1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đắk Lắk:

Bé trai 12 tuổi dập nát 2 bàn tay nghi do pháo nổ

Thúy Diễm

(Dân trí) - Một bé trai 12 tuổi tại Đắk Lắk nhập viện cấp cứu trong tình trạng 2 bàn tay bị dập nát, có nhiều chấn thương trên cơ thể nghi do chế tạo pháo.

Sáng 15/12, trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Nguyên Minh Trực - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên - xác nhận, bệnh viện vừa mổ cấp cứu cho một cháu trai bị dập nát 2 bàn tay, đa chấn thương nghi do pháo nổ.

Bé trai 12 tuổi dập nát 2 bàn tay nghi do pháo nổ - 1

Cháu bé bị cắt cụt một bàn tay và cắt 2/3 bàn tay còn lại nghi do chế tạo pháo (Ảnh: Uy Nguyễn).

Theo thông tin ban đầu, khoảng 18h ngày 14/12, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận bệnh nhân P.L.B.K. (12 tuổi, ngụ xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) trong tình trạng choáng, đa chấn thương.

Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán dập nát bàn tay bên phải, bàn tay bên trái, đa vết thương ở cẳng chân, bàn chân, nhiều vết thâm tím, bầm tím vùng hàm mặt và hai mắt nghi do pháo nổ.

Bác sĩ Trực cho biết, theo lời kể của cháu bé khi khám bệnh, cháu đã mua thuốc trên mạng về nhồi để làm pháo dẫn đến sự việc.

Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được chuyển mổ cấp cứu suốt 3 giờ liền và truyền 4 đơn vị máu. Bệnh nhân phải cắt cụt cẳng tay bên trái, tháo bỏ 2/3 bàn tay bên phải, cắt lọc nhiều vết thương ở cẳng chân phải bên trái, bệnh nhân còn bị gãy 2 xương cẳng tay và xương cánh tay bên phải.

"Sau ca mổ bệnh nhân tạm ổn, tiếp xúc tỉnh táo, khoa Chấn thương chỉnh hình đang điều trị các tổn thương và phối hợp với khoa Mắt kiểm tra mắt cho bệnh nhân", bác sĩ Trực thông tin.

Bác sĩ Trực cho biết thêm, pháo là chất nổ có sức tàn phá mạnh, thường để lại di chứng nặng nề về sau cho các bệnh nhân, nhiều trường hợp vết thương không thể tái tạo, dẫn đến nạn nhân tàn phế.

Để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho trẻ cũng như tất cả mọi người, bác sĩ khuyến cáo gia đình, nhà trường giáo dục trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ.

"Khi gặp trường hợp bệnh nhân bị các chấn thương do pháo nổ cần nhanh chóng sơ cứu, trường hợp các chi của cơ thể bị đứt lìa, nên rửa phần đứt bằng nước muối sinh lý sau đó đặt vào túi sạch rồi bỏ vào túi có đá lạnh (không cho trực tiếp vào đá lạnh) và đưa vào viện sớm nhất có thể", bác sĩ Trực nhấn mạnh.

Trước đó, vào tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống việc tự chế pháo nổ trong học sinh các trường học.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, tình trạng học sinh tự chế tạo pháo trên địa bàn diễn biến phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều trường hợp tử vong hoặc bị thương tật suốt đời (cụt tay, cụt chân, mù mắt).

Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, đã xảy ra 2 vụ nổ khi chế tạo pháo khiến 3 học sinh tử vong và 3 em khác bị thương tật nặng.

Tỉnh Đắk Lắk đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để kịp thời chấn chỉnh, xử lý tình trạng tự chế pháo nổ trong học sinh các trường học, nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của các em.