“Bật đèn xanh” cho lao động nước ngoài tham gia công đoàn
(Dân trí) - Phiên thảo luận về dự án luật Công đoàn tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 22/3 dần nghiêng về phương án quy định quyền gia nhập công đoàn của lao động người nước ngoài tại Việt Nam.
Báo cáo tổng hợp ý kiến cho thấy cả hai loại quan điểm trái chiều về phương án quy định quyền gia nhập công đoàn của lao động nước ngoài tại Việt Nam. Các ý kiến đề nghị không quy định vấn đề này trong luật cho rằng, trong trường hợp cần thiết thì giao Chính phủ quy định để phù hợp với từng thời kỳ phát triển.
UB Pháp luật, cơ quan thẩm tra dự luật phân tích, hiện nay có hàng chục nghìn lao động nước ngoài là chuyên gia, lao động kỹ thuật và lao động phổ thông đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hoặc tại các doanh nghiệp của Việt Nam. Và trong thực tế, quan hệ giữa lao động là người nước ngoài với người sử dụng lao động đã có phát sinh mâu thuẫn. Trong những trường hợp như vậy, nếu những lao động “ngoại” này được tham gia công đoàn thì sẽ thuận lợi hơn để yêu cầu công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Theo đó, dự thảo luật được thiết kế quy định "người lao động là người nước ngoài làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, có tổ chức công đoàn cơ sở thì có quyền gia nhập công đoàn nếu có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và thời hạn hợp đồng lao động còn hiệu lực từ một năm trở lên kể từ ngày xin gia nhập công đoàn".
Dù nhận nhiều ủng hộ nhưng nội dung này cũng nhận không ít ý kiến thận trọng, đề nghị cân nhắc kỹ. Lý do đưa ra là vấn đề người lao động nước ngoài luôn là vấn đề phức tạp nên pháp luật nhiều nước cũng không quy định quyền tham gia công đoàn của lao động là người nước ngoài. Việc quy định cho phép lao động là người nước ngoài tham gia công đoàn còn đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết như rào cản về ngôn ngữ, văn hóa... Hơn nữa, điều kiện quản lý nhà nước về lao động là người nước ngoài của ta hiện nay còn nhiều hạn chế.
Hơn nữa, theo quy định tại điều 1 của dự thảo luật thì công đoàn có chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động nói chung, không phân biệt người lao động là đoàn viên công đoàn hay không phải là đoàn viên công đoàn, lao động là người nước ngoài hay người Việt Nam. Trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp của lao động là người nước ngoài bị xâm hại và họ yêu cầu thì công đoàn vẫn có trách nhiệm bảo vệ họ như đối với lao động là người Việt Nam.
Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lập luận, điều kiện có giấy phép lao động còn hiệu lực từ 1 năm trở lên kể từ ngày xin gia nhập công đoàn mâu thuẫn quy định lao động nước ngoài chỉ được ký hợp đồng chính thức thời hạn 1 năm, sau hết mới tiếp tục gia hạn trong Bộ luật Lao động.
Tổng hợp các ý kiến sau phiên thảo luận, UB Thường vụ Quốc hội yêu cầu bổ sung thêm báo cáo về tình hình lao động nước ngoài ở Việt Nam, kinh nghiệm thực hiện của các nước cũng như đánh giá những mặt thuận lợi và không thuận lợi nếu thực hiện quy định này.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong vài năm gần đây, số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc có xu hướng tăng dần. Năm 2008, số lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là gần 53.000 người. Năm 2009 con số này là hơn 55.000 người (tăng 6% so với năm 2008); năm 2010 là gần 57.000 người (tăng 2,7% so với năm 2010). Đến giữa năm 2011, số lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là hơn 74.000 người.
P.Thảo