1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gia Lai:

Bảo vệ tảng đá “lạ” bị nhiều người đào bới để tìm kho báu

(Dân trí) - Ngày 16/4, bà Nguyễn Thị Kim Vân - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai - cho biết đơn vị đang tiến hành kế hoạch bảo vệ tảng đá ở thôn Tư Lương (Tân An, Đăk Pơ). Tuy nhiên có một số người dân nơi đây đang phản đối việc di dời tảng đá về bảo tàng.

Trước đó, Dân trí đã đưa tin, tại cánh đồng trồng mía của người dân làng Tư Lương có một tảng đá được chôn dưới đất, 2 mặt của tảng đá có nhiều ký tự “lạ”. Nhiều năm qua, sau khi tảng đá được phát hiện, người dân làng Tư Lương nghĩ rằng đây là điểm đánh dấu một kho báu cổ nên mang cuốc xẻng ra chỗ tảng đá để đào bới tìm vàng.

Câu chuyện được đồn thổi tới các địa bàn lân cận, nhiều người sau khi nghe tin đã mang máy móc đến khu vực tảng đá để đào bới tìm kho báu. Sự việc khiến tảng đá có nguy cơ bị hư hại, đổ vỡ.

Ngày 25/3/2015, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã có văn bản số 02/KH-BTGL thông báo về kế hoạch di dời tảng đá trên về Bảo tàng tỉnh để bảo vệ và nghiên cứu, giải mã những ký tự trên tảng đá.

Trước sự việc trên, một số người dân Tư Lương đã phản đối việc di dời tảng đá trên ra khỏi khu vực hiện tại, họ cho rằng tảng đá là nơi đánh dấu một kho báu hoặc là một khu mộ cổ có chôn cổ vật dưới đó.

Các ký tự trên bia đá đang bị mờ nhạt theo thời gian
Các ký tự trên bia đá đang bị mờ nhạt theo thời gian

Ngày 14/4, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cuộc họp với người dân thôn Tư Lương để giải thích mục đích của việc di dời tảng đá. Theo ông Đào Ngọc Ngởi- Phó Chủ tịch xã Tân An, cuộc họp có hơn 40 người dân đến tham gia và chỉ có khoảng 5 người phản đối việc di dời tảng đá. Ý kiến của xã là sẽ báo cáo lên UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo.

Ông Ngởi cho biết, người dân thôn Tư Lương sống bằng nghề làm nông, khu vực tảng đá được trồng mía xung quanh. Ở đây chỉ có người dân tộc Kinh sinh sống, không có người dân tộc thiểu số. Từ trước đến nay, xã chưa có kế hoạch bảo vệ tảng đá, vẫn có nhiều người lén lút lợi dụng đêm tối đến khu vực tảng đá để đào bới, mong tìm kiếm được kho báu.

Nhiều người cho rằng xung quanh tảng đá này có vàng bạc hoặc cổ vật.
Nhiều người cho rằng xung quanh tảng đá này có vàng bạc hoặc cổ vật.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân- Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai - cho biết, theo luật Di sản Văn hóa thì tất cả mọi di vật, cổ vật trong lòng đất thuộc đất liền và hải đảo khi được phát hiện thì đều thuộc sở hữu nhà nước. Chính vì vậy, việc di dời tảng đá trên về Bảo tàng tỉnh Gia Lai để bảo vệ và nghiên cứu là được luật pháp cho phép. Tuy nhiên, Bảo tàng muốn có được sự đồng thuận của tất cả những người dân Tư Lương nên đã thông báo và họp dân để giải thích rõ ràng mục đích.

Theo bà Vân, tảng đá trên là một bia đá có chất liệu sa thạch, cao khoảng 1,7m (phần nhô lên khỏi mặt đất); chiều ngang chỗ lớn nhất rộng khoảng 1,5m; bia đá nằm trên một gò đất cao, quay mặt về hướng đông; phần mặt trước trên bia đá có khắc 8 dòng chữ cổ, 3 dòng ở mặt sau, hầu hết đều bị mờ nhạt. Năm 2014, cán bộ Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khảo sát bia đá trên. Thông tin ban đầu từ chuyên gia văn hóa Chăm là Trần Kỳ Phương thì dựa trên bản rập của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Arlo Griffiths- chuyên gia về bia ký Chăm (người Hà Lan, hiện làm việc cho Viển Đông Bác cổ Pháp) đã đọc được một số thông tin ban đầu về bia đá trên như sau: “Chủ nhân của bia là người Chăm; năm lập bia 1438 (tức năm 1360- niên đại Saka), dưới thời của vua Yura Bhadravarman- De va.

Bia đá trên không phải là bia mộ, mà chỉ là mốc đánh dấu bước đường của người Chăm khi lên đến vùng đất làng Tư Lương bây giờ. Chính vì vậy, nơi đây không hề có vàng bạc hay cổ vật như lời đồn thổi của người dân. Bia đá này không có giá trị về mặt vật chất, chỉ có giá trị về mặt văn hóa lịch sử.

Bia đá đã bị đào xuống rất sâu phía dưới.
Bia đá đã bị đào xuống rất sâu phía dưới.

Vì vậy, trước việc bia đá đang bị xâm hại, dẫn đến hư hỏng không thể phục chế, việc di dời bia đá về Bảo tàng tỉnh là việc làm cấp thiết, đây cũng là con đường ngắn nhất để bia đá được các nhà khoa học tiếp cận, đọc và dịch toàn bộ nội dung, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu một giai đoạn lịch sử còn rất thiếu vắng của Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Bà Vân cho biết thêm, tại cuộc họp với người dân Tư Lương, một số người dân có ý kiến bày tỏ về việc tâm linh vì nó đã tồn tại ở khu vực đất của làng lâu nay, còn một số người thì yêu cầu Bảo tàng tỉnh phải làm cho người dân con đường từ làng tới bia đá trên. Trước những ý kiến trên của một số người dân, Bà Vân bày tỏ, làm một con đường là việc làm ngoài khả năng của Bảo tàng tỉnh. Song bà Vân cũng rất tôn trọng ý kiến của người dân và đặt vấn đề nếu người dân không di dời tảng đá trên thì người dân phải có bản cam kết sẽ đứng ra bảo vệ bia đá để bia không bị con người xâm hại. 

Trước yêu cầu bà Vân đưa ra, người dân đã thẳng thừng từ chối việc bảo vệ bia đá. “Mục đích của việc làm trên của Bảo tàng là giữ gìn và phát huy tác dụng của bia đá. Bia đá trên chỉ là hiện vật chứ không phải di tích. Bảo tàng sẽ làm thêm văn bản để xin ý kiến của UBND tỉnh”, bà Vân cho biết thêm.

Thiên Thư