1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bão số 6 đã vào vùng biển nước ta

(Dân trí) - Sáng sớm nay, 5/11, bão Peipah đã vượt qua đảo Lu-dong (Philipines) vào biển Đông và trở thành cơn bão số 6 hoạt động trên vùng biển nước ta trong năm 2007.

Hiện nay, do ảnh hưởng của bão, khu vực phía đông và giữa biển Đông đã có gió bão mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Biển động dữ dội. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa đông Bắc, khu vực bắc biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7; giật trên cấp 7. Biển động mạnh. 

 

Tính đến 7 giờ ngày hôm nay, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 119,9 độ Kinh Đông, trên khu vực phía đông biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật trên cấp 11.

 

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn TƯ dự báo, trong 24 giờ tới, bão số 6 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày mai, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 117,6 độ Kinh Đông.

 

Trước tình hình mưa lũ và ngập lụt đang diễn ra trên diện rộng ở nhiều địa phương, cộng với cơn bão số 6 hoạt động ở biển Đông, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn số 1644/CĐ - TTg yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên, nhất là các tỉnh đang bị lũ, lụt, có trách nhiệm:

 

Chủ động huy động lực lượng trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”, sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định để phục vụ công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai. Trường hợp vượt quá khả năng xử lý của địa phương thì Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương.

 

Tiếp tục tập trung chỉ đạo việc cứu hộ dân vùng bị lũ lụt, chia cắt, vùng ngập sâu, các vùng cửa sông, ven biển và sạt lở nguy hiểm; nắm chắc tình huống chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết không để dân bị đói, dịch bệnh xảy ra; kịp thời nắm diễn biến bão, lũ để chủ động, sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn, đặc biệt là dân ở các vùng lũ đã kéo dài trong nhiều ngày và các nơi có khả năng bão đổ bộ vào.

 

Các tỉnh ven biển chỉ đạo, thực hiện mọi biện pháp để nắm chắc ngay số lượng tàu thuyền và ngư dân còn hoạt động trên biển; phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn việc tránh, trú bão an toàn và thực hiện việc cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi cần thiết. 

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đội Biên phòng và các tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền tránh, trú áp thấp nhiệt đới, bão hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão; chỉ đạo các địa phương ven biển tổ chức, hướng dẫn neo đậu cho tàu thuyền trong khu tránh, trú bão, không để xảy ra tình trạng tàu bị đắm ngay trong khu neo đậu tránh bão; chỉ đạo các địa phương có biện pháp bảo đảm an toàn hồ, đập, phòng chống lũ, sạt lở đất và bảo vệ sản xuất. 

 

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến bão, kịp thời có công hàm cho các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực tạo điều kiện giúp đỡ cho tàu thuyền và ngư dân ta tạm trách trú bão.

 

Các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, thuốc men cần thiết để chủ động đáp ứng nhu cầu phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ, bão, có biện pháp giúp các địa phương bị mưa lũ, thiên tai sớm ổn định đời sống và sản xuất; có biện pháp ổn định thị trường, giá cả sau bão, lũ…

 

An Hạ