1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Bến đò nặng nỗi lo mùa nước lũ

(Dân trí) - Trên địa bàn thị trấn Tân Lạc đang tồn tại một bến đò ngang với lưu lượng người qua lại rất đông, mang nhiều nỗi lo khi mùa khai trường và mùa mưa lũ đã đến.

Đường ra khu vực chờ đò cũng ngổn ngang...
Đường ra khu vực chờ đò cũng ngổn ngang...

Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, năm 1963 người dân hai xã Diễn Hoa và Diễn Hải của huyện Diễn Châu (Nghệ An) lên xây dựng kinh tế mới tại huyện miền núi cao Quỳ Châu và lấy tên làng Hoa Hải - nay là Khối Hoa Hải, thị trấn Tân lạc huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Gần 50 năm nay, cuộc sống họ vẫn chồng chất những khó khăn, nhất là việc đi lại qua đò.

Tính mạng người dân và nỗi lo mùa lũ

Mùa tựu trường đã đến, và bến đò Hoa Hải nối hai bờ sông Hiếu của thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu (Nghệ An) lại nhộn nhịp trở lại. Cảnh người dân cùng hàng hóa và các học sinh ngồi chờ đò lại được tái diễn, mà khổ nhất là các đối với các em học sinh. Vào buổi sáng thì chậm đò đồng nghĩa với chậm học, còn vào buổi tan trường thì mệt mỏi sau những tiết học căng thẳng.

Được biết, bến đò ngang này mỗi buổi sáng đón, đưa cho gần 1.000 học sinh của 3 cấp qua sông Hiếu đi học. Và bình quân mỗi chuyến đò chở được từ 10-15 em điều đó đồng nghĩa với việc người lái đò phải chèo qua chèo lại gần 100 lượt. Mặc dù trên đò được trang bị đầy đủ áo phao cứu sinh và nhận thức về an toàn khi qua sông đã được các em ý thức cao, song để những chuyến đò được an toàn thì nhiều yếu tố cần phải làm, còn hiểm nguy lắm.
Cảnh phụ huynh, học sinh phải chờ đò.
Cảnh phụ huynh, học sinh phải chờ đò.

Em Lê Việt Hoàng - lớp 6A2 trưởng THCS thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu cho biết: “Chúng cháu ở đây đi đò nhiều rồi, sợ lắm nhất là mùa mưa lũ. Chúng cháu mong muốn có một cái cầu để mỗi buổi đi học đỡ vất vả”.

Vất vả đợi đò, các em học sinh còn phải đối mặt với nguy hiểm khi sang sông Hiếu, nhất là vào mùa mưa lũ. Ông Đậu Công Nhân - người lái đò ở bến đò Hoa Hải cho biết: “Khi nước lớn đi đò mô cũng nguy hiểm cả. Đò nhỏ sợ lật còn dùng máy lại nguy hiểm hơn bởi thường hay bị hỏng máy do cây cối trôi sông cuốn vào nên phải nghỉ. Những lúc như thế tội đám học sinh lắm”.

Không phải học sinh nào cũng chịu mặc áo phao
Không phải học sinh nào cũng chịu mặc áo phao

Ngoài ưu tiên phục vụ đưa đón gần 1.000 học sinh đi học, hàng ngày bến đò này còn phục vụ khoảng hơn 2.000 người dân của 6 bản thuộc xã Châu Hạnh và 3 khối thuộc thị trấn Tân Lạc. Với lưu lượng người qua sông nhiều mỗi ngày, nên áp lực lên con đò nhỏ ở bến đò Hoa Hải là rất lớn.

Các em học sinh ở các bản Thuận Lập, Tà Cồ, Pà Cọ, Định Tiến xã Châu Hạnh và khối Hoa Hải của thị trấn Tân Lạc hầu chỉ học hết cấp 2, còn rất ít các em tiếp tục theo học lên cấp 3 vì đi đò quá vất vả. Nguyên nhân là từ lớp 6 các em đã phải qua sông học ở trung tâm huyện.

Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không chu cấp nổi tiền học cho con cái, thêm vào đó mất một khoản tiền qua đò và điều day dứt hơn là nguy hiểm luôn rình rập các em mỗi khi qua lại con sông này….

Cần lắm một cây cầu

Qua bên kia sông Hiếu mùa này “cưỡi” trên con thuyền mỏng manh với dòng nước từ thượng nguồn đổ về dâng cao, đục ngầu mà lòng chúng tôi day dứt và thầm nghĩ lỡ chuyến đò bị làm sao thì tính mạng học sinh, người dân sẽ như thế nào? Rồi dọc 2 bên bờ vẫn còn để lại những điểm sạt lở sâu hoáy trong các mùa mưa lũ trước nay cũng đang rơi rụng thêm những mảng đất mới...
Mỏng manh đò nhỏ qua sông Hiếu giữa mùa nước lũ
Mỏng manh đò nhỏ qua sông Hiếu giữa mùa nước lũ

Ông Ngô Minh Công người dân khối Hoa Hải thị trấn Tân Lạc cho biết khi còn nhỏ ông theo cha mẹ lên vùng đất này làm kinh tế, khai hoang phục hoá, giãn dân, nhưng gần 40 năm trôi qua cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Con đường duy nhất nối các bản này với trung tâm xã Châu Hạnh, thị trấn Tân Lạc và trung tâm huyện về mùa mưa hầu như bị tê liệt hoàn toàn.

Chỉ cách trung tâm huyện vài trăm mét đường chim bay nhưng nhiều khi không thể sang huyện, sang xã để làm việc. Không chỉ có người dân khối Hoa Hải mà còn hơn 2.000 dân của các bản Kẻ Nính, Định Tiến, Thuận Lập, Tà Cồ, Pà Cọ, của xã Châu Hạnh huyện Quỳ Châu phải chịu chung hoàn cảnh ngày ngày phải đi đò qua sông và như đang thách đố tính mạng với hà bá sống Hiếu vẫn treo lơ lửng trên từng con người.

Bến đò Hoa Hải đã tồn tại và hoạt động ở bến sông này cách đây gần 40 năm qua. Trước sự cần thiết và mối nguy hiểm khi phải dùng đò ngang để người dân đi lại, từ những năm 1975 nhà nước đã đầu tư xây dựng 1 cây cầu qua sông ngay gần bến đò này. Nhưng cho đến thời điểm này, cầu cũng chỉ có cái mố đã phủ rêu thời gian. Và dừng lại ở đó để cho người dân phải mòn mỏi chờ đợi.
Các em ở đây mong ước có một chiếc cầu bê tông để khỏi chậm học, tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Các em ở đây mong ước có một chiếc cầu bê tông để khỏi chậm học, tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Trong khi đó việc đi lại của người dân bên kia sông vẫn còn phụ thuộc vào chiếc đò gỗ chòng chành, rất nguy hiểm. Hàng năm, trong các kỳ họp ở huyện đã có nhiều ý kiến cử tri đề nghị chính quyền các cấp xây dựng một cây cầu bắc qua sông Hiếu, để bà con và các em học sinh nơi đây đi lại bớt nguy hiểm.

Ông Đậu Công Hà - PCT UBND thị trấn Tân Lạc, huyện Qùy Châu mong muốn: “Chúng tôi mong muốn có một chiếc cầu sớm triển khai thực hiện để người dân được hưởng lợi và nhất là đảm bảo an toàn cho các em học sinh mỗi khi qua sông …”.
Đã có nhiều sách vở, đồng dùng của học sinh rơi nước khi qua sông. 
Đã có nhiều sách vở, đồng dùng của học sinh rơi nước khi qua sông. 
 
Nguyễn Duy - Trần Minh