1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đà Nẵng:

Bến xe khách trăm tỉ chỉ để... ngắm!

(Dân trí) – Trong khi bến xe trung tâm Đà Nẵng (phường Hòa Minh, Liên Chiểu) tấp nập người xe ra vào thì bến xe phía Nam Đà Nẵng được đầu tư hàng trăm tỉ đồng không một bóng người vào ra.

Bến xe phía Nam Đà Nẵng (nằm trên trục đường QL1A thuộc thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) được Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư với kinh phí hơn 135 tỉ đồng, là bến xe loại 1 theo quy chuẩn và bắt đầu hoạt động tháng 9/2012.
 
Cổng vào bến xe Đà Nẵng vắng lặng
Cổng vào bến xe vắng lặng

Ngày 10/1, có mặt tại bến xe chúng tôi đi một vòng quan sát, tất cả các hạng mục như nhà chờ, quầy bán vé, bãi đỗ, phòng y tế cùng các công trình dịch vụ tiện ích khác đã đầy đủ nhưng chỉ… thiếu khách.

Ông Dương Tâm, Phó Giám đốc bến xe cho biết, trước đây có tất cả 30 CBCNV nhưng nay chỉ còn vài người để trông coi bảo vệ tài sản, còn lại nghỉ việc không lương hết vì bến xe không có xe và khách. Ông Tâm cho biết, bến xe có thể đáp ứng 500 lượt xe một ngày giai đoạn 1 và giai đoạn 2 có thể phục vụ 1.000 lượt xe.
 
Quầy vé đã được xây dựng hoàn chỉnh
Quầy vé đã được xây dựng hoàn chỉnh

Theo ông Tâm, bến xe ra đời nhằm giảm tải xe ra vào trung tâm thành phố, giảm tải bến xe trung tâm Đà Nẵng nhưng sau khi xây dựng xong lại không có tuyến nào được đưa vào hoạt động tại bến xe này. “Địa điểm xây dựng bến xe này đã được TP Đà Nẵng quy hoạch nên Tập đoàn Đức Long mới đầu tư. Nếu không thì không ai đủ can đảm để bỏ hàng trăm tỉ vào đây”, ông Tâm nói.

Cái khó của bến xe hiện nay theo ông Tâm cho biết, là quá xa trung tâm Đà Nẵng với cự ly trên 13km; 35 hộ dân phía trước bến xe chưa được giải tỏa để tạo “mặt tiền” cho bến xe hoạt động; không có tuyến xe buýt từ trung tâm Đà Nẵng đến bến xe... Mấu chốt của vấn đề là các cơ quan quản lý của TP Đà Nẵng chưa quyết định phân luồng tuyến theo quy hoạch vào bến xe này. 

Luồng chờ của xe khách
Luồng chờ của xe khách

Theo ông Tâm, nếu như ở một số địa phương khác, ở hai đầu có bến xe khách để tránh tình trạng xe chạy vào trung tâm gây tắc nghẽn giao thông thì Đà Nẵng cũng nên phân như vậy. Theo đó, bến xe trung tâm Đà Nẵng sẽ được phân các tuyến xe đi các tỉnh phía Bắc, còn bến xe này sẽ được phân các tuyến xe đi các tỉnh phía Nam. Còn để cạnh tranh bình đẳng với bến xe trung tâm Đà Nẵng thì bến xe này không thể cạnh tranh lại vì có một số điều kiện quá bất lợi.

“Thành phố Đà Nẵng quy hoạch bến xe này là chính xác nhưng để cạnh tranh sòng phẳng với bến xe trung tâm Đà Nẵng thì chúng tôi thua. Nếu không có sự hỗ trợ của địa phương thì bến xe không thể hoạt động được”, ông Tâm nói.
 
Nơi chờ khách đi xe
Nơi chờ khách đi xe

Hiện tại tất cả các tuyến xe đi đến Đà Nẵng đều vào bến xe trung tâm. Nhiều ý kiến cho rằng các tuyến phía Bắc như Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… vào bến xe trung tâm Đà Nẵng là hợp lý; còn các tuyến phía Nam như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn… thì nên cho vào bến xe phía Nam Đà Nẵng tránh việc xe chạy vào trung tâm thành phố gây bát nháo trên các tuyến đường và tránh gây quá tải cho bến xe trung tâm.

Để giải quyết cho bến xe bỏ không sau khi đã bỏ tiền trăm tỉ xây dựng, ngày 5/1 Sở GTVT Đà Nẵng tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp vận tải và chủ đầu tư bến xe để tìm hiểu yêu cầu cũng như điều kiện của các bên nhưng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết.
 
Nhà chờ của khách rất khang trang nhưng không có người
Nhà chờ rất khang trang nhưng không có người

Lãnh đạo bến xe này cho biết, nhằm thu hút các doanh nghiệp vào hoạt động, đơn vị đã có kế hoạch hỗ trợ như giảm chi phí dịch vụ 30-50%, tổ chức tuyến xe buýt từ trung tâm về bến xe… nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà.

Hơn 3 tháng sau khi khánh thành, giờ lãnh đạo bến xe phía Nam Đà Nẵng cũng chỉ biết ngồi chờ. Không biết đến bao giờ bến xe mới được phân luồng cho xe khách vào để khỏi lãng phí hàng trăm tỉ đồng đã đầu tư.
 
Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm