1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bão số 10 suy yếu và tan dần, ít nhất 3 người chết

(Dân trí) - Đi sâu vào đất liền các địa phương miền Trung, bão số 10 đã suy yếu và tan dần. Tuy nhiên, hoàn lưu bão còn gây mưa to từ Thanh Hóa đến Huế. Bão làm ít nhất 3 người chết, 31 người bị thương.

Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, đến sáng sớm nay (1/10)  bão số 10 đã suy yếu dần và đi hẳn về phía khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão đã giảm còn cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

 
Bão số 10 gât thiệt hại nặng nề tại miền Trung

Bão số 10 gât thiệt hại nặng nề tại miền Trung

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.

Theo nhận định của cơ quan khí tượng, bão số 10 là cơn bão hiếm gặp với đường di chuyển liên tục thay đổi, khi vào gần bờ bão còn tiếp tục tăng cấp, giật đến cấp 15, cấp 16. Theo thống kê sơ bộ từ cơ quan chức năng, bão số 10 đã làm ít nhất 3 người chết; gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho các địa phương miền Trung.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, hôm nay hoàn lưu bão còn tiếp tục gây mưa to tại các các tỉnh Hà Tĩnh đến Đà Nẵng. Tại miền Trung từ đêm nay, lũ trên các sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh sẽ lên. Dự báo đến chiều tối nay (1/10), mực nước thượng nguồn sông La có khả năng lên mức báo động 1- báo động 2, hạ lưu sông La và sông Cả lên mức báo động 1. Cơ quan khí tượng tiếp tục phát đi cảnh báo về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình.
 

Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên sáng 1/10, tính đến thời điểm này đã có 3 người chết, 31 người bị thương do bão số 10.Trong đó, Quảng Bình có 3 người chết, 12 người bị thương; Quảng Trị 17 người bị thương và Huế 2 người bị thương.

 

Mưa bão cũng đã làm sập 23 ngôi nhà, tốc mái hơn 4.800 ngôi nhà ở Quảng Bình, Quảng Trị và TT-Huế.

 

Các tỉnh bị ảnh hưởng của bão mất điện trên diện rộng. Hiện EVN nỗ lực cấp điện trở lại tại các các tỉnh miền Trung. Hiện các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Đăkrông vẫn còn mất điện. Tại TT-Huế, toàn bộ phụ tải huyện Nam Đông, Phú Lộc mất điện hoàn toàn; khu vực trung tâm huyện Phong Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà đang mất điện.

 

Tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình phải dừng hoạt động trong ngày 30/9. Ngoài ra còn nhiều thiệt hại về đê, bờ sông, bờ biển. 

 
*

Ngày 30/9, tàu cá mang BKS TTH-99999 do ông Nguyễn Viết Chinh (trú thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, TT-Huế) làm chủ bị sóng đánh đứt dây neo trong lúc trú tránh bão tại âu thuyền trưa 30/9, sau đó trôi xa ra biển. Trên tàu khi đó có 10 ngư dân. Sau khi bị gió bão đánh, tàu trôi tự do trên vùng phá Tam Giang, huyện Phú Vang.

Sau khi nhận được tín hiệu kêu cứu, ngay trong chiều 30/9, Hải đội 2 - Bộ đội Biên phòng tỉnh TT-Huế đã huy động lực lượng gồm 1 tàu tuần tra và 1 ca nô cao tốc với 15 chiến sĩ, vượt sóng to gió lớn, cứu hộ thành công tàu cá. Tại khu vực cảng Chân Mây, sóng cũng đánh bay 1 sà lan lên bờ.

Theo báo cáo nhanh của BCH PCLB&TKCN tỉnh TT-Huế, có gần 400 nhà bị sập, tốc mái và 2 người bị thương trong cơn bão số 10. May mắn ở Huế không có người chết. 2 trường hợp bị thương là ông Nguyễn Văn Ổ (56 tuổi, trú huyện Phú Lộc), khi đang neo thuyền thì bị trượt ngã nặng; bà Nguyễn Thị Thanh Vượng (40 tuổi, trú huyện Phong Điền) bị gãy tay trong lúc kê tài sản chống lũ bão.

Bị thiệt hại một cách rất bất ngờ khi dự đoán bão đi vào hướng Bắc sẽ không ảnh hưởng rất lớn đến mình là huyện Phú Lộc (nằm ở phía Nam tỉnh TT-Huế sát với Đà Nẵng). Huyện này có 117 nhà, khách sạn, nhà hàng bị tốc mái, 3 nhà sập. Ghi nhận, gió bão đã tăng dần cấp ở đây từ tối 29/9.

Đường bờ biển Vinh Hải bị ăn sâu vào đến 10m với chiều dài hơn 4km, khiến một số tuyến đường liên xã bị vùi lấp, cuốn trôi. Tuyến đê bao xã Vinh Hiền bị xâm thực nặng đến 7m, dài 7km. Ngoài ra, gió bão còn làm đổ trên 2.000 cây cao su tại thị trấn Phú Lộc và sạt lở đến 50 hecta ao hồ nuôi trồng thủy sản. Riêng nhà hàng nổi lớn Việt Long trên đầm Lập An bị đánh chìm toàn bộ.

1 căn nhà ở huyện Phú Lộc bị cây đổ làm sập nhà
1 căn nhà ở huyện Phú Lộc bị cây đổ làm sập nhà

Các vùng bị tốc mái khá nặng khác là huyện Phú Vang (59 nhà bị tốc mái từ 20-50%, 48 nhà dưới 20%), chợ Cồn Gai ở huyện Quảng Điền bị tốc mái 120m2, huyện Phong Điền có 133 nhà bị tốc mái. Hiện, một số vùng tại Huế vẫn còn mất điện, nước lũ vẫn còn khả năng đang lên.

Đường về xã Hải Dương, thị xã Hương Trà vẫn còn bị chia cắt do nước tràn qua đầy QL 49B

Đường về xã Hải Dương, thị xã Hương Trà vẫn còn bị chia cắt do nước tràn qua đầy QL 49B
Nhiều tuyến đê ở huyện Phú Lộc bị xâm lấn vào dữ dội

Nhiều tuyến đê ở huyện Phú Lộc bị xâm lấn vào dữ dội
Nước tràn qua QL 1A ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc

Nước tràn qua QL 1A ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc

Cây cổ thụ bật gốc do bão, nằm chắn ngang QL 1A qua thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Cây cổ thụ bật gốc do bão, nằm chắn ngang QL 1A qua thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Phạm Thanh - Khánh Hồng - Đại Dương