1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bênh bạn gái, côn đồ "nhí" hạ sát nhầm người

(Dân trí) - Bốn trong số 5 bị cáo phạm tội giết người đứng trước vành móng ngựa chưa đủ tuổi thành niên. Cả 4 bị truy tố ở khung hình phạt lên đến tử hình nhưng đều nhận mức án nhẹ nhàng vì chưa đủ tuổi.

Phiên xét xử vụ án giết nhầm người vì bênh bạn gái vừa kết thúc chiều 22/4.

5 cậu nhóc đứng trước vành móng ngựa, dáng người nhỏ thó, mặt cúi gằm. Phạm Tuấn Anh (SN 1991, học sinh lớp 10) được xác định là chủ mưu trong vụ đâm chém, gây ra cái chết thương tâm cho một cô gái cũng mới chỉ 15 tuổi.

Theo lời khai của Phạm Anh Tuấn, tối 30/9/2007, tại một quán ăn ở phố Cẩm Hội, bạn gái của Tuấn - Lê Thị Thu Nga có xô xát với Trịnh Thị Huyền Trang. Nga không may nhận 1 cái tát. Nghe bạn gái ấm ức kể lại chuyện, Phạm Anh Tuấn lập tức tập hợp nhóm bạn “tay dao tay búa”, lên kế hoạch rửa hận.

Tuấn gọi được Nguyễn Đức Thái (SN 1991) và Đặng Xuân Khải (SN 1993) cùng là học sinh lớp 10, trường PTTH dân lập Hồng Hà tham gia. Để “thị uy”, Tuấn còn điện cho Nguyễn Mạnh Quỳnh (SN 1992) mượn dao. Quỳnh đã ghé chợ Đồng Tâm mua giúp 2 con dao phóng lợn giá 50.000đ.

“Đại ca” Nguyễn Mạnh Cường, bị cáo duy nhất đủ 18 tuổi trong phiên tòa có mặt phút “chung kết” cuộc thanh trừng. 21h đêm 1/10, Quỳnh, Cường đèo Tuấn đi tìm nhóm của Trang. Tới vườn hoa Pasteur (trên đường Yec-xanh), thấy Trang và Lê Thị Diễm Ngọc (15 tuổi), Tuấn rút dao chém tới.

Trang chỉ bị lưỡi dao đánh trượt qua, xây xát nhẹ trong khi Ngọc lĩnh trọn 2 nhát dao chí mạng, đâm vào cổ trái, cắt ngang tủy sống và chết tại bệnh viện 108 sau khi được đưa đi cấp cứu.

Các bị cáo mau chóng nhận tội, phiên tòa dành nhiều thời gian cho những người giám hộ, bậc làm cha làm mẹ tự biện giải về trách nhiệm của mình. Bố của bị cáo đầu vụ, Phạm Anh Tuấn, không có ý kiến gì về tội danh, hành vi của con trai, cậu nhóc đã nói dối gia đình đi mượn sách vở bạn bè trong đêm gây ra vụ án mạng.

Người bác ruột của Quỳnh đến phiên tòa cũng chỉ vì lý do bị cáo không còn mẹ, bố thì đang thụ án, bị cáo cùng 2 người em sống vất vưởng nhờ họ hàng từ bé. Chỉ có bố của Khải có yêu cầu xem xét lại hành vi của con trai mình.

Người cha nói thẳng trước tòa, xét cho Khải vì “quá thật thà, có thế nào khai như thế với CQĐT. Nếu biết khôn ngoan, che đậy tội lỗi của mình thì cháu đã không có tội”. Ông cho rằng, con mình đã “rút” sớm, đã cùng Thái bỏ chạy trước đó. Chủ tọa lập tức hỏi lại Khải, bị cáo xác nhận, tại vườn hoa Pasteur, khi thấy Tuấn đâm Trang và Ngọc mới hô Thái chạy trốn.

Trong khi đó, người mẹ nạn nhân Lê Thị Diễm Ngọc khóc lóc vật vã ngay từ lúc bước vào tòa. Bà kể trong nước mắt, Ngọc không cãi nhau, không tát Nga mà sao Tuấn lại cố chém Ngọc. Khi Tuấn đuổi theo, Ngọc đã cố thét lên “anh chém nhầm em rồi” nhưng hung thủ vẫn cố tình nhằm tới.

Người phụ nữ luống tuổi, vẻ khắc khổ khóc cho hoàn cảnh bế tắc hiện tại của chính mình. Chồng bị tai nạn thành ra thần kinh đã nhiều năm. Cô con gái duy nhất gặp họa, bố chồng cũng sốc, qua đời ngay sau đó, gia đình suy sụp, tan nát. Dân chạy chợ, buôn bán, chỗ trông dựa tuổi già duy nhất là con gái, cô bé đã bỏ học giữa chừng, đang học việc cắt tóc, gội đầu.

Bà đứng trước 2 giải pháp khó chọn, đồng ý với mức bồi thường của gia đình 2 bị cáo Tuấn và Cường cho đến lúc này là 75 triệu đồng. Nếu không, theo quy định, bà có thể yêu cầu khoản bồi thường cho chi phí ma chay, bồi thường thiệt hại tinh thần không quá 60 tháng lương tối thiểu.

Chấp nhận phương án tự thỏa thuận, người mẹ nạn nhân hạ giọng xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Phiên tòa kết thúc khá thảm với bản án tù giam dành cho những cuộc đời trẻ măng. HĐXX quyết định 15 năm tù giam dành cho Nguyễn Mạnh Cường, 12 năm tù dành cho Phạm Anh Tuấn, 10 năm tù dành cho Nguyễn Mạnh Quỳnh, 7 năm tù dành cho Nguyễn Đức Thái và 5 năm 6 tháng tù dành cho Đặng Xuân Khải (vì phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi).

P.Thảo