Bão quét qua, Nam Định, Thái Bình "tơi bời"
(Dân trí) - Tại các huyện ven biển Nam Định như Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng… gió mạnh kèm theo mưa lớn liên tục vào tối hôm qua đã quật đổ nhiều cây xanh, làm nhiều ngôi nhà bị tốc mái. Tỉnh Thái Bình cũng hứng chịu nhiều thiệt hại sau trận bão và hiện toàn thành phố đang bị cắt điện...
Tại thành phố Nam Định, mưa lớn kèm theo gió to cũng làm cây cối, biển hiệu một số nơi bị quật ngã. Về 5 tàu mắc cạn ở cửa sông Sò, do sóng to, gió lớn, 3 tàu đã bị chìm, 2 tàu còn lại cùng với 11 người đã may mắn được Bộ đội Biên phòng Quất Lâm và ngư dân kịp thời đưa vào bờ an toàn. Không gây thiệt hại về người.
Thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy ngổn ngang sau bão (Ảnh: Đức Văn)
Đồ Sơn ngổn ngang sau đêm bão
Do mưa lớn, cộng với gió to, nhiều người cố gắng liên lạc điện thoại với người thân nhưng không được vì sóng quá yếu.
Lượng mưa lớn, nước không kịp thoát khiến nhiều diện tích lúa của người dân mới cấy bị ngập trắng đồng.
Một nhà dân ở huyện Giao Thủy, Nam Định bị tốc mái
Cánh đồng lúa của người dân chìm trong biển nước
Thiệt hại sau cơn bão đêm qua tại Trực Ninh, Nam Định. (Ảnh: Đình Hưng)
Tại Thái Bình, bắt đầu từ chiều ngày 27/7 tình trạng mưa lớn, gió to đã làm một số cây cối ở thành phố Thái Bình bị đổ gãy. Sau khi cơn bão đổ bộ vào đất liền, cây cối ven đường bị đổ khắp các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà... Nhiều nhà dân bị tốc mái. Nhiều tuyến đường ở một số huyện bị tắc đo cây chắn ngang bên đường.
Một số đường dây điện bị đứt do ảnh hưởng của bão. Phía công ty điện lực phải cắt điện để bảo đảm an toàn. Toàn thành phố Thái Bình đã bị cắt điện
Hiện nay vẫn chưa thống kê được thiêt hại do cơn bão số 1 gây ra. Trước mắt các cơ quan chức năng và người dân đang tích cực thu dọn cây đổ và đồ đạc thiệt hại.
Huyện Hưng Hà, Thái Bình cũng hứng chịu nhiều thiệt hại do bão
Nhiều nhà dân bị tốc mái, nhiều cây đổ trên đường tại huyện Hưng Hà
Vào chiều ngày 27/7, do ảnh hưởng của cơn bão số 1, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã xảy ra mưa lớn. Đến tối ngày 27/7, rạng sáng ngày 28/8, tại Hà Nam xảy ra gió mạnh cấp 7, giật trên cấp 9, gây thiệt hại nặng nề.
Theo báo cáo nhanh của Chi cục Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Nam cho biết, tính đến 9h sáng ngày 28/7, diện tích lúa bị ngập trắng là 12.903 ha, 15.566 ha bị ngập phất phơ, 2.954 ha hoa màu bị đổ gãy và dập nát. Các thiệt hại khác: 1 nhà cấp 4 bị đổ sập tại xã Liêm Chính, thành phố Phủ Lý; 967 nhà cấp 4 lợp tôn và pro xi măng bị tốc mái, 275 cột điện bị đổ; 9119 cây xanh, cây ăn quả bị đổ; 2 con bò sữa bị chết và nhiều biển hiệu quảng cáo bị rơi vỡ…
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hà Nam cho biết, tính đến 7h sáng ngày 28/7 tổng lượng mưa trung bình đo được tại tỉnh Hà Nam là 144.5mm; lượng mưa lớn nhất đó được là tại thị trấn Quế, huyện Kim Bảng 170mm; sức gió mạnh nhất đo được vào 1h45’ ngày 28/7 là cấp 7, giật trên cấp 9. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hà Nam khả năng mưa kéo dài hết đêm nay đến ngày mai.
Ghi nhận của PV tại thành phố Phủ Lý, khắp thành phố ngổn ngang cây đổ, nhiều cột điện bị “hạ gục” do gió mạnh. Hiện nay, toàn thành phố Phủ Lý bị cắt điện hoàn toàn để đảm bảo an toàn.
Hà Nam cũng bị nhiều thiệt hại từ bão
Sáng nay, sau cơn bão, thành phố Ninh Bình cũng ngổn ngang, xơ xác.
Ghi nhận của PV Dân trí tại một số tuyến phố lớn như Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Tràng An, Lê Đại Hành... cây cối đổ gãy khắp nơi, trong đó có nhiều cây cổ thụ.
Thành phố Ninh Bình đã phải huy động nhiều lực lượng để khắc phục thiệt hại sau cơn bão.
Thành phố Tam Điệp, huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Hoa Lư, Yên Mô (Ninh Bình) cũng chung tình cảnh.
Trao đổi với PV Dân trí qua điện thoại, ông Đinh Chung Phụng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình - cho biết, rất may đến thời điểm hiện tại Ninh Bình chưa có thiệt hại về người. "Sáng nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập chung khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra. Hiện chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại vì các địa phương vẫn đang kiểm đếm", ông Phụng nói.
... phố Trần Phú ngập sâu trong nước. Có nơi nước ngập hơn 50 cm, người dân đi lại rất khó khăn.
Thanh Hóa: Tàu đánh cá bị chìm, 1 ngư dân mất tích
Rạng sáng 28/7, lực lượng biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã cứu được 7 ngư dân gặp nạn trên biển do sự cố chìm tàu. Vào đêm 27/7, đôi tàu kéo giã mang số hiệu TH 90298 TS và TH 90817 TS đều có công suất 440 CV của anh Nguyễn Văn Giang (SN 1983 ở phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn) làm chủ tàu đang trên đường vào đảo Hòn Mê, tỉnh Thanh Hóa để tránh trú bão.
Khi đôi tàu kể trên cách phía đông đảo Mê 3,5 hải lý thì tàu TH 90298 TS bị hỏng máy, nước tràn vào khoang tàu khiến tàu bị chìm. Tàu TH 90817 TS đã cứu được 5/6 thuyền viên của tàu TH 90298 TS. Tuy nhiên ngư dân Phạm Văn Cường (SN 1985, ở phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) bị mất tích.
Khi tàu TH 90817 TS chạy được một đoạn cũng bị hỏng máy bơm và có nguy cơ bị chìm. Các thuyền viên trên tàu đã phát tín hiệu cấp cứu. Nhận được tin báo, lực lượng biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã điều động tàu Nghi Sơn 01 cùng 7 chiến sĩ khẩn trương đến vị trí 2 tàu gặp nạn để tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Đến 1h10 phút ngày 28/7, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã đưa được 7 thuyền viên trên 2 tàu kể trên và lai dắt thành công tàu TH 90817 TS vào bờ an toàn. Đồng thời tiếp tục tìm kiếm cứu nạn ngư dân Phạm Văn Cường đang mất tích trên biển.
Duy Tuyên
Đức Văn - Thái Bá