1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bầu Đức và “đồ chơi” hơn 7 triệu đô

Có thể nói việc bầu Đức - Chủ tịch CLB bóng đá HA-GL mua chiếc máy bay riêng Beechcraft King Air 350 là một trong những sự kiện đình đám nhất năm 2008. Doanh nhân mua máy bay riêng là chuyện xưa nay hiếm ở Việt Nam và bầu Đức lại một lần nữa là người đột phá.

Vài nét về chiếc máy bay hơn 7 triệu đô

Chiếc máy bay ông Đức mua nhãn hiệu Beechcraft King Air 350, số seri FL-417 do hãng Raytheon Aircraft (Mỹ) sản xuất; động cơ Pratt & Whitney PT 6 - 60 A (Canada). Đây là loại máy bay phản lực cánh quạt hai động cơ loại nhỏ, do hãng Beech Aircraft Corporation Mỹ chế tạo. Loại máy bay dài hơn 10m và sải cánh hơn 15m này có từ một đến hai phi công, chở tối đa 11 người. Nó có thể bay liên tục 3.500 km với tốc độ nhanh nhất đạt 583 km/h.
 
Chiếc Beechcraft King Air 350 chỉ có thể mang theo hơn 500 lít nhiên liệu và bay trong tầm bay 3.500km nên đã phải bay men theo bờ biển qua nhiều điểm dừng trước khi về VN. Từ sân bay Mena, bang Arkansas (Mỹ) chiếc máy bay của bầu Đức phải bay lên Alaska, xuống Hawaii, đến Nhật Bản, Đài Loan rồi về VN trong ngày 14/5/2008 với viên phi công người Mỹ do Công ty Dịch vụ bay miền Nam (Vasco) thuê.
 
Bầu Đức và “đồ chơi” hơn 7 triệu đô - 1

Bầu Đức và chiếc Beechcraft King Air 350
 
Chiếc King Air 350 sử dụng xăng Jetgas dùng cho máy bay phản lực. Loại xăng này ở trong nước có giá khoảng 500 - 600 USD/tấn. Tại nhiều quốc gia, nhiên liệu sử dụng trong ngành hàng không nói chung và xăng Jetgas nói riêng là mặt hàng chịu thuế đặc biệt so với các loại nhiên liệu khác. Chi phí đào tạo phi công cũng khá cao. Tuy nhiên, khi mua chiếc Beechcraft King Air 350 này phía bên bán chịu chi phí chuyển loại (huấn luyện) phi công cho phù hợp là 45.000 USD.

Bầu Đức và những bước đột phá

Bầu Đức cho biết ý định mua máy bay đã có từ khá lâu do nhu cầu di chuyển liên tục từ văn phòng chính của Hoàng Anh Gia Lai (ở Gia Lai) đến TPHCM, Đà Nẵng, Đà Lạt, Hà Nội, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore... nhưng đến bây giờ mới thành hiện thực.

Nhiều người hẳn chưa quên ông Đức từng thuê cầu thủ số 1 Đông Nam Á - Kiatisak với mức lương đỉnh nhất Việt Nam vào năm 2002. Chuyện này từng là không tưởng trong làng bóng đá Việt Nam cũng như chính bản thân Kiatisak...

Ngày đó, Kiatisak là người nổi tiếng và đang ở giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp nên chuyện về Việt Nam anh không màng tới. Tuy nhiên, sau 2 tháng theo đuổi với tấm thịnh tình và lòng quyết tâm, ấn tượng nhất là sự xuất hiện của ông Đức ngay trong ngày cưới của Kiatisak đã khiến tiền đạo này xiêu lòng và gật đầu đồng ý. Sau đó, ông Đức có chuyến thăm lãnh địa Emirates và ký hợp đồng hợp tác chiến lược lâu dài với CLB tên tuổi xứ sương mù Arsenal (Anh quốc) khiến nhiều người ngây ngất. Một học viện đào tạo bóng đá HA - GL – JMG Arsenal qui mô và hoành tráng ra đời trên mảnh rừng cao su của khu Trung tâm thể thao Hàm Rồng là một minh chứng cho định hướng đúng đắn của ông Đức. Và giờ đây, ông lại có thêm một bước đột phá mới của mình trong lĩnh vực hàng không: mua chiếc máy bay riêng trị giá hơn 7 triệu USD.
 
Bầu Đức và “đồ chơi” hơn 7 triệu đô - 2

Bầu Đức và người bạn thân
 
Có người bảo ông chơi ngông để khẳng định mình trong lĩnh vực kinh doanh, nhưng ông chẳng giận mà chỉ cười xòa. “Ai bảo thế là ngông, mà ngông là ngông thế nào?! Sẽ là ngông nếu những quyết định đầu tư của tôi không mang lại hiệu quả và trở thành kẻ hoang phí tiền bạc. Đằng này, những quyết định của tôi đều mang lại hiệu quả rất lớn. Thương vụ Kiatisak làm cả nước Thái Lan phải biết đến tôi, đến Hoàng Anh Gia Lai và công việc kinh doanh của chúng tôi gặp nhiều thuận lợi hơn, nhiều nhà đầu tư từ Anh, Pháp cũng đầu tư vào Hoàng Anh Gia Lai. Ai nói tôi ngông theo nghĩa ngông cuồng là người ta nghĩ chưa “tới” đấy thôi. Chỉ có điều, tôi không thích làm lại những điều mà người khác đã làm. Nếu coi đó là ngông thì tôi là người thích ngông, nhưng là cái ngông có tính toán”, ông Đức lý giải.
 
Ông Đức còn khẳng định, nếu ngông mà sau khi có máy bay, nộp ngân sách nhà nước từ 600 - 800 tỷ đồng thì cái “ngông” đó là xứng đáng vì nó làm lợi cho đất nước.
 
Giấc mơ ấp ủ 40 năm
 
Chuyện mua máy bay ông không hề giấu giếm nó là ước mơ đã ấp ủ gần 40 năm qua. Nhưng chuyện ông dứt khoát bỏ tiền mua chiếc máy bay riêng cũng vì một lý do khác, đó là ông không muốn bị cản trở từ công việc đến vấn đề giải trí, kinh doanh hay làm bóng đá. Vì thời gian đối với một doanh nhân như ông là Vàng, mất Vàng là mất cơ hội. Cách đây 3 năm, em dâu ông bệnh nặng thập tử nhất sinh và bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã khuyên gia đình nên chở về nhà. Không cam lòng, ông Đức thuê hẳn một chuyên cơ đưa người em dâu sang Singapore hòng tìm cơ hội cuối cùng khi phía Singapore cam đoan chữa thành công. Nhờ chuyến bay kịp thời này và khả năng chữa trị của phía bạn, em dâu ông sau đó được cứu sống.
 
Một lần khác, ông đang đi công tác từ Pleiku vào TPHCM, giữa đường máy bay trục trặc đành phải quay lại Gia Lai. Thế là ông mất đi một cơ hội làm ăn dù chỉ vì lý do khách quan. Hay một lần, vì quá gấp rút ký hợp đồng kinh doanh, ông thuê hẳn một chiếc máy bay (taxi) với chi phí cao ngất chỉ với hơn 1 giờ đồng hồ bay. Hay những lần vì không có chuyến bay hoặc chuyến bay trễ, ông đã phải bỏ lỡ những trận thư hùng sống còn của HA-GL nên thường tuyên bố: “Tôi sẽ mua máy bay để đi xem bóng đá”. Và rồi ông đã mua thật.
 
Bầu Đức và “đồ chơi” hơn 7 triệu đô - 3

“Biết đâu tôi sẽ mua máy bay mới, hiện đại hơn”

Ông Đức giàu thế nào?

Ông từng công bố chuyện người ta làm bóng đá là chi tiền ra nhưng riêng ông thì bóng đá mang lại cho doanh nghiệp Hoàng Anh Gia Lai lợi nhuận lớn. Ông đã chứng minh “doanh số của Hoàng Anh trước khi có đội bóng là 500 tỷ đồng/năm và kể từ khi có đội bóng nó tăng lũy tiến đều, đến hơn 1.000 tỷ đồng/năm rồi. Chi phí cho phép quảng cáo hơn 10% tôi sử dụng vào việc trả lương cho cầu thủ”.
 
Ông cũng từng hùng hồn tuyên bố mua 20% cổ phần CLB bóng đá Arsenal nhưng vì chưa phải lúc chứ không phải không mua nổi. Như hồi tháng 10/2008, Giám đốc học viện Arsenal toàn cầu đến Việt Nam kiểm tra định kỳ các cầu thủ nhí ở Gia Lai, ông Đức đã cho chiếc Beechcraft King Air 350 của mình đón ông Giám đốc từ TPHCM lên thẳng Pleiku mà không cần chờ đợi mệt mỏi.
 
Đó cũng là một cách, ông chứng minh cho đối tác, cho thế giới biết, Việt Nam cũng không hề thua kém bất kỳ quốc gia nào về sự tiện ích và tài chính. Theo bầu Đức công khai, tổng tài sản của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai ước tính khoảng 1 tỷ USD vào cuối năm 2007. Đến tháng 12/2008, chỉ riêng 55% cổ phần Hoàng Anh Gia Lai Group mà bầu Đức nắm giữ cũng đã có giá 6.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, không mấy khó khăn để bầu Đức mua máy bay riêng cho mình và cũng là để phục vụ cho công ty. “Cái quan trọng không phải vì nhiều tiền nên mua máy bay, mà để phục vụ công tác thuận lợi và sẽ làm ra tiền nhiều hơn”, ông Đức nói.
 
“Tôi luôn thích mình là tiên phong trong một việc nào đấy. Biết đâu tôi sẽ mua máy bay mới, hiện đại hơn” - ông Đức tuyên bố.
 
Ai lái máy bay cho bầu Đức?
 
Bầu Đức và “đồ chơi” hơn 7 triệu đô - 4

Bầu Đức và phi công Nguyễn Thành Trung

Cái tên Nguyễn Thành Trung vốn không xa lạ với mọi người Việt Nam và ông chính là phi công lái chiếc Beechcraft King Air 350.

Ông Trung nguyên là Phó tổng giám đốc Vietnam Arlines, là người từng lái máy bay F5E ném bom Dinh Độc Lập vào ngày 8/4/1975. Ông Trung đã sang Mỹ học đổi bằng lái trong hai tuần và sau đó trở về chính thức trở thành phi công cho bầu Đức.

Ông Nguyễn Thành Trung vốn được bầu Đức ngưỡng mộ từ thời nhỏ, khi nghe tin ông Trung nghỉ hưu, bầu Đức đã tìm mọi cách mời cho bằng được ông về làm phi công. Cũng phải mất gần 2 tháng trời thuyết phục, ông Trung mới nhận lời.

Theo Minh Nghi
Gia đình Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm