Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh:
"Bảo vệ môi trường biển đứng trước nhiều khó khăn, thách thức"
(Dân trí) - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo của Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Môi trường biển có dấu hiệu bị ô nhiễm.
Sáng 4/6, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, cuộc sống của con người từ bao đời nay luôn gắn bó với môi trường thiên nhiên, trong đó biển và đại dương bao phủ hơn 2/3 bề mặt, chứa đựng hơn 95% lượng nước trên Trái đất.
Tuy nhiên, nhân loại đang phải đối mặt với những vấn đề hết sức bức thiết về môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong đó, vấn đề nhức nhối đang được nhiều quốc gia quan tâm là rác thải nhựa, khai thác, sử dụng tài nguyên biển thiếu bền vững.
Việt Nam là quốc gia biển và biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, phát triển bền vững kinh tế biển là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước với quan điểm phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển…
"Nhưng cũng như nhiều quốc gia khác, chúng ta đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề ô nhiễm trắng có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Cùng với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng", ông Khánh cho hay.
Ông đánh giá, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo của Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Môi trường biển có dấu hiệu bị ô nhiễm; nguồn lợi thiên nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm; khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo còn chưa hiệu quả, thiếu bền vững.
Trong khi nhận thức của người dân về khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao, thói quen tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nhựa một lần đã và đang đặt ra những sức ép to lớn với công tác quản lý, bảo vệ môi trường.
"Tôi kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo", người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nói đề nghị.
Đặc biệt, theo ông, phải khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ môi trường, thúc đẩy hơn nữa việc phát triển cộng đồng văn minh sinh thái biển. Coi đây là tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.
Ông Khánh hi vọng, mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường. Từ đó tạo tiền đề cho Việt Nam ta tiến gần đến mục tiêu xây dựng một tương lai "sống hài hòa với thiên nhiên" vào năm 2050.
Cũng tại buổi lễ phát động, ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động đã trao 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân tỉnh Nghệ An.
Câu chuyện truyền cảm hứng
Ngày Môi trường thế giới năm 2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa", trong đó tập trung thực hiện chiến dịch "Chống ô nhiễm nhựa".
Tại lễ phát động, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam kể, bà đã được truyền cảm hứng khi nghe câu chuyện của một ngư dân Quảng Bình - anh Lê Ngọc Tình. Hàng ngày, anh Tình gắn một chiếc túi lưới phía sau thuyền để thu gom rác thải sinh hoạt khi ra khơi đánh cá và mang rác thải về bờ.
"Thông qua hành động này, anh Tình đang giảm khoảng 10kg rác thải mà chúng có thể đe dọa hệ sinh thái biển. Chúng ta nên rút ra bài học từ trường hợp này và khuyến khích hành động tương tự ở mức cá nhân và tổ chức", bà Ramla Khalidi phản ánh.