Cà Mau:

Bão Linda 20 năm trước là bài học đắt giá trong phòng chống thiên tai

(Dân trí) - Ngày 3/11, tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ tưởng niệm 20 năm đồng bào bị tử nạn trong cơn bão số 5 (bão Linda) năm 1997. Buổi lễ đã diễn ra trong không khí xúc động, tiếc thương những người đã ra đi vĩnh viễn trong cơn bão này.

Bão Linda 20 năm trước là bài học đắt giá trong phòng chống thiên tai - 1
Lễ thắp hương tại Bia tưởng niệm đồng bào bị tử nạn trong cơn bão số 5, tại xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Lễ thắp hương tại Bia tưởng niệm đồng bào bị tử nạn trong cơn bão số 5, tại xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Tham dự lễ tưởng niệm có đại diện lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), lãnh đạo tỉnh Cà Mau, cùng hàng trăm người dân có thân nhân bị tử nạn trong cơn bão số 5.

Các đại biểu và người dân dành phút tưởng niệm đồng bào bị tử nạn trong lễ tưởng niệm 20 năm bão số 5 năm 1997, tổ chức tại xã Khánh Hội, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) sáng ngày 3/11.
Các đại biểu và người dân dành phút tưởng niệm đồng bào bị tử nạn trong lễ tưởng niệm 20 năm bão số 5 năm 1997, tổ chức tại xã Khánh Hội, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) sáng ngày 3/11.

Mất mát không thể đo đếm được

Cơn bão số 5 (có tên quốc tế là bão Linda) đã quét qua vùng biển và đất liền các tỉnh Nam Bộ, khiến hơn 3.000 người chết và mất tích. Trong đó, Cà Mau là tỉnh chịu hậu quả nặng nề nhất, với 128 người chết, 1.164 người mất tích, chiếm 43% tổng số người chết và mất tích tại các tỉnh Nam Bộ.

Bên cạnh đó, cơn bão đã làm 601 người bị thương; sập và hư hỏng hơn 160.000 căn nhà; chìm và hư hỏng 666 tàu cá; thiệt hại 63.000 ha rừng, 77.000 ha sản xuất nông nghiệp và nhiều cơ sở vật chất khác. Tổng giá trị thiệt hại về vật chất tại tỉnh Cà Mau trên 2.700 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, đây là cơn bão lịch sử, lần đầu tiên đổ bộ vào tỉnh Cà Mau và có sức tàn phá dữ dội. Hàng ngàn người dân phút chốc trở thành trắng tay, gần 1.300 ngư dân bị chết và mất tích trên biển.

Bão Linda 20 năm trước là bài học đắt giá trong phòng chống thiên tai - 4
Rất nhiều thân nhân của người tử nạn bồi hồi dự lễ tưởng niệm.
Rất nhiều thân nhân của người tử nạn bồi hồi dự lễ tưởng niệm.

Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau khái quát, cơn bão đi qua đã để lại những hậu quả vô cùng to lớn, mất mát về người, thiệt hại về tài sản, hoạt động sản xuất bị xáo trộn, nhất là trong lĩnh vực khai thác thủy sản do thiếu trầm trọng nguồn lao động đi biển, kéo theo sự giảm sút của các ngành chế biến, dịch vụ và toàn ngành thủy sản lúc đó.

Hoạt động phát triển kinh tế, xã hội bị ngưng trệ, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, con mất cha, vợ mất chồng, mẹ mất con, nhà cửa, ruộng vườn hoang tàn, xơ xác cùng hàng loạt những hệ lụy khác phải khắc phục trong thời gian khá dài. Những đau thương, mất mát do cơn bão gây ra là rất lớn không thể đo đếm được, đặc biệt là thiệt hại về tính mạng của nhân dân.

Lễ tưởng niệm 20 năm đồng bào bị tử nạn trong cơn bão số 5 (bão Linda) tại Cà Mau.

Sau cơn bão, bằng sự nỗ lực vượt bậc trong việc huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả, nên chỉ trong một thời gian ngắn, sản xuất đã được khôi phục, sinh hoạt dần trở lại bình thường, tình hình kinh tế, xã hội từng bước ổn định và phát triển. Đến hôm nay, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội bị thiệt hại do cơn bão gây ra đã được khôi phục và được đầu tư phát triển gấp nhiều lần so với 20 năm trước.

“Ngày hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để tưởng niệm những người đã tử nạn vì thiên tai và cùng tiếp tục sẻ chia với những người còn ở lại. Chúng ta cùng thắp nén hương lòng, hứa với bà con ngư dân đã ra đi mãi mãi rằng sẽ quyết tâm thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản, không để tái diễn thảm cảnh đau thương, tang tóc phủ trùm lên ở nhiều địa phương, nhiều gia đình như thời điểm những ngày đầu tháng 11 năm 1997”, ông Sử nhấn mạnh.

Một phụ nữ bật khóc khi nhớ đến người thân đã không quay về sau cơn bão 20 năm trước.
Một phụ nữ bật khóc khi nhớ đến người thân đã không quay về sau cơn bão 20 năm trước.

Bà Lý Hồng Bằng (một người dân có thân nhân bị tử nạn trong bão số 5) chia sẻ tại buổi lễ tưởng niệm.

Hậu quả cơn bão là bài học đắt giá

Theo Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, với nhiều loại hình như bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông, bờ biển, dông, lốc xoáy,... có tần suất xuất hiện ngày càng dày đặc, diễn biến khó lường, gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng người dân.

Điển hình vừa qua là đợt nắng nóng và xâm nhập mặn kéo dài do hiện tượng Elnino cuối năm 2015, đầu năm 2016, đã làm thiệt hại gần 53.000 ha lúa, 158.000 ha thủy sản nuôi và 1.500 ha cây ăn quả; trên 43.000 ha rừng tràm bị khô hạn nghiêm trọng; đường giao thông bị sụp, lún, lở đất, hư hỏng trên 112 km; hơn 12.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng;... ước thiệt hại trên 1.412 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy liên tục xuất hiện và ảnh hưởng trực tiếp đến ngư trường khai thác hải sản của ngư dân, đã có không ít trường hợp ngư dân của tỉnh bị tai nạn trên biển do không theo dõi tình hình thời tiết, thiếu các trang thiết bị an toàn khi hoạt động trên biển.

Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử: Hậu quả của cơn bão số 5 năm 1997 là bài học đắt giá trong công tác phòng, chống thiên tai của địa phương.
Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử: Hậu quả của cơn bão số 5 năm 1997 là bài học đắt giá trong công tác phòng, chống thiên tai của địa phương.

“Với bài học đắt giá từ cơn bão số 5 năm 1997 và kinh nghiệm từ các vụ thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian gần đây, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân phải đề cao cảnh giác, sẵn sàng, chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra”, ông Lê văn sử nói.

Theo Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau, nếu khắc phục triệt để tư tưởng chủ quan, chủ động triển khai các giải pháp phòng, tránh thiên tai, tin chắc rằng thiên tai dù có xảy ra cũng không thể để lại những hậu quả đau lòng như cơn bão số 5 năm 1997.

Huỳnh Hải