1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bão số 2 tan dần, Nghệ An xuất hiện lũ lớn

(Dân trí) - Trên địa bàn huyện Tương Dương, Nghệ An chiều tối qua đã xuất hiện mưa rất lớn và xảy ra lũ quét khiến 2 ngôi nhà bị trôi, khoảng 80 ngôi nhà bị ngập. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, báo số 2 đang suy yếu và tan dần.

Bão số 2 tan dần, Nghệ An xuất hiện lũ lớn - 1
Lũ quét năm 2009 tại Yên Tĩnh làm 5 người chết.
 
Sáng nay 25/6, lãnh đạo huyện Tương Dương cho PV Dân trí biết, từ chiều tối qua cho đến sáng nay (25/6) mưa lớn xảy ra trên địa bàn toàn huyện làm 80 hộ dân bị ngập, trong đó có 2 hộ bị lũ lớn cuốn trôi tại địa bàn xã Yên Tĩnh. Tại bản Pa Ty có 66 hộ bị ngập sâu, bản Cánh Tông trôi 2 hộ, và ở bản Cạp Chạng làm ngập 10 hộ dân.

Ông Vi Tân Hợi - Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết “Lượng mưa quá lớn xảy ra từ chiều tối qua gây ngập trên địa bàn rộng khi mực nước lên hơn 3m. Theo đó, nước lớn đã làm ngập hoàn toàn trụ sở xã Yên Tĩnh, Trường tiểu học 1 và 2 cũng ngập cảnh tương tự, trường mầm non của xã cũng ngập sâu từ 1-2m, một số trạm biến áp cũng đã ngập và gây mất điện hoàn toàn. Hiện tại ba bản trên đã bị cô lập hoàn toàn”.

“Từ chiều tối qua cho tới sáng nay lượng mưa đo được tại địa bàn các xã Yên Tĩnh, Yên Na và Yên Hòa từ 170-190mm, hiện mưa lớn vẫn đang xảy ra tại địa bàn. Chúng tôi đã chỉ đạo tất cả các ban ngành vào các xã trên để tiến hành giúp dân và theo dõi diễn biến phức tạp của lũ xuất hiện, đề phòng những bất trắc có thể xảy ra...”, ông Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết thêm.

Còn nhớ vào cuối tháng 6/2009, cơn mưa mùa hạ nặng hạt tại Pa Tý (xã Yên Tĩnh) xuất hiện đã gây ra lũ quét trong đêm, cướp đi 5 mạng người.
 
Bão số 2 tan dần, Nghệ An xuất hiện lũ lớn - 2
Cảnh lũ quét năm 2009 tại bản Pa Tý.
 

Chiều tối qua 24/6, sau khi đi vào vùng biển ven bờ các tỉnh Hải Phòng - Ninh Bình, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sáng sớm nay 25/6, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần. Tại Hà Nội, mưa không còn diễn ra với cường độ dồn dập.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, lúc 3 giờ ngày 25/6, trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên đất liền tỉnh Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở gần trung tâm vùng áp thấp đã giảm xuống dưới cấp 6. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi sâu vào khu vực Thượng Lào, suy yếu và tan dần.
 
Chuyên gia khí tượng cảnh báo hoàn lưu vùng áp thấp ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ  tiếp tục gây  mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to khắp các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đặc biệt, vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất sau nhiều ngày mưa lớn.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.

Tính đến 7 giờ sáng nay, lượng mưa đo được ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 40-70mm, một số nơi cao hơn như Phủ Liễn (Hải Phòng): 104 mm, Trung tâm Hà Nội: 103 mm, Bái Thượng (Thanh Hóa): 110 mm…

Theo thống kê ban đầu, bão số 2 đã làm 14 người chết , 81 người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái cùng nhiều diện tích lúa hoa mầu của người dân bị ngập. Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã  gửi Công điện đến Ủy ban Nhân dân và Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả: thăm hỏi, hỗ trợ gia đình có người bị nạn trong bão lũ; triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, an toàn hồ chứa nước và chống úng bảo vệ cây trồng.

Nguyễn Duy - P. Thanh