1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

TPHCM:

Bến cóc, xe dù như “nấm mọc sau mưa”

(Dân trí) - Sau Tết, hàng ngàn công nhân từ khắp các tỉnh lại đổ về TPHCM và vùng phụ cận để tiếp tục công việc. Khi những chuyến xe nối đuôi nhau đưa công nhân về thành phố thì cũng là lúc nhiều điểm trả khách tự phát như “nấm mọc sau mưa”.

Trong các ngày mồng 7, 9, 11 Tết, các chuyến xe khách Bắc Nam liên tục đưa khách từ các tỉnh miền Bắc, Trung, miền Tây vào TPHCM. Trong số những hành khách đó, đa phần là công nhân tại các Khu công nghiệp của TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…

Thế nhưng, số xe chạy vào bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây trả khách ít hơn so với số xe trả khách ở dọc lề đường. Việc các xe tấp nập ập vào trả khách một cách ồ ạt khiến giao thông TPHCM đã rối rắm lại càng hỗn độn hơn.

Để tránh tình trạng xe dù, cơm tù, bến cóc… nhiều công ty đã hợp đồng xe đưa đón công nhân tận nơi, thế nhưng, đó chỉ là những con số rất nhỏ so với lượng xe khách chạy “thời vụ”.

Bởi những xe thời vụ chuyên bắt khách dọc đường, nhồi nhét trên những chiếc ghế xúp. Điểm trả khách là những bãi đất trống ven đường hoặc ngang nhiên chiếm dụng các chân cầu vượt làm bãi đáp trả khách.
 
Bến cóc, xe dù như “nấm mọc sau mưa” - 1
Hành khách bị thả dồn dập tại gầm cầu vượt Sóng Thần (ảnh: CQ).

Có thể chỉ ra một số điểm cầu vượt bị “sử dụng sai mục đích” như: ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai), chân cầu vượt Sóng Thần (Dĩ An - Bình Dương), cầu vượt Trạm 2 - Suối Tiên (quận 9, TPHCM), cầu vượt Bình Phước (Thủ Đức, TPHCM), cầu vượt An Sương (Quận 12, TPHCM)…

Sáng ngày 5/2, có mặt tại chân cầu vượt Sóng Thần (ngay trước cổng Khu công nghiệp Sóng Thần, Dĩ An, Bình Dương), chúng tôi đã chứng kiến hàng chục xe khách liên tục thả khách tại đây (chủ yếu là các xe chạy tuyến Bắc, Trung vào TPHCM).

Cách 5 phút lại có 1 xe tấp vào gầm cầu vượt theo kiểu chạy tạt ngang rất nguy hiểm cho người đi đường. Tiếng còi xe bóp inh ỏi giục khách xuống, các lơ xe quát khách: “Nhanh lên, công an đến kìa” rồi nhanh tay đẩy khách xuống xe. Bên dưới đường, hàng chục xe ôm bạt gió đuổi theo chiếc xe đường dài để bắt khách.

Chị Phạm Thị Bé Bảy (32 tuổi, quê Quảng Ngãi) lỉnh kỉnh va ly, túi xách vừa bước từ chiếc xe mang biển số Đà Nẵng xuống cho biết: “Em xuống đây để bắt xe buýt về Khu Công nghiệp Bến Cát cho tiện. Xuống xe đã mệt, còn bị mấy bác xe ôm cứ giật hành lý, mời lên xe… chóng cả mặt!”.

Nhiều xe khách chạy đến cầu vượt Trạm 2 - Suối Tiên đã trả gần hết hành khách. Còn lại vài người, nhà xe đã chuyển sang xe buýt và hỗ trợ mỗi hành khách 3.000 đồng để đón xe buýt đi. Anh Xuân Huy, hành khách từ Thanh Hóa vào bức xúc kể: “Đúng ra xe tôi vào bến Miền Đông, thế nhưng đến Suối Tiên, lơ xe đón xe buýt tuyến số 8 cho chúng tôi về.

Anh Sơn, chủ nhà xe Hoàng Sơn mang biển số Quảng Nam cho biết: “Xe có bãi đậu ở bãi trống Phú Hòa (quận Tân Phú), thế nhưng do thời điểm này lượng khách vào Nam đông nên phải trả khách xuống dọc đường để tranh thủ quay ra Quảng Nam đón lượt khách tiếp theo”.

Theo thống kê của Bến xe Miền Đông, mỗi ngày có gần 2.000 lượt xe khách từ các nơi đổ về đây đón trả khách. Bến xe chỉ kiểm soát được số xe đăng ký chạy theo tuyến, lịch trình. Còn hàng ngàn xe dù đón trả khách dọc đường, tại các bến cóc thì nằm ngoài tầm kiểm soát của bến xe.
 
Bến cóc, xe dù như “nấm mọc sau mưa” - 2
CSGT đội 6 xử phạt một xe trả khách không đúng quy định (ảnh: CQ).

Nắm bắt tình hình này, Phòng CSGT TPHCM đã chỉ đạo các Đội, Trạm trực chốt tại một số “điểm nóng” như Suối Tiên (điểm phụ trách của CSGT Trạm 2), QL 1A, QL 13 (đội CSGT số 6), Vòng xoay An Lạc - Bình Chánh, bến xe miền Tây (CSGT Trạm 4).

Trung tá Trần Như Sỹ, Đội trưởng CSGT số 6 cho biết, trên các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13 là điểm nóng nhất về vấn đề bến cóc, xe dù. Do lượng xe đổ về nhiều, sẽ gây kẹt xe nghiêm trọng. Vì vậy, các chiến sĩ của đội phối hợp với CSGT quận Thủ Đức tiến hành tuần tra, phân luồng từ xa để tránh ùn tắc do lượng xe từ các tỉnh đổ về tăng đột biến.

Thế nhưng, việc xử phạt các xe đỗ khách không đúng nơi quy định rất khó bởi các xe khách luôn có lực lượng xe ôm làm “ăng ten”. Hễ phát hiện có CSGT thì cánh xe ôm “xi nhanh” cho xe nhanh chóng “né” đi nơi khác.

Công Quang