1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bảo vệ hồ Hà Nội, bắt đầu từ cộng đồng

(Dân trí) – “50 năm qua, 80% diện tích hồ ở Hà Nội đã bị san lấp, 60% trong số này bị “bức tử” 5 năm trở lại đây. Trao quyền quản trị hồ cho cộng đồng dân cư là cách hữu hiệu để bảo vệ hồ” - PGS.TS Nguyễn Hồng Thục (Viện nghiên cứu định cư) nói.

Hội thảo “Sử dụng bền vững hồ Hà Nội dựa vào cộng đồng trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu” diễn ra tại Hà Nội ngày 22/6, do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức. Hội thảo thu hút sự quan tâm của hơn 150 chuyên gia môi trường trong và ngoài nước.

60% hồ bị “bức tử” trong 5 năm qua
 
Chuyên gia Hungari trình bày kinh nghiệm bảo vệ hồ Balaton tại Hội thảo.
Chuyên gia Hungari trình bày kinh nghiệm bảo vệ hồ Balaton tại Hội thảo.

Giám đốc CECR Nguyễn Ngọc Lý nêu vấn đề, khôi phục thành công hệ thống hồ Hà Nội đưa hệ sinh thái hồ trở lại khỏe mạnh phục vụ lợi ích cho người dân của thành phố phải trở thành một trong các chỉ số quan trọng nhất xác định sự phát triển bền vững của Hà Nội. Công tác khôi phục hệ sinh thái của hồ đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản, đòi hỏi các giải pháp tích cực và đồng bộ với sự tham gia của các nhóm xã hội, dân cư sống xung quanh hồ. Một quan điểm mới đang đặt ra, việc bảo vệ hồ Hà Nội nên bắt đầu từ cộng đồng.

Tán thành quan điểm này, PGS-TS Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng phân tích, Hà Nội nổi tiếng thế giới là thủ đô có nhiều cây xanh và hồ ao, chỉ trong nội thành đã có tới trên 100 hồ. Thực tế, rất nhiều hồ ở Hà Nội hiện nay đã bị thu hẹp hoặc biến mất do nhu cầu xây dựng đô thị hoặc dân cư lấn chiếm.

Bà Lan dẫn chứng, thời gian gần đây vẫn xảy ra việc lấp hồ, ao để lấn chiếm, khai thác quỹ đất như ở hồ Phương Liệt, đầm Hồng ở quận Thanh Xuân, hồ Tam Trinh ở quận Hoàng Mai, hồ Tứ Liên ở quận Tây Hồ, hồ Linh Quang ở quận Đống Đa… “Có không ít cán bộ địa phương dung túng cho hành vi lấp hồ, ao… Cùng với đó, tình trạng đổ phế liệu xây dựng và xả nước thải sinh hoạt ra hồ, ao, sông khá phổ biến. Trên 70% số hồ bị ô nhiễm. Điều này góp phần dẫn tới hiện tượng ngập úng cục bộ thường xuyên ở Hà Nội” - bà Lan nói.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục – Viện nghiên cứu định cư cũng nêu những con số, 50 năm qua, 80% diện tích mặt nước hồ ở Hà Nội đã bị san lấp để xây dựng nhà ở. Trong đó, 60% trong số này bị “bức tử” trong vòng 5 năm trở lại đây. Ví dụ gẫn nhất, hồ Yên Sở, trước đây có diện tích tới 500ha, này chỉ còn 1/5.

Bàn về hướng bảo vệ những diện tích mặt nước hồ còn lại từ chính cộng đồng dân cư, bà Thục gợi ý, hồ có thể là tài sản riêng của cộng đồng. Mỗi cộng đồng quản lý hồ có thể lập quy chế riêng với người đứng đầu tổ chức quản trị hồ do các thành viên của cộng đồng bầu lên. Các chính sách của nhà nước, thành phố, theo đó, có thể mạnh dạn trao hệ thống hồ cho cộng đồng đô thị hoặc dân làng ven đô tự quản, coi hồ thuộc sở hữu tập thể. TS Thục cho rằng, việc trao quyền quản trị hồ Hà Nội như vậy là kế thừa truyền thống quản trị cộng đồng của làng xã Việt Nam, đã giữ được tính độc lập tương đối với nhà nước cả nghìn năm qua.

Thành công, thất bại từ mô hình thực tế

Đi từ câu chuyện thực tế - sự tham gia của cộng đồng trong đề xuất thiết kế, cải tạo công viên Thống Nhất (một dự án kiến trúc đã đạt giải của KTS Lương Thu Thảo), nữ KTS trẻ trình bày, công viên rộng thứ 2 của Hà Nội với trung tâm là hồ Bảy Mẫu đã nhiều lần trở thành mục tiêu đô thị hóa như hiện tượng 1 công ty đa quốc gia tiến hành xây dựng một khách sạn 4 sao trong ranh giới công viên. Tuy nhiên, với cộng đồng những người dân thường xuyên sinh hoạt trong công viên và sự tham gia của dư luận những người yêu Hà Nội, dự án khách sạn đã phải dừng giữa chừng.

Nhóm thiết kế của chị  Thảo đã tiếp cận, ghi nhận ý kiến của chính những người dân tham gia sinh hoạt trong công viên bằng các hình thức như vẽ tranh, vẽ thiết kế cho trẻ em, viết lại mong muốn… để biết nguyện vọng muốn cải tạo công viên theo hướng nào rồi tiến hành vẽ. Bản vẽ sau đó được trưng bày tại công viên để mọi người tiếp tục góp ý, chỉnh sửa rồi mới hoàn thiện, đề xuất lên UBND thành phố.
 
Theo kết quả khảo sát, các nhóm cộng đồng đều đánh giá cao không gian cây xanh, diện tích hồ nước rộng tại đây.
 
Tình trạn ô nhiễm phổ biến ở hầu khắp các hồ Hà Nội hiện nay.
Tình trạn ô nhiễm phổ biến ở hầu khắp các hồ Hà Nội hiện nay.

Một ví dụ thành công khác đến từ Hội Phụ nữ phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai). Chủ tịch Hội – bà Nguyễn Thị Cử kể, phường có một hồ nhỏ diện tích 18.000m2 nằm nữa lòng khu dân cư, cạnh phía đông có một khoảng trống đã xây dựng “Bia tưởng niệm liệt sỹ phường” và 1 khoảng sân 400m2 để hàng ngày bà con ra tập thể dục.

Dù có vị trí đẹp, thoáng mát nhưng do Chủ đầu tư chưa bàn giao cho địa phương, khoảng sân thường xuyên bị chiếm dụng, sử dụng tùy tiện làm nơi bán quán, phơi phóng, cưa chặt sắt thép, gỗ… của một xưởng sản xuất gần đó. Không người quản lý, khu vực sân trở nên ô nhiễm do rác thải tự phát, tràn cả xuống hồ, tù đọng, bốc mùi, gây ô nhiễm nước hồ…

Hội Phụ nữ phường cùng CLB sống Xanh đã đứng ra tổ chức, vận động cộng đồng cùng kiến nghị UBND phường để được tự cải tạo lại khu vực sân chơi với sự hỗ trợ của Trung tâm Hành động vì Sự phát triển của đô thị (ACCD). Với kinh phí gần 74 triệu đồng (một nửa do người dân đóng góp), một hàng rào đẹp mắt với cổng ra vào đã được làm để bao quanh khoảng sân. Phường giao cho cộng đồng trách nhiệm bảo quản công trình.

“Khi có yếu tố đoàn kết chung tay của cộng đồng và chính quyền cơ sở, hồ, không gian công cộng sẽ tránh được những hoạt động tiêu cực vì lợi ích cá nhân. Bằng hành động nhỏ, tự cộng đồng có thể làm cho môi trường sống của mình tốt đẹp hơn” – bà Cử đúc rút.

Câu chuyện bảo vệ hồ tương tự đến từ cộng đồng dân cư phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân). Đại diện UB MTTQ phường – bà Trần Thúy Liên kể về nguy cơ bị “bức tử”, ô nhiễm, thu hẹp của hồ Dẻ Quạt và hồ Hạ Đình trên địa bàn.

Gần 1 năm qua, cộng đồng dân cư đã chủ động cùng chung tay góp sức để kè, làm lại đường đi quanh hồ cho an toàn, phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em (đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn đau lòng), trồng cây xanh, làm ghế đá xung quanh 2 bờ hồ; nạo vét lòng hồ để chứa nước sạch và có thể tổ chức các trò chơi như đua thuyền, bơi dịp hội làng, lễ tết; thu gom rác, nước thải từ sông Tô Lịch, tạo lối đi an toàn ven sông…

Không được thành công như mô hình 2 phường bạn, đại diện phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) không giấu những băn khoăn khi áp dụng với hồ Ngọc Khánh vì một hồ nhỏ mà có đến 3 cơ quan “chi phối”, quyền quản lý thuộc quận, mặt nước thuộc Cty môi trường đô thị, cây xanh bên bờ hồ thuộc Cty công viên cây xanh.

Tổ dân phố chỉ được quyền đi vận động những hộ kinh doanh ven hồ giữ vệ sinh từ trong nhà tới vỉa hè đặt bàn, quầy bán hàng sát mép hồ. Bà Nguyễn Thị Tài cho biết, vận động mãi, 65 hộ thuộc diện này chỉ quyên được 1,1 triệu đồng, không đủ tiền bồi dưỡng lực lượng thu gom rác trên hồ 1 tháng.

“Cộng đồng dân cư chúng tôi thắc mắc, sao hồ của mình mà dân mình không được quản lý. Làm thế nào các phường bạn có được cơ chế ưu việt hiệu quả thế?” – bà Tài băn khoăn.

P.Thảo  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm