1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Bắt bệnh” nể nang, ngại va chạm của đại biểu

“Công chức trong bộ máy hành chính thì trên nói dưới phải nghe. Nếu Quốc hội vẫn đa số là công chức nhà nước thì không thể có tranh luận, phản biện các bộ, ngành. Rốt cuộc chỉ những đại biểu không ràng buộc gì, là có thể nói”, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân phát biểu tại Quốc hội, ngày 23/3.

Trong gần 3 giờ buổi sáng, 19 đại biểu đã đăng đàn thảo luận về công tác Quốc hội nhiệm kỳ 2002-2007. Các đại biểu nhất trí rằng, Quốc hội nhiệm kỳ này đã làm được nhiều việc trên cả 3 chức năng là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Tuy nhiên, với tinh thần thẳng thắn của kỳ họp cuối cùng, nhiều đại biểu đã trình bày những ý kiến tâm huyết về những tồn tại của cơ quan quyền lực cao nhất.

 

“Phát biểu theo cảm tính, bấm nút theo phong trào”

 

Đăng đàn đầu tiên, đại biểu Lê Văn Cuông, cho rằng, nhiệm kỳ qua, công tác lập pháp vẫn còn nhiều vấn đề, không ít dự án luật chất lượng thấp, phải sửa bổ sung nhiều lần. “Nhiều đại biểu do yếu tố cơ cấu nên đã hạn chế chất lượng. Một số khác, do còn xa dân, thậm chí ngại tiếp xúc, đối thoại với dân, do đó khả năng xây dựng pháp luật hạn chế, thường phát biểu theo cảm tính chủ quan và bấm nút theo phong trào”, ông Cuông thẳng thắn.

 

Theo ông Cuông, nhiều đại biểu đến hẹn lại có mặt tại hội trường Ba Đình, nhưng cả nhiệm kỳ chưa có ý kiến phát biểu hoặc phát biểu chung chung. Một bộ phận khác là cán bộ lãnh đạo các cơ quan trung ương và địa phương, tuy nắm bắt được vấn đề, có thông tin, nhưng do tâm lý cục bộ còn nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc do có mối quan hệ tế nhị nên cũng không có ý kiến. “Dư luận cho rằng số đại biểu khóa 11 hoạt động có chất lượng tại nghị trường chỉ đạt khoảng 25-30%”, đại biểu này nói.

 

Với giọng khúc chiết, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân ước tính, 2/3 đại biểu Quốc hội đang là cán bộ viên chức trong bộ máy hành chính và đã là cán bộ thuộc Chính phủ thì trên nói dưới phải nghe. “Nhưng ở trong Quốc hội có phải trên nói dưới phải nghe hay không? Quốc hội là diễn đàn để chúng ta phản biện, chúng ta thảo luận để thấy những điểm đúng và điểm sai, cho dù những ý kiến của cử tri có ngược lại với ý kiến của một số bộ, ngành”, ông Trân đặt vấn đề.

 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, rốt cuộc chỉ có những người “trâu già không sợ dao phay” hoặc những người không sợ có ràng buộc gì là hay có ý kiến, phản biện mạnh.

 

Bộ trưởng hứa, không biết bao giờ thực hiện

 

Theo đại biểu Lê Văn Cuông, hoạt động giám sát hiện nay nặng về hình thức, các cơ quan của Quốc hội nhìn chung còn mang tính “cưỡi ngựa xem hoa” chủ yếu nghe các báo cáo là chính, nhưng không phải báo cáo nào cũng chính xác, trung thực. “Các kiến nghị giám sát thường chung chung, né tránh, thiếu cụ thể và thiếu tính khả thi. Đáng lưu ý phần lớn các kiến nghị giám sát không được thường xuyên theo dõi đôn đốc, đeo bám và xử lý đến nơi, đến chốn, nên hiệu lực, hiệu quả giám sát chưa cao”, ông Cuông nói.

 

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Lân Dũng cho rằng, với các đơn khiếu nại, tố cáo, đại biểu Quốc hội chỉ biết chuyển đơn đi, sau đó không theo dõi. “Lúc cử tri thắc mắc, đại biểu cũng không biết nói thế nào, chỉ nói là gửi rồi, nhưng không thấy trả lời. Tôi nghĩ vấn đề đó là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội chưa đầy đủ. Bản thân tôi cũng cảm thấy tính chiến đấu của mình chưa cao, có những vấn đề cử tri gửi gắm, nhưng mình không đấu tranh được”, Giáo sư Dũng trầm tư.

 

Đề cập đến vấn đề lời hứa của các vị đứng đầu bộ, ngành trước Quốc hội, đại biểu Hoa Ry cho rằng, Quốc hội mới chỉ dừng lại ở việc tổng hợp lời hứa của các vị này. Đến cuối nhiệm kỳ, còn nhiều lời hứa của một số vị bộ trưởng cũng vẫn chưa được giải quyết. “Nên chăng trong nhiệm kỳ tới, cần xem xét vấn đề này như một trong những tiêu chí để đánh giá sự tín nhiệm của Quốc hội đối với những vị đã được Quốc hội bầu và phê chuẩn”, nữ đại biểu đề xuất.

 

Với giọng bức xúc, đại biểu Trần Văn Kiệt cho rằng, đang có tình trạng đại biểu chờ các Bộ trưởng trả lời, cử tri thì chờ đại biểu Quốc hội trả lời. “Tôi đề nghị Quốc hội nên xem xét vấn đề chế tài giám sát nếu kiến nghị mà không ai trả lời thì giải quyết như thế nào?”.

 

Quyết vấn đề quan trọng nhưng đại biểu thiếu thông tin

 

Theo đại biểu Lê Văn Cuông, việc quyết định của Quốc hội vừa qua chủ yếu vẫn dựa vào đề xuất của Chính phủ. Các đại biểu Quốc hội chưa có điều kiện phát hiện hoặc có phát hiện ra vấn đề thì cũng chưa thể đưa ra những lý lẽ thuyết phục để có sự thay đổi.

 

Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Hoàng Thiện Cát cho rằng, cơ chế phản biện của Quốc hội còn thiếu, yếu. Trước những quyết sách lớn của đất nước, nhưng đại biểu lại thiếu thông tin, dẫn đến quyết định xuôi chiều theo định hướng sẵn.

 

Lấy thí dụ về vấn đề ngân sách, đại biểu Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Chúng ta nhận được bảng số liệu quá dài mà không có điều kiện gì để nghiên cứu. Kết quả, chúng ta đã bấm nút thông qua mặc dù chúng ta không yên tâm. Các đại biểu quá tin tưởng vào thẩm tra của Ủy ban kinh tế ngân sách và hầu như không suy nghĩ gì về các con số trong các dự thảo”.

 

Theo Việt Anh

VnExpress