Bao nhiêu cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường bị dừng hoạt động?
(Dân trí) - 100% cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên toàn quốc đã được kiểm tra. Qua đó xử phạt vi phạm hành chính 3.963 trường hợp, thu hồi 2.775 giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Đó là thông tin đáng chú ý được Bộ Công an nêu ra trong văn bản gửi tới Bộ Tư pháp báo cáo việc thực hiện Nghị định 96/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Báo cáo cho thấy, hiện nay cơ quan công an đang quản lý đối với 22 ngành, nghề và nhóm ngành nghề theo Nghị định 96 (riêng ngành nghề dịch vụ đòi nợ đã bị đưa vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư năm 2020).
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2020-2021 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Nhiều cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, xoa bóp, lưu trú… phải tạm dừng hoạt động. Đến hết tháng 6/2022, số lượng cơ sở kinh doanh giảm gần 2.400, số lượng người làm nghề giảm gần 6.600 người so với cuối năm 2019 (trước khi xảy ra dịch bệnh).
Qua 6 năm thực hiện Nghị định 96/2016, toàn quốc đã cấp trên 142.000 giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (trong đó cấp mới trên 66.270 trường hợp, cấp đổi gần 74.500 trường hợp, cấp lại gần 1.300 trường hợp).
Bộ Công an khẳng định, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cơ bản được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục hành chính và đúng thời hạn quy định.
Đáng chú ý, theo Bộ Công an, tổng số cơ sở kinh doanh không được công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự nhưng vẫn hoạt động bị cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác phát hiện xử lý trên 2.110 cơ sở, trong đó chủ yếu là karaoke với 722 cơ sở, dịch vụ lưu trú 629 cơ sở, dịch vụ cầm đồ 301 cơ sở.
Tổng số cơ sở kinh doanh bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo Điều 18 Nghị định số 96 lên tới gần 5.000 trường hợp, thu hồi không thời hạn trên 4.100 trường hợp, thu hồi có thời hạn từ 3-6 tháng là 817 trường hợp.
Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Bộ Công an, công an các địa phương đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra đối với 100% số cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường. Qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính 3.963 trường hợp, với tổng số tiền 28,8 tỷ đồng; thu hồi 2.775 giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Đến nay, Bộ Công an đã bước đầu xây dựng phần mềm số hóa hồ sơ cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm lưu trữ một số trường thông tin cơ bản của cơ sở kinh doanh. Hiện đã cập nhật được 95% số lượng cơ sở kinh doanh trên toàn quốc.
"Thực tiễn cho thấy tội phạm và các đối tượng xấu luôn triệt để lợi dụng, dựa vào điều kiện thuận lợi do việc kinh doanh một số ngành, nghề mang lại để nhằm thu lợi bất chính, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhất là lợi dụng các ngành nghề nhạy cảm, phức tạp như kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ lưu trú, karaoke, vũ trường, dịch vụ xoa bóp (massage)", Bộ Công an đánh giá.
Bộ này dẫn chứng, thời gian qua xảy ra nhiều vụ có số đối tượng tham gia mang tính chất tập thể liên quan đến hành vi thác loạn, bay lắc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, dịch vụ karaoke. 6 năm thực hiện Nghị định 96, các địa phương có số vụ vi phạm nhiều là TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định…
"Có nghi vấn còn tình trạng đòi nợ thuê bất hợp pháp"
Bộ Công an thông tin, thực hiện quy định của Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ; quản lý hồ sơ theo quy định công tác hồ sơ nghiệp vụ công an nhân dân. Đồng thời tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Đến cuối năm 2021, công an các địa phương đã thu hồi đủ 131/131 giấy chứng nhận nói trên; qua đó góp phần hạn chế vi phạm pháp luật phát sinh từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Tuy nhiên, qua công tác điều tra cơ bản nhận thấy có trình trạng một số doanh nghiệp hoạt động núp bóng dưới các công ty dịch vụ bảo vệ, tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, sử dụng nhân viên của các cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ trước đây để liên kết với các cơ sở kinh doanh, cá nhân cho vay thực hiện việc đòi nợ thuê bất hợp pháp; chuyển sang công ty mua bán nợ; chuyển sang kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
Đặc biệt, Bộ Công an cho rằng có nghi vấn còn tình trạng đòi nợ thuê bất hợp pháp.