Bão quét qua các tỉnh miền Bắc, 10 người mất tích

(Dân trí) - Sáng sớm nay 29/10, bão số 8 đi vào ven biển các tỉnh Hải Phòng - Quảng Ninh gây mưa to, gió mạnh. Đã có ít nhất 10 người mất tích. Một tháp truyền hình cao nhất miền Bắc bị đổ sập. Một giàn khoan với 35 người bị đứt dây kéo trên biển.

Tràn về ven biển các địa phương miền Bắc, bão số 8 liên tục đổi hướng, gây gió giật mạnh kèm mưa to diện rộng. Theo tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, đến 4h hôm nay 29/10, tâm bão ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên khu vực ven biển các tỉnh Hải Phòng - Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, cấp 11.
 
Khắp các huyện ven biển từ Ninh Bình tới Hải Phòng đều bị ảnh hưởng do bão. Vào lúc 20h40 phút ngày 28/10, gió bão giật mạnh khiến tháp Truyền hình Nam Định (cao nhất miền Bắc) bị sập hoàn toàn, khiến 1 người bị thương. Tháp bị gãy ở vị trí cách mặt đất 20m. Tháp cao 180m, được xây dựng và hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2010 tại khu đô thị Hoà Vượng, thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng.
Toàn thành phố Nam Định cũng đã bị mất điện từ chiếu tối qua, 28/10, (thời điểm bão bắt đầu áp sát bờ biển tỉnh này) đến giờ. Vẫn chưa có thông tin về thời điểm có thể khắc phục sự cố với lưới điện. Nhiều gia đình đã phải mang can bình đi mua xăng về chạy máy phát. Sóng viễn thông phập phù. Người dân thành phố hầu hết phải nghe ngóng thông tin về diễn biến bão từ bên ngoài.

Bão quét qua Hải Phòng - Quảng Ninh, 10 người mất tích

Tàu thuyền vào nơi neo đậu trú ẩn an toàn ở khu vực cửa cống Quần Vinh 1, xã Nghĩa Thắng huyện Nghĩa Hưng (Ảnh: Báo Nam Định)

Ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho biết: Cơn bão quét qua TP Hải Phòng rạng sáng nay đã tan. Hiện UBND TP Hải Phòng đang thống kê thiệt hại về người và tài sản do cơn bão gây ra. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão đang phối hợp với chính quyền các địa phương gấp rút giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống.

Lúc 15h35' ngày 28/10, tại khu vực cách Bắc Bạch Long Vĩ khoảng 14 hải lý, giàn khoan GFS KEY HAWAI có 35 người trong đó có 14 người nước ngoài, bị đứt dây kéo với tàu lai, do sóng to tàu lai không thể tiếp cận với giàn khoan. Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã đề nghị thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu cho máy bay cứu nạn. Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không – Không quân chuẩn bị máy bay, nghiên cứu thời tiết để sẵn sàng cứu nạn.

 

Đến 5h50’ ngày 29/10, Tổng Công ty Bay Việt Nam đã điều động 2 máy bay trực thăng bay xuống Hải Phòng trinh sát khí tượng và sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi thời tiết cho phép. Hiện tại có 3 tàu lai vẫn đang theo sát giàn khoan.

Tại huyện đảo Cát Hải, những thiệt hại ban đầu đã được thống kê. Ông Bùi Trung Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện đảo Cát Hải - cho biết: “Bão đã tan tại huyện đảo Cát Hải. Cho đến rạng sáng nay 29/10, có 7 người đang bị mất liên lạc. Đến sáng nay, lực lượng cứu hộ đã tìm được 10 người.

Bão quét qua các tỉnh miền Bắc, 10 người mất tích

Cây đổ trên đường Võ Thị Sáu (TP Hải Phòng). Ngay sau cơn bão vừa tạm dứt, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng dọn dẹp hiện trường để giải phóng giao thông (Ảnh: Vũ Trọng Thái)

Tại khu vực đảo Cát Bà, 28 bè bị thiệt hại do bão, trong đó 6 bè chở 14 người đã bị trôi dạt; 1 bè chở 1 người trôi về phía bãi Cát Ông đã được hỗ trợ đưa lên bờ an toàn; 5 bè chở 10 người bị trôi dạt về cửa vịnh Trân Châu hiện đang tiếp tục được tìm kiếm, 1 bè chở 3 người trôi dạt về xã Xuân Đám đã được cứu hộ vào bờ an toàn. Ngoài ra có nhiều thuyền bị đắm.

Đặc biệt, do sóng, gió lớn đã làm 1 tàu vận tải chở 2.000 tấn quặng bị đắm lúc 21h 30’ đêm 28/10 tại vịnh Cát Bà. Trên tàu có 5 thuyền viên hiện đang mất liên lạc.

Tại vịnh Bến Bèo, 4 bè dịch vụ du lịch đứt neo, va đập vào bờ dẫn đến hư hỏng nặng. 1 xuồng cứu hộ ST750 của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN huyện trong khi tham gia cứu hộ đã bị hư hỏng nặng cùng trên 20 chiếc thuyền nan gắn máy bị đắm, vỡ và nhiều tàu, thuyền khác bị hư hỏng nặng.

Khu vực vịnh Lan Hạ, sóng vẫn lớn, lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận vì vậy chưa thể xác định được thiệt hại về người cũng như về tài sản. Thống kê về thiệt hại nhà ở của người dân vẫn đang được cập nhật.

Bão quét qua các tỉnh miền Bắc, 10 người mất tích
Cây đổ, cành gãy, đè cả dây điện và cáp viễn thông trên phố Phạm Minh Đức (TP Hải Phòng) - Ảnh: Vũ Trọng Thái
Mưa lớn gây ngập úng tại nhiều địa bàn, nhiều người hiện đang mất liên lạc. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Mưa lớn gây ngập úng tại nhiều địa bàn, nhiều người hiện đang mất liên lạc. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Tại Quảng Ninh, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết bão đã tan và không gây thiệt hại đáng kể nào về người và tải sản. Tuy nhiên, mưa lớn đã gây ngập úng tại nhiều khu dân cư. Lực lượng cứu hộ đang phối hợp cùng người dân tiêu thoát nước.

Theo tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ninh, đêm qua đến sáng nay, bão số 8 đã đổ bộ vào vùng biển Quảng Ninh, ảnh hưởng chủ yếu ở các địa phương: Hạ Long, Vân Đồn, Tiên Yên, Quảng Yên. Huyện Vân Đồn có 2 nguời mất tích, 1 nhà tốc mái, 30 lồng bè bị vỡ, 3 thuyền nhỏ (thuyền không có hàng hóa) bị chìm.

TP Hạ Long có 1 tàu du lịch chìm, 7 người trên tàu đã lên bờ an toàn; tốc mái một khu nhà tập thể, một trường tiểu học. Huyện Tiên Yên có 3 nhà lợp Fibro bị sập; 120 ha lúa bị đổ.

TX Quảng Yên bị đổ 1 cột ăng ten cao 15 mét của đài Truyền thanh Truyền hình thị xã. Cẩm Phả có 2 thuyền nhỏ (thuyền không có hàng hóa) bị chìm.

Ngay tối 28/10, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Công điện khẩn số 22/CĐ-UBND về nghỉ học các cấp đảm bảo an toàn cho học sinh trong cơn bão số 8. Theo đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho phép học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh nghỉ học ngày 29/10/2012; Để đảm bảo chương trình học tập, các trường chủ động bố trí học bù vào thời gian thích hợp ngay sau thời gian bão tan. 

Trước đó bão số 8 đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực đất liền một số địa phương gây ra những thiệt hại lớn, bất chấp những nỗ lực di dân, sơ tán, bảo vệ tài sản... ở các địa phương này.

Dù nằm cách xa tâm bão, song tối qua, Hà Nội đã có gió mạnh cấp 4-5, giật cấp 6 khiến cây cối ngã rạp. Trên nhiều tuyến đường cửa ngõ của thủ đô như Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến... nhiều xe máy di chuyển khó khăn, thậm chí phải dừng lại, dắt bộ vì gió lớn. Nhiều biển quảng cáo, cây xanh, phông bạt... ven các vỉa hè bị rách nát rồi đổ sụp xuống đường. Trong hai ngày tới, tổng lượng mưa ở thủ đô có thể đạt xấp xỉ 120 mm.

Tại Thái Bình, đêm qua bão số 8 đã gây ra gíó gật mạnh cấp 12, riêng các huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy gió mạnh cấp 13 - 14, mưa to đến rất to với lượng mưa tới trên 200 mm.

Mưa to kèm theo gió giật mạnh cấp 11, cấp 12 cũng làm đổ, bật gốc nhiều cây xanh, cột điện, hàng loạt mái tôn, cửa kính... bị thổi bay và bị tốc; nhiều tuyến đường ở TP Thái Bình bị ngập nước khiến giao thông đi lại sáng nay gặp nhiều khó khăn và bị tê liệt.  

Chằng buộc tàu thuyền tại cảng Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (Ảnh: Lao động)

Chằng buộc tàu thuyền tại cảng Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (Ảnh: Lao động)

Bão số 8 còn đe dọa nghiêm trọng một sô đoạn đê biển xung yếu trên các tuyến đê biển số 6, số 8 tại các huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy thi công dở dang có nguy cơ bị sạt lở. Đến sáng nay, toàn tỉnh Thái Bình vẫn bị mất điện trên diện rộng; thông tin liên lạc ở nhiều nơi và các huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải bị mất liên lạc. 

Theo thông tin mới nhận được, cầu Diêm Điền tối qua cũng bị một tàu trọng tải 5.000 tấn đâm vào làm sập khiến việc giao thông từ TP Thái Bình đi huyện ven biển Thái Thụy gặp nhiều khó khăn.

Tỉnh Thái Bình đang khẩn trương chỉ đạo các địa phương cùng ngành chức năng tập trung xử lý, khắc phục các sự cố trên. Đồng thời duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
 
Bão quét qua các tỉnh miền Bắc, 10 người mất tích
Cây lớn bật gốc, kéo đổ cả cột điện trong Tỉnh ủy Thái Bình (ảnh: Thái Bình TV).
 
Trước đó, ngày 28/10, tại Hà Tĩnh, một chiếc xà lan hút cát của một doanh nghiệp nước ngoài đang neo đậu tại Cảng nước sâu Sơn Dương, huyện Kỳ Anh đã bị sóng lớn đánh trôi dạt vào bờ. Ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương - cho biết, chiếc phà bị sóng đánh là của một doanh nghiệp nước ngoài đang hút cát san lấp mặt bằng cho khu công nghiệp Vũng Áng. Khi được phát hiện, không có công nhân nào trên xà lan.
 
Bão quét qua các tỉnh miền Bắc, 10 người mất tích
Chiếc xà lan được lực lượng chức năng kéo lên bờ sau khi bị sóng đánh trôi dạt trên biển (Ảnh: Văn Dũng)
 
Sau khi nhận được thông tin, chính quyền xã đã phối hợp với một đồn biên phòng trên địa bàn tổ chức kéo chiếc xà lan lớn nói trên vào bờ, đồng thời bố trí lực lượng bảo vệ canh giữ. Hiện, chính quyền xã Kỳ Phương đang làm thủ tục bàn giao chiếc xà lan cho chủ doanh doanh nghiệp. 
 
Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, do ảnh hưởng của bão số 8, ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ đã có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; một số nơi có gió mạnh hơn như đảo Hòn Dấu gió mạnh cấp 12, giật cấp 13; Thái Bình gió cấp 11, giật cấp 14; Văn Lý gió cấp 10, giật cấp 14; đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Nam Định và Phủ Liễn gió giật cấp 11. Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 100 – 200mm; một số nơi có mưa lớn hơn như thành phố Thái Bình 400mm; Văn Lý (Nam Định) 330mm; Phủ Liễn (Hải Phòng) 297mm; Cửa Ông (Quảng Ninh) 222mm; đảo Cô Tô 262mm…

Bão số 8 liên  tục thay đổi hướng khi đi vào vùng ven biển miền Bắc. (Ảnh: NCHMF)
Bão số 8 liên  tục thay đổi hướng khi đi vào vùng ven biển miền Bắc. (Ảnh: NCHMF)

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16h ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực Móng Cái (Quảng Ninh). Sức gió giảm dần, mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh còn cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) ngày hôm nay còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, cấp 11. Biển động mạnh. Ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Khu vực các tỉnh ven biển phía đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Ảnh mây vệ tinh về bão số 8.
Ảnh mây vệ tinh về bão số 8.

Chuyên gia khí tượng cho biết, ngay sau khi bão số 8 suy yếu, khoảng trưa và chiều mai (30/10) sẽ có một bộ phận không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh bắc và trung Trung Bộ.

Như vậy, cùng với mưa  lớn từ hoàn lưu bão số 8,  không khí lạnh tràn về Bắc Bộ cũng gây mưa rào và dông ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Các tỉnh miền Bắc, trong đó có Hà Nội từ đêm mai trời trở lạnh.

Anh Thế - Quốc Cường - Phạm Thanh