Bão tan, mưa lũ còn diễn biến phức tạp

(Dân trí) - Đi vào vùng núi phía Tây Bắc bộ, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu và tan dần. Tuy nhiên, diễn biến mưa lũ sau bão còn phức tạp. Ở Lạng Sơn sáng nay đã xảy ra sạt lở đất làm 11 người thương vong.<br><a href='http://dantri.com.vn/xa-hoi/sau-bao-nha-toc-mai-duong-ngap-cay-do-la-liet-944313.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Sau bão: Nhà tốc mái, đường ngập, cây đổ la liệt</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/xa-hoi/6-nguoi-tu-vong-do-sat-lo-dat-sang-nay-944407.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;6 người tử vong do sạt lở đất sáng nay</b></a>

Tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, sáng nay (17/9), sau khi đi vào vùng núi phía Tây bắc Bộ áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp, giảm sức gió rồi tan dần.

Tuy nhiên, hoàn lưu của áp thấp của áp thấp còn gây mưa vừa đến mưa  to ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ với lượng mưa phổ biến 70 – 140mm, có nơi cao hơn như Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 296mm, Bản Sen (Quảng Ninh) 238mm; Cửa Cấm (Hải Phòng) 171mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 159mm, Tp.Thái Bình 146mm,…

Cơ quan khí tượng cảnh báo, tình hình mưa lũ sau bão còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, đặc biệt ở các huyện như: Bình Yên, Ba Chẽ, Tiên Yên; các nhánh suối thượng nguồn sông Kỳ Cùng thuộc huyện Đình Lập, huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng, Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn); Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang); Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang); Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, Sapa (tỉnh Lào Cai), Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Yên Bình, Lục Yên, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái); Pắc Nậm, Ba Bể, Bạch Thông, Thị xã Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn); Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình, thành phố Thái Nguyên, Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên)

Ngoài ra, trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình từ ngày 17 - 19 /9, sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3- 6m, ở hạ lưu từ 2 -3m. Trong đợt lũ này, lưu lượng lớn nhất đến hồ Sơn La có khả năng lên mức 5000m3/s, đến hồ Hòa Bình có khả năng lên mức 4000m3/s; mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên mức dưới báo động 1 (30,0m), sông Lô tại Tuyên Quang lên mức báo động 1 (22m); sông Lục Nam tại Lục Nam ở mức dưới báo động 2 (5,3m); sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương ở mức báo động 1 (4,3m).

Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão TƯ thông tin, hiện các địa phương đang tiếp tục cập nhật tình hình thiệt hại về người và tài sản sau mưa bão. 

Cụ thể, tại Quảng Ninh, theo tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, tính đến 6 giờ sáng ngày 17/9, bão số 3 không gây thiệt hại về người nhưng gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, làm 6 nhà, 3 công trình phụ bị đổ sập; 147 nhà tốc mái.

Bão gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản ở Quảng Ninh (Ảnh: Quang Phong)
Bão gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản ở Quảng Ninh (Ảnh: Quang Phong)

20 cột điện cũng bị bão quật đổ đêm qua. Đặc biệt, một cột ăng ten truyền hình tại xã Quảng Long (Hải Hà) cũng bị đổ. Hai trạm biến áp bị nổ cầu chì cao áp. Ngoài ra trên 5.000ha lúa, hoa màu bị đổ, gãy gập; nhiều cây xanh và tài sản khác bị hư hỏng.

Ước tính thiệt hại do bão số 3 gây ra cho Quảng Ninh là khoảng 20 tỷ đồng.
Tại Hải Phòng, theo tinh thần buổi họp báo của UBND thành phố sáng nay, những thiệt hại do báo số 3 trên địa bàn thành phố là không đáng kể. Về người có 3 người bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng. Có 80m2 nhà sập, đổ; 120m2 trường học, 50m2 cơ quan công sở và 12 nhà xưởng, chòi canh bị tốc mái.

Thiệt hại ban đầu về nông nghiệp, lúa bị đổ và ảnh hưởng năng suất là hơn 15.000ha; 845ha hoa màu bị hư hại, 340ha cây ăn quả, 53 cây xanh bị gãy đổ, 200ha nuôi trồng thủy sản bị ngập. Một số vị trí trên các tuyến đê Tả Hóa, Tả Thái Bình, Tả Văn Úc xói lở.

Sở Điện lực Hải Phòng khẳng định, chậm nhất đến 15h chiều nay sẽ đóng điện toàn bộ thành phố.

Hiện đang có triều cương lên cao 4 mét, lũ thượng nguồn về, mưa đến thời điểm này là 170 mm. Công ty cấp thoát nước huy động lực lượng từ 5h sáng nỗ lực vớt rác, dùng máy bơm hút công suất lớn để khắc phục ngập lụt.

Tàu cá NA9968 neo tránh bão ở đảo Cát Bà bị đứt dây neo. Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã tiếp cận đưa người bị thương đi cấp cứu và lai dắt tàu bị nạn về bờ.
Tại Nam Định, từ đêm 16/9 mưa lớn gây ngập nhiều khu vực tại thành phố Nam Định. Ở các tỉnh vùng Đồng bằng nhiều diện tích lúa bị ngã đổ, tuy nhiên, do chủ động việc tiêu nước đệm nên tình hình  ngập úng đã được hạn chế.

Trong một diễn biến khác, sáng nay ngày 17/9, Hệ thống Đài TTDH Việt Nam cho biết, 5 ngư dân mất tích của tàu cá BV 75689 TS (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã được 1 tàu ở Bình Tùy của tỉnh Bình Định cứu vớt an toàn. Nhờ sự giúp đỡ của tàu bạn, sức khỏe và tinh thần các ngư dân bị nạn đang dần trở lại bình thường. Tàu ở Bình Tùy cũng cho biết thêm, do ảnh hưởng của thời tiết, khu vực biển động dữ dội.

Phạm Thanh - Thu Hằng - Quang Phong