1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Báu vật sống” về Sử thi Mơ Nông giữa đại ngàn Tây Nguyên

(Dân trí) - “Báu vật sống” ấy là nghệ nhân Điểu K’lung (71 tuổi), người đồng bào dân tộc Mơ Nông ở tại buôn Tul A, xã Ea Wer, Buôn Đôn, Đắk Lắk. Người được cho là ghi nhớ nhiều Sử thi Mơ Nông nhất tại Tây Nguyên với gần 200 Ot Ndrong khác nhau.

“Báu vật sống” số 1 về Sử thi Mơ Nông

Theo một số tài liệu, người ta đã ghi âm được từ nghệ nhân Điểu K’lung trên 50 Sử thi Mơ nông. Tiêu biểu một số Sử thi như: Tiăng đi lấy sừng trâu; Thần cưa răng kon Rung; Thuốc cá ở hồ bầu trời mặt trăng; Bắt con lương ở suối Dak Huch; Tiăng bán tượng gỗ; Đánh cá hồ lau lách; Bán chiêng Yau cho Bon Tiăng; Tiăng lấy ché con mèo; Diăng Nghe tự tử… Trung bình mỗi Sử thi ghi âm từ 7 đến 10 băng, mỗi Sử thi dịch ra song ngữ Mơ Nông - Việt từ 700 -1.000 trang.

Nghệ nhân Điểu K’lung được xem là “báu vật sống” về Sử thi Mơ nông hiếm hoi còn lại tại Tây Nguyên.

Nghệ nhân Điểu K’lung được xem là “báu vật sống” về Sử thi Mơ nông hiếm hoi còn lại tại Tây Nguyên.

Tuy nhiên, theo ông Trương Bi - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Đắk Lắk - người có nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm Sử thi, trên thực tế nghệ nhân Điểu K’lung hát kể được gần 200 Sử thi Mơ Nông. “Nghệ nhân Điểu K’lung là người nhớ Sử thi Mơ Nông giỏi nhất tại Tây Nguyên với gần 200 Sử thi. Là “báu vật sống” về Sử thi Mơ nông hiếm hoi còn lại tại Tây Nguyên. Ngoài ra, anh em ruột của nghệ nhân Điểu K’lung như nghệ nhân Điểu K’lứt, nghệ nhân Điểu Kâu cũng hát kể Sử thi giỏi nhưng chỉ khoảng vài chục Sử thi. Có thể nói, Sử thi của người Mơ Nông tồn tại ở dòng họ của nghệ nhân Điểu K’lung. Vì đây là dòng họ thuộc nhiều Sử thi Mơ Nông nhất tại Tây Nguyên”, ông Trương Bi nhận định.

Nghệ nhân Điểu K’lung tâm sự, năm 7 - 8 tuổi khi đang còn ngồi trên lưng trâu ông đã bắt đầu học kể Sử thi. Khi đó ông đã hát kể được khoảng 20 đến 30 Sử thi. “Buổi tối bên bếp lửa bập bùng ở ngôi nhà dài, sáng mai ra trên lưng trâu là thuộc được một Sử thi. Sử thi dài nhất tôi hát kể dài khoảng 7 ngày, 7 đêm. Ngắn cũng 2 ngày, 2 đêm”, nghệ nhân Điểu K’lung thổ lộ. Theo như lời nghệ nhân Điểu K’lung kể thì những gì có trên mặt đất khi con người sinh ra đều có trong sử thi Mơ Nông: đất, nước, con người, vạn vật, muôn loài. Trong đó có nhiều Sử thi Mơ Nông nhắc đến lòng yêu nước, mối quan hệ tốt đẹp giữa dân tộc Mơ Nông với người Việt cũng như các dân tộc khác.

Đến bây giờ, nghệ nhân Điểu K’lung cho biết, để chống sót, sau một ngày lao động trên rẫy, tối đến về nhà ông lại cầm bút chép Sử thi ra giấy. “Bao năm nay tôi vẫn làm vậy. Tuổi tôi đã già, nếu không ôn luyện như vậy sẽ quên. Nhiều chỗ sót, tôi lại đem sách ra xem lại là nhớ ngay một mạch”, nghệ nhân Điểu K’lung tâm sự.

Nghệ nhân Điểu K’lung được Viện Khoa học xã hội Việt Nam tặng một Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Khoa học xã hội, một Bằng khen về thành tích sưu tầm, hát và truyền dạy Sử thi. Được BCH Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian, tháng 9/2003.

Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Khoa học xã hội của Viện Khoa học xã hội Việt

Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Khoa học xã hội của Viện Khoa học xã hội Việt Nam tặng Nghệ nhân Điểu K’lung.

Chia tay chúng tôi, nghệ nhân Điểu K’lung cho biết bao năm nay ông luôn đau đáu là làm thế nào để truyền dạy niềm đam mê truyền thống văn hóa dân tộc lại cho lớp trẻ. Bởi ông mới truyền dạy Sử thi Mơ Nông cho 5 cháu nhỏ ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông và 2 cháu nhỏ ở xã Ea Wer, huyên Buôn Đôn, Đắk Lắk biết kể Sử thi Mơ Nông bằng tiếng mẹ đẻ.

Chông chênh phận đời

Người hàng xóm thông báo có khách lạ đến hỏi thăm, nghệ nhân Điểu K’lung khi đó đang thăm chơi trong một ngôi nhà dài ở trong buôn tất tả bước xuống chiếc cầu thang bằng gỗ, nở nụ cười híp mắt vẫy chào khách từ xa. Dáng người ông gầy gò, màu da đen sạm, mái tóc đen xoăn điểm bạc, đôi mắt hằn sâu vết chân chim.

Nghệ nhân Điểu K’lung là con út trong một gia đình có 4 anh em ruột tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông (tên gọi hành chính hiện nay) nổi tiếng khắp Tây Nguyên vì tài năng hát kể Sử thi “siêu đẳng”. Mấy anh em nhà ông đều là nghệ nhân trong lĩnh vực hát kể Sử thi như nghệ nhân Điểu K’lứt (SN 1930), nghệ nhân Điểu Kâu (SN 1935).

Nghệ nhân Điểu K’lung (71 tuổi, ở buôn Tul A, xã Ea Wer, Buôn Đôn, Đắk Lắk) bên bộ Sử thi Mơ Nông.
Nghệ nhân Điểu K’lung (71 tuổi, ở buôn Tul A, xã Ea Wer, Buôn Đôn, Đắk Lắk) bên bộ Sử thi Mơ Nông.
 
Ít ai biết rằng, người nghệ nhân già năm nay bước sang tuổi 71 ấy cuộc đời cũng khá chông chênh. Đời ông có đến 2 người vợ. Trong căn nhà xập xệ, nơi tiếp chuyện là chiếc chiếu cói đơn sơ giữa nền nhà bạc màu đất sét, nghệ nhân Điểu K’lung kể, năm 1971, ông lập gia đình. Tưởng hạnh phúc sẽ theo ông đi hết cuộc đời nhưng hai tâm hồn ấy hòa điệu được 15 năm thì chia đôi lối ngả.
 
“Sau khi lập gia đình tôi có một thời gian sống tại TP. Buôn Mê Thuột. Từ sau giải phóng, vì cuộc sống khó khăn, gia đình tôi chuyển xuống xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn làm nương, làm rẫy vì nơi đây là quê vợ của tôi. Chỉ vì chê tôi nghèo mà bà ấy bỏ tôi…”, nghệ nhân Điểu K’lung tâm sự.
 
Theo phong tục khi đó, nghệ nhân Điểu K’lung cho biết, lẽ ra ông có thể phạt nặng bà vợ người M’nông gốc Lào này nhưng khi đó quá thương các con nên ông tặc lưỡi không phạt, dứt áo ra đi để lại số tài sản bao năm tích cóp cho các con. Ở cái tuổi 45 bị bỏ vợ ngang giữa chừng, nghệ nhân Điểu K’lung cho biết khi đó ông buồn lắm, bao đêm trằn trọc không ngủ vì nguyên nhân vợ bỏ quá... lãng xẹt.
 
Tưởng rằng, tinh thần sẽ sụp đổ, nhưng khát khao hạnh phúc đã thôi thúc ông tìm bến đỗ hạnh phúc mới. Thật bất ngờ, không lâu sau khi “ngửi hoa tìm mật”, nghệ nhân Điểu K’lung đã sánh duyên cùng một người phụ nữ Ê-đê xinh đẹp ngay chính trong buôn Tul A, kém ông đến 27 mùa rẫy. “Bà ấy thích mình, mà mình cũng thích nên thành vợ, thành chồng”, nghệ nhân Điểu K’lung cười.

Đến bây giờ, dù có hạnh phúc bên gia đình mới nhưng nghệ nhân Điểu K’lung cho biết, thỉnh thoảng ông vẫn sang thăm bà vợ người M’nông gốc Lào khi xưa. “Bây giờ bà ấy vẫn khỏe. Trong buôn hễ ai gãy tay, gãy chân bà ấy vẫn thường xuyên giúp họ. Sang chơi tôi vẫn chuyện trò bình thường. Từ ngày chia tay, bà ấy ở vậy cho đến bây giờ”, nghệ nhân Điểu K’lung tâm tình.

Không chỉ duyên phận chông chênh, năm nay nghệ nhân Điểu K’lung đã bước sang mùa rẫy thứ 71 nhưng cuộc sống gia đình vẫn khốn khó. Nơi ông tá túc cùng người vợ kế và 2 đứa con nhỏ là căn nhà gỗ xập xệ, đồ đạc trong nhà ít có gì đáng giá. Vì cuộc sống khó khăn, nghệ nhân Điểu K’lung cho biết, ông ít có điều kiện về thăm quê hương. Lần về thăm quê gần đây nhất của ông đến nay cũng đã vài năm. Khi trò chuyện với chúng tôi nét mặt ông không giấu được tâm trạng nhớ quê da diết.

Đang lúc trò chuyện khoảng giữa trưa, nghệ nhân Điểu K’lung tâm sự: “Bây giờ chú đến, tôi tiếp chuyện nhưng một lúc nữa chú đi, tôi lại vác cuốc lên rẫy để phát vạt cỏ cho cây bắp, cây sắn chóng lớn, làm cho đến tối thì về, dù trời mưa hay nắng. Cũng nhờ khoảng 3 sào rẫy ấy tôi mới nuôi được các con tôi khôn lớn”.
 

Sử thi (Ot Ndrong) trước đây thường được gọi là Trường ca, Anh hùng ca. Một thể loại tự sự dân gian truyền miệng, cho tới nay vẫn được lưu giữ trong trí nhớ của người dân. L. Sabatier thường được nhắc đến với việc lần đầu tiên ông sưu tầm và công bố Khan Đăm Xăn (1927) và sau đó dịch sang tiếng Pháp. Tiếp sau Khan Đăm Xăn, năm 1955, Antomarchi đã công bố Khan Đăm Di. Đối với người Mơ Nông, trước kia, người ta hát kể Ot Ndrong trong các dịp lễ hội, lúc nông nhàn, tiếp đãi khách quý, trong các buổi tối.

Viết Hảo