1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bất cập quốc lộ 1A sau mùa mưa lũ

(Dân trí) - Miền Trung qua mỗi mùa mưa lũ lại chồng chất khó khăn, trong đó có vấn đề giao thông. Lũ đi qua, hàng chục, hàng trăm km đường hư hỏng, xuống cấp, kể cả những tuyến đường mới đưa vào sử dụng...

Bất cập quốc lộ 1A sau mùa mưa lũ - 1

Sau mùa mưa lũ, dễ dàng thấy những điểm hư hỏng như thế này trên Quốc lộ 1A qua miền Trung
 
Đợt mưa lũ hồi tháng 10, 11 vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp tới giao thông các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, đặc biệt là tuyến QL1A qua hai tỉnh này. Nhiều điểm sạt lở lớn, sụt lún gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

 

Tết Nguyên đán 2011 gần kề, lưu lượng xe tham gia giao thông tăng cao vào những ngày cuối năm. Đặc biệt là xe khách, xe tải chở hàng hóa lưu thông từ Bắc vào Nam và ngược lại, luôn phải đối mặt với những “điểm đen” về mất an toàn giao thông.

 

Trao đổi với Dân trí về tuyến QL1A từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa sau đợt mưa lũ vừa qua, ông Phan Thái - Phó Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ 5 (KQL ĐB 5) cho biết: Tuyến đường này năm nay phải đối mặt với tình trạng cường độ mưa lớn, dai dẳng, lũ lụt tràn ngập. So với năm 2009 có những điểm chưa bao giờ ngập giờ lại ngập như khu vực Cam Ranh (Khánh Hòa). Bên cạnh đó, mưa không dứt, không có đợt nắng nào để tập trung công tác hoàn trả mặt đường. Điều đó gây rất nhiều khó khăn cho công tác hoàn trả mặt đường sau khi mưa lũ đi qua.

 

Cũng từ đó gây nên những diễn biến trên tuyến đường này hết sức phức tạp, mà chủ yếu là cái bong bật ổ gà, sình lún; mặt cầu, đường dẫn đầu cầu bị hỏng. Nhiều điểm sụt lún kéo dài như ở Phú Yên. Theo thống kê thì hiện tại có khoảng 30.000 m2 sình lún, hơn 100.000m2 ổ gà.

 

Được biết, năm 2009 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã giao cho PMU 5 làm chủ đầu tư dự án thảm nhựa mặt đường đoạn Quảng Nam - Quảng Ngãi. Tuy nhiên, chỉ mới đưa vào hoạt động mà tuyến đường này đã hư hỏng nghiêm trọng. Về phía quản lí, KQL ĐB 5 đã có ý kiến gì với Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa?

 

Đoạn đường từ Quảng Nam đi Quảng Ngãi mới thi công xong, phía đơn vị chủ đầu tư bàn giao cho phía KQL ĐB 5 từ tháng 9/2010. Mặc dù mới đi vào sử dụng nhưng qua đợt mưa lũ tháng 10, 11 vừa rồi cũng đã xuất hiện nhiều ổ gà, nhiều điểm sụt lún. Tuy nhiên, đoạn đường này vẫn trong thời gian bảo hành. Còn về phía KQL đã có văn bản báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam để yêu cầu các nhà thầu có biện pháp xử lí, khắc phục tuyến đường này.
 
Bất cập quốc lộ 1A sau mùa mưa lũ - 2
Ông Phan Thái - Phó Tổng Giám đốc KQL ĐB 5 - trao đổi với Dân trí.

 

Ngày 29/11 vừa qua, Tổng cục đã yêu cầu các nhà thầu khẩn trương khắc phục tuyến này để trả lại mặt đường. Trong thời gian mưa lũ vừa qua, nhà thầu chưa vào để khắc phục kịp thời nhưng để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến này, KQL đã thực hiện chêm, chèn các ổ gà lớn bằng đá hộc, đá bao cho xe đi lại.

 

Hư hỏng ở đây về mặt quản lí KQL đường bộ 5 đã có báo cáo Tổng cục, còn nguyên nhân hư hỏng chờ các cơ quan chức năng xác minh.

 

Thưa ông, có thể thấy rằng, tuyến Quốc lộ 1A qua miền Trung cứ sau một đợt mưa, lũ lại xảy ra tình trạng hư hỏng, xuất hiện nhiều điểm sụt lún. Vậy nguyên nhân do đâu?

 

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cơ bản nhất vẫn là vấn đề thời tiết và địa hình. Có thể thấy rõ một thực trạng là: thứ nhất mưa xuống, lũ về là tuyến đường bị hỏng, phần lớn là do thời tiết. Thứ hai là nền móng địa chất khu vực miền Trung cũng phức tạp. Ví dụ ở Phú Yên, toàn tuyến đi trên dốc và những tuyến trên huyện Tuy An, nước ngập, mưa lớn gây sụt, trượt, lún đôi khi mất đường, như năm ngoái mất 3 đoạn đường dài hơn 1km. Năm nay cũng tự động nó tụt.

 

Thứ 3, mưa ngập nước nhiều, ngấm nước dưới nền đường, hai bên là ruộng lúa, xe tải thì ngày càng tăng rồi tải trọng quá nhiều nên áp lực mặt đường lớn.

 

Chính những điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đường qua miền Trung này.

 

Còn nguyên nhân do thi công cũng do có một phần, tuy nhiên để kiểm tra được nguyên nhân này cần phải có nhiều đơn vị phối hợp kiểm tra mới làm rõ được.

 

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khách quan nữa là nguồn vốn duy tu bảo dưỡng nếu mà theo yêu cầu của KQL ĐB 5 thì một km cần nguồn vốn từ 60 - 100 triệu mới đảm bảo 1.880 km toàn tuyến. Nhưng hiện nay nguồn vốn chỉ 35-37 triệu /km, chính vì vậy không đủ hoàn trả mặt đường.

 

Hiện nay đang vào giai đoạn cuối năm, lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông sẽ tăng cao. Vậy KQL ĐB 5 đã có những biện pháp sửa chữa, nâng cấp tuyến đường trên để đảm bảo an toàn giao thông, thưa ông?

 

Hiện nay, KQL ĐB 5 gấp rút triển khai mọi nguồn nhân lực, vật lực để hoàn trả lại mặt đường phục vụ nhu cầu đi lại cũng như lưu thông hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2011. Chúng tôi cam đoan hoàn tất công tác hoàn trả mặt đường chậm nhất vào trước Tết Nguyên đán và đặt mục tiêu cố gắng hoàn thành cuối tháng 12 này.

 

Còn đoạn hư hỏng nặng: lún sụt xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên chúng tôi đã thiết kế và tiến hành giải phóng mặt bằng và đang giải tỏa 12 hộ dân. Trong vòng khoảng 2 tháng sẽ trả lại mặt bằng như cũ.

 

Hiện KQL có 5 công ty đóng trên toàn tuyến, mỗi công ty phụ trách từ 100-150 km và trên mỗi đoạn  đường có các hạt của các công ty. Chúng tôi  đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam bố trí nguồn vốn để xử lí, còn thiết bị vật lực con người thì chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ để làm việc này.

 

Xin cám ơn ông!

 

Ô Châu (thực hiện)