1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bảo vệ lao động giúp việc khỏi bạo hành, quấy rối tình dục

(Dân trí) - Người lao động làm nghề giúp việc đang đối mặt với nguy cơ bị bạo lực, quấy rối tình dục và không được hưởng quyền lợi bảo hiểm…

Tại  hội thảo “Triển khai hướng dẫn quy định của Bộ Luật Lao động năm 2012 về lao động giúp việc gia đình, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, Viện Gia đình và Giới đã đưa ra kết quả nghiên cứu thực hiện trong năm 2011 trên 600 lao động giúp việc tại nhà.
 
Theo thống kê từ nghiên cứu, có tới hơn 30% số lao động giúp việc tại gia đình bị bạo lực, gần 10% bị quấy rối tình dục, đề nghị quan hệ hoặc ép quan hệ tình dục. Có tới 50% số lao động nghĩ đây là việc làm thời vụ và 100% số lao động đi giúp việc không coi đây là công việc; đa phần họ không có BHYT và BHXH…

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nhận định, sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong những năm qua đã làm tăng nhanh chóng lực lượng lao động giúp việc gia đình (GVGĐ), đặc biệt tại các thành phố lớn. Tuy không trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng lao động GVGĐ đã tạo điều kiện cho lực lượng lao động chính, có chất lượng cao, phát huy khả năng, trí sáng tạo trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội. Song đời sống, thu nhập của bộ phận này hoàn toàn phụ thuộc vào người sử dụng lao động. Phần lớn có thu nhập chưa tương xứng với sức lao động, thời gian lao động, trách nhiệm của bản thân. Nghề giúp việc gia đình chưa được xã hội đánh giá và quan tâm đúng mức nên có những thiệt thòi.

Người lao động làm nghề giúp việc gia đình được pháp luật bảo vệ. (Ảnh minh họa)
Người lao động làm nghề giúp việc gia đình được pháp luật bảo vệ. (Ảnh minh họa)

Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi cho đối tượng này. Cụ thể trong Bộ Luật Lao động năm 2012 đã có những quy định tại chương IX, mục 5, từ điều 179 đến điều 183. Tuy nhiên, những quy định này mang tính chất chung mà công việc GVGĐ lại có những đặc thù riêng so với các công việc khác, nên nếu không được hướng dẫn cụ thể sẽ không có tính khả thi trong thực tiễn.

Tại hội thảo, ông Huân nhấn mạnh, cần phải đảm bảo quyền cho người lao động GVGĐ, phải coi nghề GVGĐ như những nghề khác. Do đó, từ những quy định đã được xây dựng trong Bộ Luật Lao động năm 2012 về lao động GVGĐ, cần thu thập những ý kiến trên cơ sở những kinh nghiệm thực tiễn nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho đối tượng lao động giúp việc gia đình.

Theo bà Nguyễn Diệu Hồng, Vụ Bình đẳng giới, do Luật Lao động (sửa đổi) chưa có những quy định cụ thể thế nào là lao động giúp việc tại nhà nên các nội dung kèm theo cũng chưa được rõ ràng. Nay luật Lao động năm 2012 có sửa và điều chỉnh quan hệ ngay từ khi tham gia lao động. Tuy nhiên, trên thực tế gia chủ lẫn lao động hầu như không theo luật mới.
 
Quan tâm về vấn đề bình đẳng giới, bà Trần Thị Hồng, Viện Gia đình và Giới cho rằng, cần làm rõ hơn khái niệm về người giúp việc và một loạt các vấn đề phát sinh khác như chỗ ăn, chỗ ở, việc tố giác quấy rối tình dục lao động…

Theo bà Hồng, lao động giúp việc gia đình đa phần là nữ giới nên vấn đề bình đẳng giới cũng nên lồng ghép vào trong các quy định để đảm bảo quyền bình đẳng cho các đối tượng này. Các đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng cần phải có những nghị định quy định chi tiết hơn các nội dung như: Giải thích rõ các thuật ngữ; quy định độ tuổi; hình thức hợp đồng lao động; thời gian thử việc; thời hạn hợp đồng; chấm dứt hợp đồng…

Đại diện Tổng Liên đoàn LĐVN đưa ý kiến, tổ chức công đoàn phải tuyên truyền hướng dẫn và bảo vệ quyền lời cho người lao động là GVGĐ, phải giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động mà 2 bên đã thương lượng. Đồng thời tham gia đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu làm công việc GVGĐ, thông qua các Trung tâm giới thiệu việc làm, các cơ sở dạy nghề của công đoàn địa phương, góp phần tạo việc làm bền vững cho lao động GVGĐ.

Tiếp nhận ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, trước mắt cần đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động làm nghề giúp việc thấy rõ được nghĩa vụ và quyền lợi của bản thân khi tham gia ký kết hợp đồng lao động. Có như vậy vấn đề quản lý đối tượng và bảo vệ quyền lợi của người lao động này mới được thực hiện.

 Phạm Thanh