1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Bảo tàng” đồ cổ vỉa hè

(Dân trí) - Trên con đường Trần Hưng Đạo ở bờ bắc sông Hương (TP Huế), bên này là chợ Đông Ba, còn bên kia có một “bảo tàng” đường phố rất độc đáo - “bảo tàng” của những người bán đồ cổ vỉa hè.

Ra đời và tồn tại từ hơn 10 năm nay, “bảo tàng” đồ cổ vỉa hè là nơi tụ hội của tất cả đồ vật biểu hiện cho quá khứ: từ vật dụng của quan quân triều đình phong kiến đến quân dụng, tư trang của quân đội Pháp, Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. 

 

Dân chơi đồ cổ xứ Huế không thể bỏ qua khu chợ vỉa hè này nếu muốn bổ sung cho bộ sưu tập của mình những món đồ độc. “Bảo tàng” vỉa hè này không chỉ đón những người chơi đồ cổ già, có tiền mà còn “tiếp” cả những cậu sinh viên mới ngấp nghé làm quen với những món đồ cũ.

 

Chủ nhân của “bảo tàng” đồ cổ độc nhất vô nhị này là ba người đàn ông tên Dương, Lập và Hoàng. Nhớ lại những ngày đầu mới mở, chú Nguyễn Văn Dương kể: “Đồ cổ mà bán vỉa hè ai dám tin. Đưa hàng ra rồi mang hàng về. Ngày đó người chơi không có kiến thức đồ cổ nhiều như bây giờ, họ sợ bị bịp nên thích tìm đến cửa hiệu. Nhưng cũng có vài ông khách sành chơi ghé mua. Về sau cửa hàng này khẳng định được “thương hiệu” vỉa hè, có uy tín trong giới đồ cổ”.

 

“Bảo tàng” chạy dài theo mép vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, là nơi ghé chân thường xuyên của các sinh viên kiến trúc, nghệ thuật. Một sinh viên tên Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Chúng tôi tìm đến đây vì phù hợp với túi tiền, thái độ mua bán lại vui vẻ. Sinh viên ra đây đông lắm”.

 

Với mỗi món đồ cổ khách chọn, chủ nhân “bảo tàng” lại say sưa thuyết trình về món đồ như một chuyên gia khảo cổ thực thụ. Anh Hồ Văn Lập bảo, giá trị đồ cổ không chỉ phụ thuộc vào niên đại mà còn phụ thuộc vào bốn yếu tố “dáng, da, toàn, thọ” của đồ.

 

“Bảo tàng” đường phố ngoài vật dụng thời phong kiến như chén bát, lư hương, bình hoa… còn là nơi trưng bày các hiện vật chiến tranh như mũ, thẻ bài, áo dù, khẩu trang chống độc, bộ đàm… của quân đội Mỹ - Ngụy. Ngoài ra ở đây cũng bày bán rất nhiều bộ sưu tập tiền, tem cổ.

 

Anh Trần Minh Hoàng cho biết hàng bày bán ở đây được các anh mua gom từ các gia đình trong thành phố và vùng phụ cận. Anh cho biết dù là bán vỉa hè nhưng chỉ bán hàng tốt, hàng thật.

 

Anh kể nghề này thu nhập rất thất thường, ngày nào khá thì được 30-40 nghìn đồng; có ngày ế, khách chỉ đứng ngắm chứ không mua. “Thu nhập như thế, so với các nghề khác thì chả đáng gì, nhưng vì nặng tình với đồ cổ mà bám nghề”, anh Lập tâm sự.

 

Sự có mặt của “bảo tàng” đồ cổ đường phố đã tặng cho thành phố Huế một nét cổ kính, nhân văn và nhuốm màu lịch sử.

 

Lê Phi 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm