TPHCM:

Bé 15 tháng tuổi ngủ gầm cầu cùng ba mẹ chờ ngày về quê

Hoàng Thuận

(Dân trí) - Không còn khả năng trả tiền phòng trọ, vợ chồng anh Đ. cùng con trai 15 tháng tuổi quyết định bồng bế nhau đi bộ từ TPHCM về quê ở Bạc Liêu.

3 ngày qua, anh D.Đ. (24 tuổi) cùng vợ là chị N.T.H. và con trai 15 tháng tuổi ngủ dưới gầm cầu vượt ngã tư Gò Mây (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM) vì không còn tiền để trả phòng trọ.

Anh Đ. cho biết cả hai vợ chồng thuê phòng trọ ở xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) để đi làm phụ hồ. Do dịch bệnh phức tạp nên họ nghỉ việc hơn 3 tháng qua.

Bé 15 tháng tuổi ngủ gầm cầu cùng ba mẹ chờ ngày về quê - 1

Vợ chồng anh Đ. cùng 2 cha con chú S. sinh hoạt dưới gầm cầu vượt ngã tư Gò Mây.

Mất việc, không còn tiền trả thuê phòng, vợ chồng anh Đ. quyết định đi bộ về quê Bạc Liêu. Ngày 14/8, họ lận lưng vài chục nghìn đồng trong túi, mang theo ít hành lý rồi ẵm con đi bộ về quê.

Trước khi khởi hành, đôi vợ chồng nghèo mua ít sữa cho con, đem theo nước uống, ít mì gói để ăn uống dọc đường.

"Ba tuần trước, ba ở nhà mất do bạo bệnh nhưng tôi không về được. Giờ không có tiền cũng phải nhịn đói để đi bộ về nhà. Đi dọc đường có một số người dân thương tình cho ít tiền làm lộ phí", chị H. chia sẻ.

Bé 15 tháng tuổi ngủ gầm cầu cùng ba mẹ chờ ngày về quê - 2

Con trai chị H. ngủ ngon lành trên tấm bìa carton.

Ẵm con đi bộ đến ngã tư Gò Mây (quận Bình Tân), vợ chồng anh Đ. được một số người dân hướng dẫn vào chốt kiểm soát đăng ký để được hỗ trợ đưa về quê miễn phí. Đôi vợ chồng quê miền Tây làm theo rồi ăn, ngủ, sinh hoạt dưới gầm cầu để chờ ngày được đưa về quê.

Trải tấm lót lên nền xi măng của bồn tiểu cảnh, vợ chồng anh Đ. phủ thêm tấm bìa carton lên trên làm chỗ để cả gia đình tá túc qua đêm. Để có nước tắm cho con trai, anh Đ. lấy thau hứng từ vòi tưới cây, còn nhu cầu vệ sinh thì đi nhờ nhà dân dọc quốc lộ.

"Đêm mưa to nên tôi tranh thủ tắm rồi giặt đồ luôn chứ không dám làm phiền người dân xung quanh", anh Đ. vừa nói vừa quạt cho con trai đang nằm ngủ say trên bìa carton.

Cùng cảnh ngộ, chú D.S. (hàng xóm anh Đ.) để lại 2.000 m2 đất ở quê cho vợ lo rồi cùng con trai 20 tuổi lên thành phố làm phụ hồ với tiền công khoảng 250.000 đồng/ngày.

Làm được một tháng thì công trình ngưng hơn 2 tháng do dịch bệnh. Hai cha con chú S. mất việc, trong túi còn chưa tới 100.000 đồng. 

"Tôi với con trai ở lại công trình hơn 2 tháng thì hết tiền, không biết bấu víu vào đâu. Cha con đành đi bộ về quê chứ ở trên này không biết lấy gì ăn. Cha con, chú cháu chúng tôi xúm nhau lội bộ về để hỗ trợ nhau lúc cần", chú S. cho hay.

Bé 15 tháng tuổi ngủ gầm cầu cùng ba mẹ chờ ngày về quê - 3

Ông Nguyễn Văn Đức (người đứng), Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) vận động người dân về trường học gần đó ở tạm thời.

Ba ngày qua, cả 5 người đều sinh hoạt trên nền xi măng có chiều ngang rộng khoảng 1 m, dài hơn 20 m dưới gầm cầu. Thức ăn hàng ngày phụ thuộc vào từ các mạnh thường quân.

Chú S. cho biết, có 5 người đồng hương làm phụ hồ đang mắc kẹt tại quận Tân Bình, còn anh Đ. có 5 người bà con kẹt ở công trình gần Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên, trưa 17/8, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) có mặt tại gầm cầu hỏi thăm và đưa tất cả về một trường học gần đó để ở tạm thời.

Bé 15 tháng tuổi ngủ gầm cầu cùng ba mẹ chờ ngày về quê - 4

UBND phường dùng xe bán tải để chở 2 gia đình về trường học.

Bé 15 tháng tuổi ngủ gầm cầu cùng ba mẹ chờ ngày về quê - 5

Trong thời gian lưu trú tại trường học, gia đình anh Đ. và chú S. được nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Tại đây, UBND phường Bình Hưng Hòa B sắp xếp cho vợ chồng anh Đ. và chú S. ở trong một phòng học có đầy đủ điện nước, nhà vệ sinh. Ông Đức cho biết đây là một trong số 4 cơ sở dùng làm nơi lưu trú tạm thời cho các trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

"Người dân ở tại các cơ sở này được phát cơm ngày 3 bữa và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi được đưa về quê. Trường hợp người dân có nhu cầu tiêm vắc xin, địa phương sẽ hỗ trợ tối đa", ông Đức cho hay.