1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bát nháo "chợ" hàng lưu niệm trên đỉnh Hải Vân

(Dân trí) - Chiếc xe tour vừa dừng bánh trên đỉnh đèo Hải Vân (TT- Huế) khoảng hai chục phụ nữ mang lỉnh kỉnh đồ lưu niệm ào tới nhốn nháo như một phiên họp chợ. Những chuỗi ngọc trai sáng bóng đưa ra chào hàng đon đả bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Bán hàng … vây!

Hơn 6 giờ sáng, đỉnh Hải Vân vẫn còn bảng lảng sương mù. Từ địa phận Đà Nẵng, gần chục chiếc xe máy nối đuôi nhau ì ạch cố leo lên đỉnh đèo, mang theo những vệt khói đen kịt và tiếng máy nổ chát chúa.

Mười sáu người phụ nữ xuống xe cùng với những giỏ hàng lủng lẳng trên tay, trước ngực. Kiểm tra lại hàng hoá và chỉnh sửa xong xuôi, đám người kéo nhau ngồi bệt xuống đường trong tiếng ngáp dài còn ngái ngủ.

“Có xe lên!” - tiếng một người phụ nữ reo to khiến tất cả đổ dồn ánh mắt về phía âm thanh vừa phát ra. Đoàn người nhanh chóng đứng dậy, mang hàng hoá chạy về phía chiếc xe du lịch chưa dừng hẳn trên đỉnh đèo. Cửa xe vừa mở ra, hành khách chưa kịp bước xuống đã bị vây chặt bởi “đội quân” bán trang sức án ngữ ngay bậc lên xuống.

Anh tài xế thấy chướng mắt phải lên tiếng: “Từ từ cho người ta xuống xe cái đã…”. Một lối đi nhỏ được mở ra nhưng những người bán hàng vẫn bám theo sát gót để chào mở hàng buổi sáng.

“Hai mươi đô một chuỗi, mua không?” - chị T.T.H vừa lắc lắc chuỗi ngọc trai vừa chào hàng với một người khách đứng tuổi bằng thứ tiếng bồi lõm bõm. Vị khách lắc đầu và nở nụ cười xã giao lịch sự nhưng chị H lại đáp trả bằng một câu bản xứ mặn chát rồi chạy đi tìm “mối” khác. Người khách nước ngoài lại lắc đầu một cách khó hiểu…

Dãy quán cố định bày đủ thứ đồ trang sức, hàng lưu niệm trông rất bắt mắt nhưng lại vắng hoe không một vị khách bước đến. Chúng tôi thắc mắc dò hỏi mới biết nguyên nhân chính là do đội quân bán hàng vây gây ra. Chị Liễu, chủ một gian hàng thở dài nói: “Khách có muốn vô xem hàng cũng không được, đường nào mà đi”.

Leo lên mấy chục bậc cấp mới đến di tích Hải Vân Quan, vợ chồng ông bà Bruno (du khách người Pháp) dự định sẽ lưu giữ thắng cảnh Hải Vân trong chiếc máy ảnh xinh xắn. Nhưng những người bán hàng đã theo đến bên cạnh chào hàng rối rít mặc cho hai vị khách xua tay tỏ vẻ khó chịu.

Họ chụp vội vài kiểu ảnh kỉ niệm rồi bước xuống để tránh khỏi sự bủa vây của những món hàng trang sức.

“Bẫy” giá

Chị Thanh An (Đồng Hới, Quảng Bình) trong chuyến du lịch vào Đà Nẵng đã có dịp dừng chân ở đỉnh Hải Vân. Thấy những người bán trang sức mời chào, giới thiệu nhiệt tình chị lấy một chiếc nhẫn bạc ướm thử vào tay. Lúc lấy nhẫn ra, chị sẩy tay đánh rơi chiếc nhẫn xuống vực không lấy lại được. Chủ hàng bắt đền với số tiền 150.000 đồng.

Khi chị Thanh An trả xong tiền và người bán đã đi nơi khác, cô hàng nước bên cạnh mới nói nhỏ vào tai: “Chị bị lừa rồi, ở đây làm chi có bán nhẫn bạc thiệt. Cái đó chỉ năm, bảy ngàn thôi”.

Khoảng 11 giờ trưa, trên đỉnh Hải Vân có cả thảy 8 chiếc xe du lịch lớn nhỏ đưa du khách đến tham quan. Đứng giữa bốn du khách người nước ngoài, chị Phượng cầm chiếc bật lửa đốt vào chuỗi ngọc trai sáng bóng để chứng minh là hàng thật.

Như bị chinh phục bởi màn “thử lửa” đó, 4 người khách đều mua làm kỉ niệm với giá 15 USD một chuỗi ngọc trai. Chị Phượng cầm tiền bước đi trong sự chỉ trỏ của những “đồng nghiệp”, tiếng một người gọi với theo: “Trúng mánh rồi, khao tụi này đi chứ!”.

Những chiếc xe du lịch lần lượt lăn bánh, cảnh nhốn nháo cũng dần lắng xuống và tắt lịm khi trên đỉnh đèo chỉ còn lại dãy hàng quán ọp ẹp và những người bán hàng rong. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe máy thờ ơ vụt qua trước những cái vẫy tay chào bán những món hàng trang sức.

Không bán được hàng, chị Lệ bước vội qua đường tìm một bóng râm tránh nắng. Trong khay hàng của chị có gần chục chuỗi ngọc trai đeo cổ, vòng đeo tay và một mớ nhẫn, hạt cườm óng ánh…

“Mỗi khay hàng như vậy từ năm trăm đến bảy trăm ngàn đồng, đắt nhất là chuỗi hạt ngọc trai, lấy giá gốc là 40.000 đồng một chuỗi. Khách nước ngoài đứng tuổi họ thích đeo ngọc trai lắm!” - chị Lệ cho biết.

Theo nghề bán ngọc trai trên đỉnh Hải Vân gần chục năm nay nên chị N.T.B (Liên Chiểu - Đà Nẵng) có chút kinh nghiệm về loại trang này. Thấy chúng tôi hỏi mua ngọc loại tốt, chị kéo lại nói nhỏ: “Ngọc trai ở đây tụi chị lấy hàng từ Trung Quốc giá “mềm” cho dễ bán nên chất lượng cũng kém. Muốn mua ngọc tốt phải đến những tiệm trang sức cao cấp mới có nhưng cũng phải xem kĩ kẻo dễ bị lầm vì thật, giả giống nhau như đúc”.

Chúng tôi chuẩn bị ra về thì gặp một xe khách đỗ xịch trên đỉnh đèo. Những người bán hàng chia nhau phục vụ các “thượng đế” khi họ vừa bước xuống xe. Phía trước bưu điện Hải Vân, chị Phượng hồ hởi nói với hai người phụ nữ đang mân mê chuỗi ngọc trên tay: “Hai chị là người Việt Nam nên em chỉ lấy tiền vốn thôi, một trăm hai mươi ngàn một chuỗi. Ở đâu rẻ hơn em xin trả lại tiền và biếu không chị chuỗi hạt này”.

Lê Hải - Huỳnh Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm