1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bất lực nhìn lâm tặc rầm rộ phá rừng

(Dân trí) - Rừng ở huyện Nam Đông (TT-Huế) đang kêu cứu từng ngày trước sự chặt phá điên cuồng của lâm tặc. Ngày càng có nhiều khu rừng bị “cạo trọc” trước sự bất lực của lực lượng chức năng.

Bất lực nhìn lâm tặc rầm rộ phá rừng - 1

Nhiều thân cây vất vương vãi trong rừng
Cánh rừng nào cũng bị tàn phá

 

Đóng vai những người mua gỗ, chúng tôi tiếp cận rừng phòng hộ ở đồi La Ngà, khe Ba Xoa, Cổng Trời (xã Hương Sơn, huyện Nam Đông, TT-Huế). Trên đỉnh đồi La Ngà, hàng trăm cây xanh bị chặt tận gốc, đang còn rỉ nhựa. Nhiều cây đã được chặt ra thành từng khúc, chờ người đến vận chuyển.

 

Cây bị đốn hạ trung bình có đường kính từ 0,5-1,5m. Cả một bãi rừng mênh mông còn trơ lại toàn gốc cây, chen lẫn những bãi khoai, sắn do dân trồng. “Có thể lâm tặc đã “đánh hơi” việc các anh lên đây, chứ ngày thường nghe toàn tiếng cưa máy, cây đổ không khác gì một công trường”, người dẫn đường nói với chúng tôi.
 
Bất lực nhìn lâm tặc rầm rộ phá rừng - 2
Những gốc cây to bị đốn hạ, đang chờ đến đêm lâm tặc vào vận chuyển về xuôi ở xã Hương Sơn
 
Bất lực nhìn lâm tặc rầm rộ phá rừng - 3

 

Ngày 12/1/2006, UBND tỉnh TT-Huế ra QĐ 111/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất chi tiết đến năm 2010 của Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Nam Đông. Mục đích là giao đất rừng cho dân trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ trên tuyến đường 74.

 

Năm 2009, Ban QLRPH Nam Đông giao cho huyện 9.819ha rừng, đất rừng đang quản lý nhưng không sử dụng hết để phân bổ cho dân. Lợi dụng chủ trương này, người dân đua nhau tận diệt rừng, biến gỗ rừng thành gỗ nhà.

Xung quanh khoảng rừng đã bị đốn sạch có nhiều con đường mòn nhỏ còn in dấu chân trâu. Đây là lối vận chuyển gỗ của lâm tặc từ đỉnh đồi xuống chân đồi bằng cách dùng trâu kéo.

 

Thường gỗ được đưa xuống vào ban đêm. Dưới chân đồi có một tốp lâm tặc chờ sẵn làm nhiệm vụ cưa xẻ gỗ nhỏ ra và giấu vào trong những xe tải chở gỗ keo hay hàng hóa khác để đưa xuống đồng bằng.

 

Chúng tôi tiếp tục qua khu rừng tự nhiên, đặc dụng và phòng hộ thuộc thác Mơ (xã Hương Phú), nhiều khoảnh rừng cũng đang bị chặt phá tràn lan. Không chỉ các cây gỗ quý hiếm như lim, kiền, trắc… cả các cây gỗ thông thường cũng bị tận thu.

 

Theo chỉ dẫn của một cán bộ xã Thượng Nhật, chúng tôi vào khu vực khe La Ma, thuộc thượng nguồn sông Tả Trạch, giáp với huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam để mục sở thị việc vận chuyển gỗ lậu ồ ạt vào ban đêm ở đây.
 
Bất lực nhìn lâm tặc rầm rộ phá rừng - 4
Bãi tập kết gỗ ở Xí nghiệp lâm nghiệp Lâm Phụng

 

Mới đầu giờ tối, lâm tặc đã bắt đầu đưa những bè gỗ xuống khe La Ma. Trời mưa xối xả nhưng không khí vận chuyển gỗ vẫn nhộn nhịp. Theo khe La Ma, hàng chục bè gỗ được đưa về giấu ở các điểm tập kết gần các thôn.

 

Thông tin chúng tôi có được, “góp sức” tàn phá rừng không chỉ có bọn lâm tặc mà có cả người dân địa phương. Lợi dụng chủ trương của UBND huyện Nam Đông về việc tận thu gỗ lóc lõi còn sót lại ở các nương rẫy và đất trồng cao su, người dân đã vào rừng chặt phá cây cho các đầu nậu gỗ.

 

Điểm nóng Thượng Long

 

Bất lực nhìn lâm tặc rầm rộ phá rừng - 5
36m3 gỗ lim ở Trạm quản lý bảo vệ rừng Thượng Long
 
Tại xã Thượng Long có 5 xưởng cưa và mộc, là điểm thu mua gỗ lậu khá công khai trên địa bàn. Trong khi đó, ở xã này, ngoài kiểm lâm địa bàn còn có hai trạm quản lý bảo vệ rừng của BQL rừng phòng hộ Nam Đông. Đó là chưa kể 8 thôn của xã, thôn nào cũng có người quản lý rừng theo hợp đồng.

 

Hoạt động phá rừng ở Thượng Long diễn ra rầm rộ, có tổ chức. Hàng đêm, lâm tặc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng rầm rộ và hối hả nhưng số bị bắt giữ hàng năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí tại rất nhiều nhà dân, gỗ lậu được chất thành từng đống quanh vườn (!).
 
Bất lực nhìn lâm tặc rầm rộ phá rừng - 6

 

Một nguyên nhân khá chủ yếu dẫn đến việc phá rừng chính là chủ trương xóa nhà tạm. Chủ tịch xã Thượng Long – ông Phạm Văn Cường - cho hay: “Rừng thuộc các tiểu khu 407, 408, 409 đã bị tàn phá nghiêm trọng. Theo chủ trương của huyện thì hàng năm, vài chục hộ dân sẽ được phép khai thác gỗ để xóa nhà tạm, làm vật gia dụng. Lợi dụng việc này, dân đã lén lút vào rừng khai thác lâm sản. Lúc nào bị bắt được thì dân bảo “chúng tôi khai thác rừng theo chỉ định của huyện chứ phải làm bậy đâu”.

 

Ông Cường cho biết thêm “Người dân trên địa bàn ồ ạt phá rừng là vì đói nghèo đã đành, nhưng ngay cả lực lượng bảo vệ rừng và doanh nghiệp cũng đua nhau phá rừng. Năm trước xã chúng tôi có phản ánh việc BQL rừng phòng hộ Nam Đông lợi dụng việc tận thu gỗ lóc lõi ở các nương rẫy để thuê người dân chặt phá rừng tự nhiên”. Nói rồi ông chỉ cho chúng tôi địa điểm tập kết của 36m3 gỗ lim (loại gỗ quý, hạn chế khai thác vì mục đích thương mại) được đốn từ rừng tự nhiên đang được chất đống trước trụ sở Trạm quản lý bảo vệ rừng Thượng Long (thuộc BQL rừng phòng hộ Nam Đông).

 

Tiếp cận trụ sở này, chúng tôi hỏi về nguồn gốc 36m3 gỗ quý hiếm này thì một người đàn ông xưng là trạm trưởng của Trạm quản lý bảo vệ rừng Thượng Long (nhưng không xưng tên) bảo số gỗ này có nguồn gốc nhưng không thể cung cấp được thông tin. “Các anh muốn biết thì lên mà hỏi lãnh đạo Ban quản lý”, người này nói. Khi chúng tôi ghi hình số gỗ này thì bị người đàn ông trên hung hăng ngăn cản và dọa dẫm.
 
Bất lực nhìn lâm tặc rầm rộ phá rừng - 7

 

Đích thân ông Phan Văn Cường dẫn chúng tôi đến bãi tập kết của Xí nghiệp lâm nghiệp Long Phụng ở thôn 6, xã Hương Hữu (sát xã Thượng Long) - doanh nghiệp khai thác gỗ lớn nhất ở huyện Nam Đông. Trong sân có hàng trăm mét khối gỗ quý hiếm như lim, kiền, trắc, sáo…, mỗi cây gỗ tầm vài ba người ôm không xuể.

 

Sau khi đốn hết đa số gỗ ở tiểu khu 303 thuộc xã Thượng Quảng, hiện xí nghiệp này chuyển sang khai thác rừng ở tiểu khu 409 thuộc xã Thượng Long, trên diện tích rất lớn và gây ra sự bức xúc trong chính quyền và nhân dân xã.

 

Ông Cường cho biết thêm: vì quá nhiều lực lượng khai thác gỗ nên hiện các loại rừng trên địa bàn chủ yếu còn gỗ loại 3 và loại 4; gỗ loại 1 và loại 2 đã bị đốn sạch.  

 

Không những điểm nóng Thượng Long, các xã khác ở Nam Đông như Thượng Quảng, Hương Hữu cũng đang diễn ra nạn chặt phá gỗ với tốc độ chóng mặt.

 
Bất lực nhìn lâm tặc rầm rộ phá rừng - 8

 

Cơ quan chức năng “một người một ý”

 

Trong suốt 2 ngày trời chúng tôi đi tìm câu trả lời cho vấn đề trên từ phía cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Thanh Phia, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật, cho biết: Tình trạng phá rừng trên địa bàn thôn nào cũng có, lực lượng phá rừng có cả người địa phương và cả người từ nơi khác đến. Tuy nhiên, hàng năm lực lượng kiểm lâm tại xã chỉ xử lý được khoảng 7-8 vụ, thu được khoảng 2-3m3 gỗ.

 

Ông Cao Ngọc Thành, Trưởng bộ phận pháp chế Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông, thì thừa nhận có tình trạng phá rừng nghiêm trọng ở các xã nhưng do lực lượng mỏng nên khó xử lý, ngăn chặn do khó bắt quả tang lâm tặc.

 

Về tình trạng gỗ lậu ồ ạt tuồn về xuôi theo đường 14B bằng xe tải, trong khi đoạn đường này có 3 trạm kiểm lâm cố định, ông Thành cho rằng: “Do huyện có đặc trưng là người dân các địa bàn khác đến công tác có nhu cầu làm nhà nên… tạo điều kiện”.

 

Theo ông Thành, hiện tình trạng phá rừng diễn ra đang ngày một nhiều nên chưa thể thống kê hết số lượng bị thiệt hại.

 

Tìm đến trụ sở BQL rừng phòng hộ Nam Đông, 4 lần chúng tôi đến đều nhận được câu trả lời: “Giám đốc Trần Xuân Toản đi họp rồi”. Hỏi số điện thoại di động của ông Toản thì tất cả đều trả lời: “không biết”. Những lần liên hệ sau theo số máy bàn của cơ quan cũng nhận được câu trả lời “ông Toản đang đi vắng”.

 

Trong khi đó, ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, lại cho rằng: trong đầu năm 2010, toàn huyện chỉ có 2 vụ phá rừng ở xã Hương Phú với diện tích rừng bị phá chỉ vài ha. Còn các xã khác như Hương Sơn, Thượng Nhật, Thượng Long… không hề có phá rừng.

 

Hỏi có hay không tình trạng lâm tặc đốn hạ gỗ đưa ra khỏi rừng bằng đường bộ hoặc đường sông, ông Chiến lại bảo có nhiều!

 

Đại Dương