1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bão số 2 diễn biến cực kì phức tạp

(Dân trí) - “Bão số 2 tuy có cường độ yếu nhưng lại có diễn biến cực kì phức tạp và di chuyển chậm dọc bờ biển các tỉnh miền Trung. Dựa vào những số liệu thực tế có được, chúng tôi thấy, trong một vài ngày tới, bão số 2 chưa có dấu hiệu suy yếu hay mạnh lên”.

Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó trưởng phòng Dự báo ngắn hạn Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn T.Ư (NCHMF) đã cho biết như vậy về diễn biến của cơn bão số 2.

Diễn biến cực kì phức tạp

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, bão số 2 có cường độ yếu, mỗi giờ đi khoảng từ 5 - 10km, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật trên cấp 8. Tuy nhiên, đây là cơn bão có diễn biến cực kỳ phức tạp, nó di chuyển chậm dọc bờ biển các tỉnh miền Trung. Thêm vào đó, bão số 2 lại đang bị ảnh hưởng mạnh của một cơn bão khác, mới hình thành ở Tây Thái Bình Dương, di chuyển theo hướng tây bắc, mạnh cấp 8 và có thể mạnh lên cấp 12 vào ngày 7/8.

Bão số 2 xuất phát là một vùng áp thấp. Sau 3 ngày quần thảo trên biển Đông, đêm 3/8, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 2. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật trên cấp 8.

Sau khi xác định được vùng tâm bão xoáy vào là các tỉnh ven biển Trung Bộ, vào lúc 4h sáng 5/8,  tâm bão số 2 chỉ cách bờ biển Bình Định - Quảng Ngãi khoảng 80km về phía đông. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn TƯ dự báo, sáng sớm ngày 6/8, bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị.

“Rất khó dự đoán sự vận động của cơn bão số 2 cả về vị trí, cường độ, mức độ ảnh hưởng đối với các khu vực của nước ta. Dự báo của các đài khí tượng các nước cũng rất khác nhau, một số đài nhận định trong vài ngày tới, bão số 2 sẽ suy yếu, trong khi đó, một số đài khác lại cho rằng bão số 2 không suy yếu đi”- ông Bảy cho biết.

Bão đang lùi xa dần đất liền?

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn TƯ cho biết: Lúc 4h sáng hôm nay, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 16,0 độ vĩ bắc; 109,5 độ kinh đông, trên vùng biển Quảng Nam - Thừa Thiên Huế, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 100 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật trên cấp 8. 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 2 di chuyển theo hướng giữa bắc và bắc tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 10km.

Đến 4 giờ ngày 7/8 tâm bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 60 km về phía nam. Bán kính gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên tính từ tâm bão khoảng 100km.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Trị và phía nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động mạnh. 

Đến 4 giờ ngày 8/8 vị trí tâm bão cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 110 km về phía nam đông nam.

Trong vài ngày tới, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Thanh Hóa, phía đông Bắc Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Ngoài ra, do ảnh hưởng bão kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Trong cơn dông đề phòng có tố lốc mạnh. 

Lũ trên các sông Trung Bộ và Tây Nguyên đang lên nhanh

Do ảnh của bão kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mực nước trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên đang lên nhanh, sông Đồng Nai đang dao động ở mức đỉnh. 

Theo dự báo của NCHMF, lũ trên sông ở các khu vực trên tiếp tục lên. Đêm 5/8 và sáng nay 6/8, mực nước sông Srêpôk và sông Ba có khả năng đạt đỉnh, tại Bản Đôn lên mức 176,5m (trên báo động 3: 3,4m); tại Củng Sơn có khả năng lên mức báo động 3 tới 33,50m.

Trong ngày hôm nay, mực nước sông Ba tại Phú Lâm lên mức 2,5m (dưới báo động 2: 0,2m); sông La Ngà tại Tà Pao lên mức: 120,50m (trên báo động 2: 0,50m); các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi có khả năng lên mức báo động 1, có nơi lên trên mức báo động 1; mực nước sông Srêpôk tại Bản Đôn và sông Đồng Nai tại Tà Lài còn dao động ở mức cao.

Vì vậy, người dân cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, ngập lụt tại vùng hạ lưu các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên. 

An Hạ