Bão "nhắm thẳng" Móng Cái, Hà Nội có nguy cơ ngập úng
(Dân trí) - Bão số 5 đang thẳng tiến về Móng Cái (Quảng Ninh). Hàng trăm nghìn người đã được hướng dẫn ứng phó với bão. Dự báo, từ chiều và đêm nay (17/8), miền Bắc sẽ có mưa lớn; đêm nay Hà Nội có thể diễn ra mưa lớn gây ngập úng cục bộ.
Chuyên gia Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, đến 10h trưa nay (17/8) bão số 5 đã vượt vùng biển phía Đông Nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và đang đã đi vào vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ). Cũng từ trưa nay gió tại các khu vực đảo này mạnh dần lên cấp 7, cấp 8 và còn tiếp tục mạnh thêm.
“Đêm nay và ngay mai (18/7), do ảnh hưởng của bão, khu vực Hà Nội có thể diễn ra mưa to đến rất to. Với lượng mưa 50 - 100mm trong nội thành, có khả năng sẽ gây ra ngập úng ở một số tuyến phố thuộc nội thành. Tuy nhiên, chỉ đến chiều tối mai mưa và gió hầu như sẽ chấm dứt”- ông Hải dự đoán.
Tại cuộc họp khẩn triển khai ứng phó bão số 5 sáng nay, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ Cao Đức Phát nhấn mạnh, đây là cơn bão mạnh còn có thể diễn biến phức tạp. Do đó, các địa phương ở miền Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh và Hải Phòng, khẩn trương triển khai công tác ứng phó bão. Các tỉnh miền núi phía Bắc cần đặc biệt lưu ý hoàn lưu bão số 5 có thể gây mưa lớn cục bộ. Ngay sau cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã đề nghị Ban chỉ đạo và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cử 1 đoàn công tác đi chỉ đạo công tác ứng phó bão số 5 tại Quảng Ninh.
Theo báo cáo từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6h sáng 17/8, lực lượng biên phòng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thông tin về bão số 5 đến hơn 33.000 phương tiện, với khoảng 132.000 người biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, hơn 22.000 phương tiện, lồng bè ở vùng biển Vịnh Bắc bộ, với gần 86.000 người được hướng dẫn ứng phó bão….
Bộ Quốc phòng cũng huy động gần 20.000 cán bộ, chiến sĩ, 8 máy bay trực thăng, 72 tàu, 445 phương tiện, hơn 1.000 xuồng ứng trực bão số 5.
Quảng Ninh, Hải Phòng chủ động ứng phó
Trọng tâm của công điện, yêu cầu các địa phương, ngành nghiêm cấm các loại tàu thuyền ra khơi; thông báo liên tục và kêu gọi các chủ phương tiện tàu thuyền nghề cá và các tàu vận tải khác đang hoạt động ngoài khơi biết hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực ảnh hưởng của bão, tìm về nơi trú ẩn, tuyệt đối không để người trên tàu.
Đối với các tuyến đảo Cô Tô, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực của TP Móng Cái và Cái Chiên của huyện Hải Hà, các tàu thuyền phải di chuyển khẩn trương xong trước 12 giờ trưa nay ra khỏi khu vực để tìm vào các vị trí nơi neo trú cố định an toàn, vào Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Cô Tô, hoặc kéo lên bờ để tránh bị chìm đắm ở nơi neo đậu; nắm chắc số lượng và khu vực tránh trú bão của từng tàu thuyền và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Chính quyền địa phương tại các huyện ven biển như Cô Tô, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên phải phương án bảo vệ dân cư ở những vùng trũng, thấp; các huyện miền núi, các khu đô thị kiểm tra đảm bảo an toàn hệ thống điện, khơi thông hệ thống thoát nước, cắt xén cây xanh đường phố; các hầm mỏ và các khu vực khai thác khoáng sản sẵn sàng phương án phòng chống gió bão và có mưa lớn gây ngập úng, lũ quét, sạt lở đất đá để đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi bão đổ bộ vào.
Công tác đảm bảo an toàn tại các tuyến đê xung yếu, hồ đập, các công trình thi công ven sông, ven biển phải được chú trọng. Các địa phương phải chủ động tháo nước đệm đề phòng mưa lớn gây ngập úng để bảo vệ cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản; thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên các đầm, hồ, khu nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt khu vực miền Đông của tỉnh, khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các khu nuôi thủy sản lồng bè và các nhà bè.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương và các ngành liên quan kiểm tra phương án phòng chống lụt bão đã xây dựng; bố trí lực lượng, phương tiện thường trực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu và xử lý các tình huống khi có yêu cầu.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô cho biết: “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn. Trên địa bàn huyện Cô Tô có khoảng trên 200 tàu to nhỏ. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản tàu thuyền của bà con ngư dân đã có nơi neo đậu an toàn. Chậm nhất là 12h trưa nay 17/8, tất cả các tàu thuyền sẽ phải về nơi tránh trú.
Thời điểm hiện tại, tình hình thời tiết tại huyện đảo vẫn chưa có diễn biến bất thường. Gió và sóng biển vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi đã phân bố lực lượng bộ đội và nhân dân đang tiến hành gia cố một số tuyến đê có nguy cơ sạt lở bằng bao cát. Những công tác chuẩn bị khác như y tế, đội cứu hộ cứu nạn khi có tình huống khẩn cấp cũng đã được chúng tôi chuẩn bị sẵn sang”.
Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền; tổ chức neo đậu tàu, thuyền trong các khu trú tránh, di chuyển các lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn. Kiểm tra và có phương án bảo vệ các khu nuôi trồng thủy sản, cầu tàu, bến cảng, kho tàng, tàu vận tải, tàu du lịch, cơ sở đóng tàu.
Chủ động triển khai phương án sơ tán nhân dân ở các khu vực ven sông, ven biển, các khu nhà cũ xung yếu, khu du lịch biển; thực hiện các biện pháp bảo vệ các vị trí đê điều xung yếu, cửa khẩu qua đê, hồ đập, các công trình đang thi công dở dang; rà soát, có biện pháp gia cố, chằng chống bảo vệ các công trình công cộng, nhà ở, trường học, hệ thống điện, đường giao thông, cây xanh. Triển khai phương án tiêu nước phòng chống ngập úng, bảo vệ lúa và hoa màu.
Đến chiều tối 16/8, lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp kiểm đếm, thông báo vị trí, hướng di chuyển của bão và hướng dẫn 4.119 phương tiện, lồng bè với 13.480 lao động đang hoạt động và nuôi trồng hải sản trên khu vực biên giới biển của thành phố biết để chủ động di chuyển, tránh bão. Trong đó có 1.853 phương tiện với 5.728 lao động đang hoạt động trên biển.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Trung Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết: “Tại huyện đảo Cát Hải, biển lặng bất thường. Đây là dấu hiệu của bão sắp đổ bộ. Mọi công tác triển khai ứng phó với bão số 5, chúng tôi đang thực hiện theo công điện khẩn của Thủ tướng chính phủ và của UBND TP Hải Phòng. Tại huyện đảo có khoảng gần 200 tàu thuyền, cơ bản đã về nơi neo đâu. Số lồng bè cá của bà con ngư dân tại huyện đảo cũng đều trong khu vực an toàn. Các lực lượng cơ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp cũng đã được bố trí sẵn sàng”.