1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bảo tàng chiến tranh tư nhân độc đáo

(Dân trí) - Một lần ông Thuận gặp người rà phế liệu vừa đào được 10 ca inox uống nước của lính Mỹ. Xin xỏ mãi người ấy mới tặng lại cho ông 1 cái. Lúc đó, ông Thuận vui như tìm được... đồ cổ. Đó là kỷ vật chiến tranh đầu tiên mà tôi sưu tập được.

Bảo tàng chiến tranh tư nhân độc đáo - 1

Những kỷ vật mà ông Thuận tìm được đều gắn với nhiều câu chuyện về những năm tháng lịch sử đã đi qua.
 
 
Đó là một trong vô vàn câu chuyện đi săn lùng kỷ vật của ông Nguyễn Huy Thuận, ở nhà số nhà 50 Trương Định, TP Đông Hà, Quảng Trị. Trong nhà ông hiện có hàng trăm kỷ vật chiến tranh với hàng trăm xuất xứ khác nhau, gắn liền với hàng trăm câu chuyện vui buồn, vẫn được ông Thuận say sưa kể lại mỗi khi có khách tới tham quan "bảo tàng".
 
Nhìn vào chiếc bình hoa làm từ vỏ đạn pháo cao xạ 37 mm, người xem có thể hình dung lai lịch của nó từ chiến dịch Khe Sanh năm 1968. Trên thân chiếc bình hoa này lại có một vết cắt rất rõ, như vậy có thể thấy chiếc bình này từng bị một mảnh bom cứa vào. Hay như chiếc đồng hồ Automatic có thể cùng lúc xem được giờ ở Việt Nam và giờ ở New York mà tình cờ ông Thuận sưu tầm được ở Hướng Hoá. Theo lời ông Thuận, rất có thể chiếc đồng hồ là quà tặng của một cô gái gửi cho người yêu mình là lính Mỹ khi anh này sang Việt Nam chiến đấu ở Quảng Trị.
 
Đặc biệt nhất trong số các hiện vật là chiếc nhẫn mặt ngọc với dòng chữ ngoài vòng nhẫn “United States” của một người lính Mỹ đánh rơi trên chiến trường Quảng Trị mà ông Thuận tình cờ mua được với giá 170.000 đồng trong đống phế liệu. Chiếc nhẫn quý hẳn được người lính Mỹ gìn giữ trân trọng, luôn đeo bên mình. Chiếc nhẫn rơi ra, như vậy khả năng người lính Mỹ đã phải bỏ mạng trên đất Việt Nam, và người thân của anh này không bao giờ tìm lại được chiếc nhẫn nữa.

 

Trong "bảo tàng" của ông còn có vô số những dao, nĩa, thìa, bình đựng nước, dao cạo râu, lược, súng, đạn, thẻ bài quân nhân Mỹ,... tất cả đều được ông phân loại thành nhóm, cất trang trọng trong những ngăn riêng trong hai chiếc tủ đặt ngay tại phòng khách nhà ông. Nếu kỷ vật quá to thì được đặt bên ngoài hoặc cất trong kho.

 

Để có những món đồ của lịch sử ấy, ông Thuận đã mất 18 năm ròng tìm kiếm, thu gom. Năm 1992, ý tưởng sưu tầm kỷ vật chiến tranh, dựng nên một bảo tàng riêng nảy sinh trong đầu ông Thuận. Ông tình cờ đọc được bài báo viết về một vị tham tán người Nhật dùng 170.000 USD mua lại chiếc bình gốm rất đẹp của Việt Nam có khắc hai chữ “Bui Hy” được trưng bày ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vị tham tán này đã đến tận Việt Nam để tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của bình gốm đó mới hay sản phẩm này xuất xứ từ một lò gốm của người phụ nữ có tên Bùi Hỷ từng làm dâu làng gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).
 
Đọc xong bài báo đó, ông Thuận suy nghĩ mãi về chuyện một người nước ngoài muốn gìn giữ đồ vật của nước mình trong khi người Việt Nam lại để nhiều kỷ vật lịch sử quý giá dễ bị biến mất với thời gian. “Tôi quyết định đi tìm những kỷ vật trong chiến tranh còn sót lại để những người hôm nay, mai sau có thể nhìn thấy sự nghiệt ngã của chiến tranh và không quên gìn giữ những giá trị của lịch sử”- ông tâm sự. 
 
Bảo tàng chiến tranh tư nhân độc đáo - 2

Chiếc tủ đựng hàng trăm kỷ vật của những người lính Mỹ

 

Ông lang thang từ vùng đất này đến vùng đất khác hỏi thăm những chủ buôn bán phế liệu chiến tranh để tìm mua các hiện vật của người lính, bất kể là của quân giải phóng hay lính Mỹ.

 

Lần hồi mãi ông cũng tìm được những kỷ vật đầu tiên. Trong lần cùng Hội Nông dân TP Đông Hà đi xây nhà hỗ trợ cho một người bị tai nạn bom mìn ở phường 4, ông Thuận gặp người rà phế liệu vừa đào được 10 cái ca inox uống nước của lính Mỹ. Rất may, sót lại một cái ca duy nhất còn nguyên vẹn. Xin xỏ mãi người ấy mới tặng lại cho ông. Lúc đó, ông Thuận vui như tìm được... đồ cổ. “Một niềm vui khó tả, như thể trên thế giới chỉ còn lại tôi với cái ca inox vậy. Đó là kỷ vật chiến tranh đầu tiên mà tôi sưu tập được” - ông Thuận nhớ lại.

 

Sau đó, nhiều kỷ vật lần lượt được bổ sung vào bộ sưu tập. Động lực thôi thúc ông Thuận tiếp tục con đường bảo tồn những giá trị lịch sử quý giá của dân tộc và nhân loại yêu chuộng hòa bình chính là niềm vui sau mỗi lần tìm được những kỷ vật của chiến tranh.

 

Ông Thuận nhớ mãi lần ông mua lại được chiếc đồng hồ Automatic, phải đi mượn tiền vì trong túi không có đủ tiền mua. Lúc đó, ông cứ sợ người chủ phế liệu bán mất chiếc đồng hồ. Hay như lần ông đến nhà một người dân tộc Vân Kiều ở Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) xem ống nhôm - vỏ của loại đạn pháo sáng (trang bị trên máy bay C130 của Mỹ). Ống nhôm ấy như có ma lực cuốn hút ông. Ông Thuận nài nỉ xin, hỏi mua mãi nhưng chủ nhà không chấp thuận. Thất vọng trở về thì ông được mấy người bạn bày cách đem 20 lít rượu vào đổi. Ông không tin nhưng cũng lặn lội đi mượn tiền mua rượu trở lại nhà người đó thì họ đồng ý.

 

Rất nhiều lần ông Thuận tìm được những kỷ vật với tình trạng “túi không tiền”, phải đi vay mượn để mua lại nhưng ông rất vui vì tìm được những giá trị của lịch sử còn lưu lại trên những kỷ vật đó.

 

Nhưng không phải lúc nào ông Thuận cũng gặp may mắn, nhiều lúc cũng dở khóc, dở cười. Đồng lương ba cọc ba đồng của ông cứ “trích” ra dùng để đi hết nơi này đến nơi khác, mua lại những kỷ vật, cũng tốn tiền lắm. Nhiều lúc, ông đành cười trừ nhìn vợ nhăn mặt “mua toàn những thứ đâu đâu đêm về cho chật nhà”! Rồi những lúc vượt cả trăm, ngàn cây số đi huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng… mà ra về tay không là chuyện thường. Kể cả những lúc gặp chuyện hy hữu với việc người ta đem chiếc cốc sứ giã tiêu vứt lăn lóc ngoài vườn hay dùng thìa inox hiệu US của lính Mỹ đem cạo cám heo. Chỉ có ông Thuận nhìn ra giá trị của những kỷ vật và dùng tiền mua lại các kỷ vật để đem vào bảo tàng của mình.

 

Mười tám năm chờ đợi, tâm nguyện của ông Thuận chính là có ngày nào đó chính tay ông mở cửa bảo tàng trưng bày cho mọi người đến xem. Với khả năng kinh tế hạn hẹp của gia đình ông, không biết đến khi nào ước muốn của ông mới thành hiện thực?

 

Văn Được

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm