Bão số 4 ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền
(Dân trí) - 10h sáng 25/9, bão số 4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Tâm bão sẽ “quét” từ Thái Bình đến Thanh Hóa vào lúc 13h chiều cùng ngày trở đi. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh, TP từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tâm bão “quét” từ Thái Bình đến Thanh Hóa
Bão số 4 đã mạnh lên một cấp và hiện đang di chuyển rất nhanh, với tốc độ từ 15 - 20 km/h, nhanh hơn 10 tiếng so với các dự báo trước đó. Kể từ 5-6 giờ sáng 25/9, trên đất liền sẽ có gió mạnh hoạt động và đến 10h sáng, bão số 4 sẽ ảnh hưởng tới đất liền.
“Từ khoảng 13h chiều trở đi, tâm bão cập bờ với gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9, điểm đổ bộ là từ Thái Bình đến Thanh Hoá”- Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ Bùi Minh Tăng cho biết tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ chiều 24/9.
Tính đến 16 giờ ngày 24/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên khu vực bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng Thanh Hóa khoảng 380 km về phía đông.
Do ảnh hưởng của bão, từ đêm 24/9, khu vực vịnh Bắc Bộ xuất hiện gió bão, sức gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật trên cấp 9. Biển động rất mạnh. Ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá từ sáng 25/9 gió sẽ mạnh dần lên cấp 5, sau tăng lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật trên cấp 8. Vùng ven biển các tỉnh nói trên cần đề phòng nước biển dâng, kết hợp với thủy triều cao từ 3 - 4 mét.
Bên cạnh đó, mưa sẽ chủ yếu tập trung vào đêm 24/9, kéo dài cho đến ngày 26/9. Lượng mưa phổ biến là từ 100-200mm, một vài nơi lên tới 300mm, tập trung tại Thanh Hoá, phía nam đồng bằng và vùng lòng hồ.
Sau khi vào đất liền, bão số 4 tiếp tục di chuyển về phía tây và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực biên giới Việt - Lào. Tuy nhiên, người dân cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất và tố lốc mạnh.
Tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn
Theo báo cáo của lực lượng biên phòng, đến 13h chiều 24/9, các đơn vị biên phòng 28 tỉnh thành đã phối hợp với chính quyền địa phương thông báo kêu gọi được 17.077 tàu/ 104.010 ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển biết hướng di chuyển của bão số 4 để chủ động phòng tránh, di chuyển vào nơi neo đậu.
Trong ngày hôm qua và hôm nay, lực lượng biên phòng Ninh Bình, Thái Bình cũng đã tổ chức ngăn chặn 136 tàu/531 ngư dân cố tình vượt trạm kiểm soát ra biển hoạt động.
Cán bộ Y tế trực cấp cứu 24/24 khi bão đến
Bộ Y tế vừa gửi công điện khẩn yêu cầu cầu cán bộ Y tế trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sẵn sàng trực cấp cứu 24/24giờ, thu dung và cấp cứu miễn phí khi có nạn nhân do bão, lũ gây ra.
Bên cạnh đó, các đơn vị y tế này cần tiến hành ngay những phương án: Chuyển các đội cấp cứu cơ động vào trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh.
Các công ty Dược, thiết bị t tế Trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ cũng chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, hoá chất, thiết bị phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra. (Thanh Trầm) |
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ yêu cầu các lực lượng biên phòng, các địa phương tiếp tục liên lạc với những tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển. Còn những tàu thuyền đã về nơi trú ẩn cần tổ chức neo đậu kỹ lưỡng.
Đối với những vùng có nguy cơ ảnh hưởng nặng của bão số 4 như: Cát Hải (Hải Phòng), Hải Hòa (Nam Định) và Ninh Phú (Thanh Hóa) cần có phương án di dời dân khỏi những nơi nguy hiểm đồng thời giúp dân chằng chống nhà yếu, triển khai các biện pháp bảo vệ kho tàng, bến bão, các công trình xây dựng và có kế hoạch tiêu úng cho lúa ở những nơi có nguy cơ ngập úng.
Ngoài ra, các lực lượng cần tăng cường kiểm soát việc đi lại của các đò ngang, kiểm tra các ngầm, hồ chứa nước ở những nơi chịu ảnh hưởng của bão.
Di dời dân ra khoải các khu vực nguy hiểm
Chiều nay, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn số 1363 yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá chỉ đạo ngay các biện pháp đối phó với bão số 4; kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi, tiếp tục kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão; đồng thời phân công lãnh đạo đi kiểm tra các công trình đê biển, các khu vực xung yếu trên địa bàn; chủ động di dời dân tại các khu vực nguy hiểm trước khi bão đổ bộ vào.
Đối với các tỉnh miền núi, trung du, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, UBND các tỉnh phải chủ động triển khai các phương án phòng, chống lũ, lũ quét, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ, đập; chỉ đạo thực hiện việc cảnh báo sớm và chủ động di dời dân tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, hạn chế thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra.
Các Bộ, ngành, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 4; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chức năng và các địa phương triển khai các phương án phòng, chống bão; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện vật tư cần thiết để phối hợp tham gia ứng cứu theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo PCLB TƯ và UBQG tìm kiếm cứu nạn.
Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão TƯ cử ngay tổ công tác đến các địa phương có khả năng bão đổ bộ trực tiếp để phối hợp cùng các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả; thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ về diễn biến của bão và đề xuất các biện pháp cần thiết.
An Hạ