng trai Phan Thanh Nhì rời quê biển ở xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) lên đường nhập ngũ.

Sau quá trình huấn luyện, ông được phân về chiến đấu tại đơn vị C1-D37 thuộc binh chủng Công binh, Quân khu 4. Tại đây, nhiệm vụ của ông Nhì và các đồng đội là trực đài quan sát máy bay địch (đóng trên núi Tháp, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), tiêu và nắm số lượng bom trên bến bãi, bến phà, tạo điều kiện cho đơn vị tháo gỡ, ghép phà, bắc cầu gắn liền mạch máu giao thông cung ứng cho chiến trường miền Nam, góp phần thống nhất đất nước.

Ông Nhì chỉ về những tài liệu mà khi tham gia chiến đấu mà ông còn lưu giữ.
Ông Nhì chỉ về những tài liệu mà khi tham gia chiến đấu mà ông còn lưu giữ.

“Nhận thấy đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, tôi cùng đồng đội luôn nỗ lực hết sức mình ngày đêm không một chút lơ là. Có những ngày đêm máy bay Mỹ quần thảo, anh em chúng tôi không ăn không ngủ trực giữ đài đảm bảo thông tin tốt nhất, hạn chế mức thiệt hại tối đa cho các chiến sĩ” – ông Nhì bồi hồi nhớ lại những giây phút ác liệt.

Vào 15h ngày 17/8/1972, Mỹ đánh phá ác liệt, dội bom xuống đài quan sát ông đang gác, một số đồng đội bị thương còn ông Nhì bị sức ép của quả bom hất văng bất tỉnh.

“Lúc tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trên băng ca của 2 dân quân địa phương anh Trần Văn Bình và chị Đậu Thị Hồng và được các đồng chí trong đội tải thương xã Nghi Phương đưa về hầm cấp cứu” – ông Nhì kể.

Ông vinh dự được nhận Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì.
Ông vinh dự được nhận Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì.

Sau đó, ông được đưa về Viện quân y của Quân khu 4 điều trị, khi sức khỏe dần hồi phục ông tiếp tục được đơn vị cho về Đoàn an dưỡng 200 huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Đến tháng 8/1975, khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, ông được xuất ngũ trở về địa phương.

35 năm không được hưởng 1 đồng trợ cấp

Trở về địa phương, người lính Cụ Hồ hăng hái tham gia sản xuất, luôn đi đầu trong các phong trào của thôn, xã... ông và vợ cố gắng nỗ lực lao động nuôi 6 đứa con khôn lớn.

Đến năm 1982, Nhà nước có chính sách làm chế độ cho người bị ảnh hưởng thương tật trong chiến tranh, ông Nhì đã làm hồ sơ và được cấp Sổ trợ cấp Bệnh binh theo quyết định Số 135 ngày 30/12/1982 của Ty Thương binh & Xã hội Nghệ Tĩnh với số tiền trợ cấp mỗi quý 72 đồng (24 đồng/tháng) có hiệu lực kể từ ngày 1/1/1983.

Sổ trợ cấp Bệnh binh do Ty Thương binh và Xã hội Nghệ Tĩnh cấp cho ông Nhì năm 1983.
Sổ trợ cấp Bệnh binh do Ty Thương binh và Xã hội Nghệ Tĩnh cấp cho ông Nhì năm 1983.

“Từ khi được cấp sổ tới giờ đã 35 năm, tôi không hề nhận được một đồng trợ cấp nào, những năm mới được cấp do sức khỏe đang còn, cũng lao bận rộn lao động nên tôi không đi hỏi. Nhiều năm sau, tôi đã hàng trăm lần gõ cửa các cơ quan chức năng nhưng đều nhận được sự im lặng” – ông Nhì kể.

Còn theo chị Phan Thị Thương (con gái ông Nhì), nhiều lần thấy ông vất vả ngược xuôi trên chiếc xe đạp đi hỏi các cơ quan chức năng, chị và những người con khác lo sợ ông gặp bất trắc dọc đường nên đã can ngăn. Tuy nhiên không cản được ông vì bố chị muốn tìm một câu trả lời thỏa đáng khi ông còn có thể.

“Mới đây ông bị tai biến nhẹ, chúng tôi lo lắng cho sức khỏe của bố nên không cho ông đi nữa. Tuy nhiên, khi con cái đi vắng ông lại 1 mình đạp xe hàng chục cây số lên thành phố Hà Tĩnh để gặp các cán bộ ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh hỏi cho rõ, nhưng rồi lại thấy ông thất vọng trở về” – chị Lương nghẹn ngào kể.

Ngôi nhà của người cựu binh lúc về già.
Ngôi nhà của người cựu binh lúc về già.

Ông Nhì nói thêm: “Tôi giờ tuổi cao sức yếu, không biết còn sống được bao lâu, cũng chẳng thể hưởng gì nhiều thêm nữa, nên khi còn sống tôi muốn làm ra lẽ phải thôi, tại sao mọi chuyện rõ ràng như vậy mà các cơ quan chức năng không thể trả lời. Nếu có vấn đề gì không đúng như họ đã cấp cho tôi thì tại sao không có bất kì thông báo nào?”

Theo xác nhận của ông Nguyễn Công Trình, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc, ở địa phương ông Nhì không được hưởng bất kỳ chế độ gì, nhiều lần ông Nhì khiếu nại nhưng xã không có chức năng giải quyết nên đã chuyển lên các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay ông Nhì vẫn chưa nhận được câu trả lời nào thỏa đáng.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về việc này.

Tiến Hiệp