1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bảo tàng nông nghiệp có một không hai ở xứ Thanh

(Dân trí) - Một “bảo tàng mi ni” trưng bày những hiện vật độc đáo về nông nghiệp, nông thôn, nông dân qua từng thời kỳ lịch sử được xem là độc nhất vô nhị ở xứ Thanh. Chủ nhân của bảo tàng đã phải mất hơn 30 năm dày công đi sưu tầm và gìn giữ.

“Bảo tàng mi ni” độc đáo

Đã từng biết đến cái cơi đựng trầu, cái niêu, những vật dụng của nhà nông thế nhưng khi được tận mắt “mục sở thị” bảo tàng nông nghiệp mi ni của ông Nguyễn Hữu Ngôn (thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa) - hiện là Tổng biên tập Nhà xuất bản Thanh Hóa - chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ.

Ông dành toàn bộ tầng 3 ngôi nhà của mình để trưng bày những vật dụng thể hiện nếp sống của người nông dân Bắc Trung Bộ. Trong “bảo tàng mi ni” của ông Ngôn đã có hàng nghìn hiện vật về nông thôn và người nông dân Việt Nam qua các thời kì. Từ những dụng cụ nhỏ nhặt như cái liềm, cái quốc, cái mũ kè, cái giỏ bắt cua, đến cái cày, cái bừa, cối xay, máy quạt lúa…

Nổi bật trong bộ sưu tập của ông Ngôn là các loại dụng cụ được làm bằng đồng.
Nổi bật trong bộ sưu tập của ông Ngôn là các loại dụng cụ được làm bằng đồng.

Những công cụ được ông Ngôn trưng bày cẩn thận và phân loại rõ ràng như: công cụ dùng làm đất: rìu, cày, bừa…, công cụ làm cỏ: nạo, dao phạt, liềm…,công cụ chế biến sản phẩm nông nghiệp: cối xay, cối giã, nồi, chõ…, công cụ lưu giữ, bảo quản lương thực, thực phẩm: đồ sành, gốm, sứ như vò, âu, ang, vại, chum…, sản phẩm của các ngành nghề, làng nghề... hay vài chục chum cổ kích thước to nhỏ đủ loại... thể hiện sự hình thành, phát triển cũng như đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng, ẩm thực… của ông cha thời xa xưa.

Nổi bật trong bộ sưu tập của ông Ngôn là hệ thống chum chóe, nồi niêu, xoong chậu.... Riêng hệ thống nồi của người nông dân xưa, ông Ngôn có cả bộ từ nồi một, nồi hai cho đến nồi ba mươi mâm thì có mâm tre, gỗ, đồng cỡ tiểu, trung, đại.

Dù ông chưa từng được đào tạo qua chuyên môn về bảo tàng học nhưng theo ông Ngôn, bảo tàng Nông nghiệp Việt Nam có thể triển khai theo hai nội dung lớn: Văn minh vật chất nông nghiệp Việt Nam và Văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Văn minh vật chất phản ánh phương thức sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Đơn cử một vài hệ thống như, hệ thống các công cụ sản xuất bao gồm: công cụ làm đất (cày, bừa, cuốc, mai, vồ...), công cụ làm cỏ (các loại cào. dao phạt, liềm...), công cụ thủy lợi: (gàu giai, gàu sòng, kênh mương, cọn nước, đê điều...).

Nổi bật trong bộ sưu tập của ông Ngôn là các loại dụng cụ được làm bằng đồng.
Ông Ngôn cho biết những dụng cụ được làm bằng đồng rất được người dân xưa ưa dùng vì nó có độ bền cao.

Công cụ chế biến sản phẩm: (các loại cối xay, cối giã, các loại nồi, chõ, niếng...), công cụ lưu giữ, bảo quản lương thực, thực phẩm: đồ sành, gốm, sứ (hệ thống vò, âu, ang, vại, chum, kiệu...). Sản phẩm của các ngành nghề, các làng nghề: sản phấm đan lát, nghề đúc, nghề mộc, nề...

Còn Văn hóa nông nghiệp là hệ thống đình, đền, miếu mạo, là cây đa, bến nước sân đình với những câu ca dao, hò vè… thấm đẫm chất dân gian mộc mạc, phản ánh tâm hồn bình dị của người nông dân…

Nơi hồn quê Việt được lưu giữ

Sinh ra và lớn lên từ củ khoai, hạt lúa lấm lem từ bùn đất, gắn bó với xóm làng, những người dân quanh năm lam lũ, cơ cực, hơn ai hết ông hiểu nỗi vất vả cực nhọc của người nông dân. Hiểu rằng người nông dân đáng được tôn vinh. Chính những điều ấy thấm nhuần trong máu khiến ông Nguyễn Hữu Ngôn luôn đau đáu trăn trở “làm gì để con cháu biết được ông cha mình xưa kia đã lam lũ như thế nào”. 

Điều trăn trở đã biến thành hành động, suốt hơn 30 năm qua, mỗi dịp rảnh rỗi, ông Ngôn lại lọc cọc đạp xe rong ruổi về tận các làng quê xa xôi, hẻo lánh để “săn” tìm những thứ người ta vứt đi đem về nhà mình. Khoản tiền lương ít ỏi hàng tháng đều bị ông nướng vào “sở thích gàn dở” này. Không đủ tiền, ông còn làm thêm nghề viết sách báo, chụp ảnh lấy tiền mua cổ vật…

Chủ nhân “bảo tàng mi ni” cho biết, xuất phát từ ý tưởng, Việt Nam được coi là xứ sở của nền văn minh lúa nước, đầy tiềm năng về kinh tế nông nghiệp. Hơn nữa, trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, người nông dân đã ghi dấu ấn đậm nét.

Những dụng cụ phục vụ cho việc quạt thóc, sát gạo được trưng bày chung một vị trí.
Những dụng cụ phục vụ cho việc quạt thóc, sát gạo được trưng bày chung một vị trí.

Theo “nhà nông học” Hữu Ngôn, mỗi dân tộc Kinh, Mường, Thái, Thổ… hay mỗi vùng quê nông thôn đều có những dụng cụ sản xuất, sinh hoạt đặc trưng, nên càng đi sâu vào khám phá, ông càng thấy đam mê. Cách đây vài năm, ông Ngôn quyết định dùng một phòng lớn trong căn nhà của gia đình để giới thiệu hiện vật cho bạn bè, du khách và nhiều nhà nghiên cứu về thăm bảo tàng. Mỗi dịp cuối tuần, ông lại ngồi trầm ngâm ngắm nghía, lau chùi rồi tỉ mẩn ghi chép để phân loại, sắp xếp các hiện vật theo hệ thống và tùy từng chủ đề khác nhau.

“Đất nước chúng ta đã có Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Dân tộc học... cùng hệ thống bảo tàng các tỉnh, thành phố và các bảo tàng quân, binh chủng.... Các bảo tàng này đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần bảo lưu, gìn giữ và nhân lên giá trị văn hóa dân tộc được đông đảo người dân tham quan, học tập đem lại những giá trị giáo dục văn hóa và hiệu quả kinh tế thực sự. Song dường như có một đất trống nếu không muốn nói là khiếm khuyết khi chúng ta chưa có một Bảo tàng Nông nghiệp để bảo lưu, tôn vinh, phát huy những giá trị văn minh nông nghiệp mà người Việt đã sáng tạo hơn 4000 năm qua. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang thực hiện chủ trương xây dựng một nền nông nghiệp, nông thôn mới thì việc làm này lại càng có ý nghĩa…”, ông Ngôn nhấn mạnh.

“Thành lập một bảo tàng nông nghiệp sẽ tránh được nguy cơ mất mát, hư hỏng hay bị chôn vùi do tác động của thiên nhiên và cả sự lãng quên của con người. Ngoài ra, còn phục vụ cho phát triển du lịch, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ”.

Một góc trang trí những dụng cụ của người nông dân trong “bảo tàng mi ni”
Một góc trang trí những dụng cụ của người nông dân trong “bảo tàng mi ni”

Đất nước Việt Nam có hơn 70% người dân làm nông nghiệp, sống ở nông thôn nhưng chưa có một bảo tàng nông nghiệp. Ý tưởng thành lập bảo tàng nông nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa cuả ông Ngôn đã được Bộ VHTT&DL có công văn phúc đáp, đánh giá “bộ sưu tầm là rất quý báu, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa Việt. Công trình như một sự ghi ơn những người nông dân truyền kiếp truyền đời cày cuốc làm nên hạt gạo, củ khoai nuôi sống cả dân tộc”…

Nguyễn Thùy - Duy Tuyên


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm