Bao nhiêu cán bộ cấp cao về hưu mới lộ tài sản "khủng"?
(Dân trí) - Trả lời câu hỏi về khả năng có bao nhiêu cán bộ cấp cao về hưu mới phát lộ tài sản khủng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đáp, việc này phải qua thanh kiểm tra mới… đếm được. Ông Phúc mong người dân tiếp tục góp tai mắt để giám sát việc này.
Nửa sau buổi làm việc chiều ngày 12/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn, trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phó Thủ tướng là thành viên Chính phủ "chốt" phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 đã kéo dài 2,5 ngày qua.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đại biểu chất vấn về việc làm sao để thoát sự phụ thuộc kinh tế vào người láng giếng xấu bụng (Ảnh: Việt Hưng)
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu, nhận định trong báo cáo của Chính phủ về tình hình an ninh trật tự xã hội chưa thể an tâm, tham nhũng chưa thể đẩy lùi. Đây là những hiện thực gây bức xúc, bất an trong nhân dân. Là Phó Thủ tướng phụ trách những lĩnh vực trọng chốt này, Phó Thủ tướng có giải pháp gì để củng cố lòng tin trong nhân dân.
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả về trấn áp tội phạm, số băng nhóm bị phá. Tỷ lệ phá án luôn đạt trên 74%. Tuy nhiên, tình hình trật tự xã hội đang diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm dạng băng nhóm, tội phạm buôn bán người…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của ban chỉ đạo 138 để giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, nắm tình hình, điều tra cơ bản ở địa bàn. Giải pháp khác Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra là phối hợp với quốc tế. Một nguyên tắc được nhấn mạnh là công việc phải do cả hệ thống chính trị vào cuộc chứ không thể “khoán” cho riêng ngành Công an. Quan điểm là đánh mạnh, đánh trúng, đánh kiên quyết vào tội phạm để đảm bảo bình yên cho nhân dân.
Về vấn đề tội phạm tham nhũng, ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm từng bước đấu tranh, đẩy lùi. Phó Thủ tướng cũng nêu quyết tâm xây dựng một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, cơ chế răn đe để không dám tham nhũng và cơ chế đãi ngộ xứng đáng để không cần tham nhũng.
Đại biểu Lê Như Tiến hỏi lại Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Một trong những giải pháp phòng ngừa hữu hiệu là nâng cao hiệu quả công tác kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ. Thời gian qua, Việt Nam có thực hiện kê khai nhưng không công khai nên mới có việc nhiều cán bộ cấp cao và cán bộ về hưu liền phát lộ những khối tài sản lớn, bất ngờ. Ông Tiến yêu cầu Phó Thủ tướng nêu giải pháp giải quyết tình hình này.
Phó Thủ tướng đáp lời ông Lê Như Tiến, khẳng định Chính phủ đã có nghị định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu và nghị định về kê khai tài sản. Tuy nhiên việc công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình làm chưa tốt thì chứng tỏ việc triển khai ở các cấp các ngành chưa tốt. Câu hỏi bao nhiêu cán bộ có khối tài sản lớn thì Phó Thủ tướng cho rằng chỉ qua thanh kiểm tra mới biết được và hi vọng nhân dân tiếp tục đóng góp tai mắt để giám sát vấn đề này.
Thoát bóng người láng giềng xấu bụng bằng cách nào?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc vào người láng giềng to người nhưng xấu bụng. Những xung đột xảy ra đặt ra yêu cầu làm sao phải thoát bóng của người hàng xóm này, tránh lệ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào.
Trước tình hình Biển Đông, Trung Quốc đặt giàn khoan, một số phần tử đã lợi dụng kích động gây rối. Ông Thuyền muốn biết Chính phủ có giải pháp gì lấy lại lòng tin của nhà đầu tư.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Thuyền về việc xây dựng nền kinh tế độc lập Việt Nam. Ông Phúc khẳng định hiện tại nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc bất cứ nước nào. “Tôi có đầy đủ tài liệu, căn cứ chứng minh. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong một thế giới phẳng chắc không có nền kinh tế nào độc lập một cách hoàn toàn” – ông Phúc nói.
Việt Nam đang có thế mạnh thu hút đầu tư nên thời gian tới cần phát huy ưu thế này để thúc đẩy phát triển kinh tế. Để đảm bảo đủ hấp thu nguồn vốn đầu tư nước ngoài, ông Phúc nhấn mạnh vấn đề thị trường. Cụ thể, Việt nam chủ trương mở rộng đa dạng hóa thị trường, cả nhập khẩu và xuất khẩu.
Việt Nam có 6 hiệp định thương mại tự do lớn, cả đơn phương và đa phương, đặc biệt là hiệp định với các nước ASEAN, nước lớn. Dự kiến 2015 Việt Nam có 16 AFTA với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở ra không gian lớn cho thương mại phát triển. Tất nhiên Việt Nam vẫn có chủ trương giữ quan hệ làm ăn hợp tác với Trung Quốc thông qua các hoạt động quan hệ đa phương và song phương với tinh thần 2 bên cùng có lợi.
Về yêu cầu lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư sau những sự việc đập phá,đốt phá vừa rồi, Phó Thủ tướng trở lại nguyên nhân xảy ra sự việc là từ hành vi vi phạm của Trung Quốc đối với Việt Nam khiến người dân bức xúc. Sau nữa là có sự bức xúc thể hiện trogn đời sống công nhân. Nguyên nhân thứ 3, theo Phó Thủ tướng, rõ ràng có bàn tay kích động, lợi dụng, quấy rối, phá hoại ở đây.
Dù vậy, các cơ quan chức năng đã lập lại trật tự một cách nhanh chóng, tạm giữ hơn 2.000 người, khởi tố nhiều vụ án hình sự và đưa ra xét xử các đối tượng cầm đầu ngoan cố trong vụ việc vừa qua.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiến hành nhiều biện pháp kịp thời đồng bộ để hỗ trợ cho các DN như giải quyết bảo hiểm (bảo hiểm tài sản, bảo hiểm tiền lương, thất nghiệp cho lao động), giãn thuế, giảm thuế cho DN…
Có những giấy phép đầu tư nếu theo quy định cấp lại mất 10 ngày nhưng nay chỉ giải quyết trong vài giờ. Cơ quan chức năng đã trực tiếp xuống làm việc để cấp giấy cho DN.
Tại Bình Dương – tỉnh thiệt hại nặng nề nhất thì thông tin mới đây là 100% Dn đã trở lại hoạt động – Phó Thủ tướng khẳng định.
Từ những giải pháp này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các nhà đầu tư vẫn yên tâm ở lại làm ăn ở Việt Nam. Ngoài ra, chính quyền cam kết không để tình trạng như đã xảy ra tái diễn ở các địa phương. Các lực lượng chức năng phải nắm bắt tình hình kịp thời để xử lý những tình huống đã diễn tập triển khai.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) bày tỏ sự tán thành với chiến lược đấu tranh với Trung Quốc của Chính phủ. Cờ tổ quốc đang tung bay khắp thế giới, thể hiện chính nghĩa của Việt Nam. Đại biểu cho rằng đó là may mắn của quốc gia trong đại họa, là cơ hội trong thách thức. Đại biểu yêu cầu Phó Thủ tướng trình bày giải pháp để biến thách thức thành cơ hội như nhiều ý kiến đề cập.
Về câu hỏi làm thế nào nắm bắt cơ hội để thế giới tiếp tục ủng hộ Việt Nam sau vụ việc giàn khoan Hải Dương 981, ông Phúc nêu nguyên lý, chính nghĩa bao giờ cũng được bảo vệ, chính nghĩa bao giờ cũng chiến thắng. Việt nam đã tiến hành mọi biện pháp đấu tranh qua đường ngoại giao cũng như trên thực địa và tiếp tục tính toán các giải pháp khác.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) bày tỏ đồng tình về phần báo cáo của Phó Thủ tướng về tình hình Biển Đông và chính sách với ngư dân. Tuy nhiên, ông Lịch lo không điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế nhưng điều chỉnh một số nội dung thu chi như chính sách 16.000 tỷ đồng. Ông Lịch đặt câu hỏi, Chính phủ có chiến lược gì đột phá hơn để thoát cảnh lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu, công nghệ từ Trung Quốc, để tự cường về kinh tế.
Đề cập đến khối DNNN với chương trình tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, ông Lịch cho rằng nguồn vốn rót vào khu vực này quá lớn. Nếu cổ phần hóa mà không có kế hoạch sử dụng nguồn tiền đến 600.000 tỷ đồng này thì quá lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng. Ông Lịch băn khoăn, không biết Chính phủ có dự định chuyển nguồn sang dùng cho đầu tư ngư dân không?
Đại biểu Trần Du Lịch đồng tình về phần báo cáo của Phó Thủ tướng về tình hình Biển Đông (Ảnh: Việt Hưng)
Nói về ý kiến tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước và việc có chuyển tiền sang hỗ trợ ngư dân của đại biểu Trần Du Lịch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ý, tái cơ cấu là nhiệm vụ trọng yếu được giao chứ không chỉ vì sự kiện Trung Quốc xâm lấn trên Biển Đông mới đặt ra. Trong bối cảnh hiện nay cần đẩy nhanh tái cơ cấu ở tất cả các cấp độ, quốc gia, vùng, doanh nghiệp, sản phẩm. Tái cơ cấu đụng chạm đến lợi ích của nhiều người nên có thể bị phản ứng, phải quyết tâm vì việc này mang lại lợi ích toàn diện cho nền kinh tế. Vấn đề cơ bản nhất là tháo gỡ về thể chế và nguồn nhân lực.
Phó Thủ tướng cũng nhắc việc cổ phần hóa DNNN, phần thu lại từ cổ phần hóa, ông Phúc tiếp thu ý kiến đại biểu để báo cáo sao cho việc sử dụng nguồn tiền này hiệu quả nhất.
Một đại biểu của miền Trung tỏ ý sốt ruột với chính sách dành cho ngư dân, khi nào có thể triển khai, áp dụng để người dân sớm đủ sức vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền?
Chuyện dành 16.000 tỷ đồng cho lực lượng chấp pháp và 10.000 tỷ đồng cho ngư dân trên biển, Phó Thủ tướng giải thích, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đang được giao chủ trì việc xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung này, giao cho chủ tịch 28 tỉnh có biển thực hiện cũng như các ngân hàng thương mại triển khai để giải ngân tiền một cách thuận lợi nhất cho ngư dân.
Ông Phúc khẳng định, chậm nhất trong tháng 7 sẽ có văn bản hướng dẫn về việc này để hỗ trợ người dân có dịch vụ hậu cần nghề biển thuận lợi hơn để vươn khơi.
Đồng thời với việc trên, Việt nam cũng phải chủ động để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước để củng cố niềm tin cho cả người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tụcbảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, coi quyền lợi của nhà đầu tư như quyền lợi của chính bản thân mình. Muốn thu hút, đưa thêm khách du lịch đến Việt Nam thì cũng phải tăng cường hình ảnh Việt Nam thân thiện, an toàn tới toàn thế giới.
Việt Nam sẽ tiếp tụcbảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, coi quyền lợi của nhà đầu tư như quyền lợi của chính bản thân mình. Muốn thu hút, đưa thêm khách du lịch đến Việt Nam thì cũng phải tăng cường hình ảnh Việt Nam thân thiện, an toàn tới toàn thế giới.
Trước đó, mở đầu phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong kỳ họp này, đã có 185 phiếu chất vấn của các Đại biểu được gửi tới các thành viên Chính phủ. Các câu hỏi chất vấn đang được giao cho các thành viên Chính phủ trả lời đại biểu bằng văn bản. Tiếp đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2014.
Phần sau của báo cáo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày về tình hình biển Đông và biện pháp ứng phó.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày về tình hình biển Đông và biện pháp ứng phó. (Ảnh: Việt Hưng)
Điểm lại sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan từ đầu tháng 5/2014 trong vùng biển Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cả nước đã đồng lòng đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Thủ tướng nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều phát biểu khẳng định quan điểm chủ trương của Việt Nam. Việt Nam đã có nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc để yêu cầu nước này tôn trọng chủ quyền, rút ngay giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam.
Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng chân thành cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân, bạn bè khắp nơi trên thế giới đã lên tiếng phản đối hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình và an ninh chung trên Biển Đông và toàn khu vực của Trung Quốc.
Về sự việc một số người quá khích đập phá doanh nghiệp, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã nỗ lực hỗ trợ các DN khắc phục hậu quả, trở lại hoạt động. Đến nay, tất cả các DN đã khôi phục sản xuất. Chính phủ Việt Nam đã công bố việc đảm bảo môi trường an toàn, ổn định cho nhà đầu tư.
Nhà nước cũng tăng cường cho năng lực thực thi pháp luật trên biển của lực lượng chấp pháp, hỗ trợ ngư dân trong hoạt động nghề cá và khẳng định chủ quyền đối với biển đảo của Việt Nam.
Tình hình thực tế đặt ra yêu cầu đối với Việt Nam phải mở rộng hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc vào một thị trường nhất định.
Đề cập đến chính sách hỗ trợ ngư dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, 1 triệu ngư dân đã được hỗ trợ để tiếp tục hiện diện trên biển. Chính phủ thực hiện hiện đại hóa, đóng mới tàu vỏ thép, có chính sách bảo hiểm với tàu, tài sản, tính mạng của ngư dân trên biển. Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng đã được thống nhất triển khai.
Ngoài ra, Quốc hội cũng quyết định khoản chi ngân sách 16.000 tỷ đồng trang bị cho Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân để bảo vệ chủ quyền của quốc gia trên biển. “Các chính sách đã hỗ trợ trực tiếp và hiệu quả để ngư dân bám biển” - Phó Thủ tướng chốt lại.