1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

“Báo in bỏ lỡ cơ hội trở thành báo mạng hàng đầu”

Trên thế giới, các ông trùm báo chí đã “kết án” báo in khi cho ra đời hàng loạt phiên bản điện tử, khiến công chúng không bỏ tiền mua báo in nữa. Còn trong nước, nhà báo Dương Minh Việt cho rằng: Chỉ có câu chuyện báo in bỏ lỡ cơ hội thành báo mạng hàng đầu.

 
“Báo in bỏ lỡ cơ hội trở thành báo mạng hàng đầu” - 1

Nhà báo Dương Minh Việt - Nguyên trưởng ban điện tử & trưởng ban phóng viên báo điện tử Dân trí; Phó TGĐ VCCorp, một công ty phát triển nhiều sản phẩm internet như: Sannhac.com, Baamboo.com, Socvui.com, Socnhi.com, Linkhay.com, Enbac.com, Rongbay.com, i-pro.vn, Autopro.com.vn, Kenh14.vn, CafeF.vn .v.v.
 
Báo chí thế giới khủng hoảng, báo mạng trong nước tăng trưởng

 

Cùng với sự khủng hoảng của kinh tế toàn cầu, báo chí thế giới cũng gặp rất nhiều điêu đứng: Sụp đổ, sáp nhập, cắt giảm nhân viên... Còn thị trường báo chí Việt Nam gần đây thế nào, thưa ông?

 

Nhà báo Dương Minh Việt: Năm 2008, 5 tờ báo lớn nhất nước Mỹ đều sụt giảm lượng phát hành. NYTimes giảm 3.6%, Los Angeles Times giảm 5.2%, Daily News giảm 7.2%, NYPost giảm 6.3%, Washington Post giảm 1.9%. Năm 2008 còn chứng kiến nhiều vụ phá sản của báo chí Mỹ như các tập đoàn Tribune Company, Philadelphia Newspapers, Journal Register…

 

Ở VN, theo thông tin từ Cục Báo chí (Bộ TT&TT), đến tháng 5/2009 có 4 tờ báo xin ngừng hoạt động, 5 báo xin giảm kỳ, 6 báo xin giảm trang. Có báo lớn đã phải cắt giảm 20% lương nhân viên.

 

Nhiều nhật báo, tuần báo và tạp chí lớn đều sụt giảm phát hành, khoảng từ 10-50% so với thời kỳ đỉnh cao. Ngay như chính bản thân một người tiêu dùng như tôi, cách đây 2 năm vẫn mua khoảng 5-7 đầu báo/tuần, nhưng bây giờ thì chỉ còn mua 1 tạp chí/tháng.

 

Tuy vậy, báo mạng ở VN lại phát triển mạnh về quy mô sản phẩm và người dùng, tốc độ tăng trưởng vẫn đạt mức 30-50% trong năm vừa qua. Nhiều sản phẩm mới, được làm một cách nghiêm túc cũng khiến Internet góp phần làm sáng lên bức tranh truyền thông VN. Báo mạng VnExpress công bố doanh thu 7 triệu USD năm 2008 là một dấu hiệu tăng trưởng mạnh về kinh doanh của báo mạng trong bối cảnh khủng hoảng.

 

Tại sao báo mạng Việt Nam lại có được thành tích ngoạn mục đó?

 

Trước đây báo mạng VN mạnh chỉ có báo xã hội, tin tức thời sự. Gần đây báo mạng phát triển với nhiều ngách mới như báo giải trí, báo dành cho tuổi teen, báo tài chính, game, ô tô, việc làm, nội dung cho thiếu nhi, các trang tổng hợp tin tự động...

 

Lý do quan trọng là do sự “tăng trưởng tự nhiên” của số người dùng Internet. Số liệu của VNNIC cho biết VN đã đạt 21 triệu người dùng net, đây là một thị trường khổng lồ, đủ sức cạnh tranh ngay cả với truyền hình.

 

Dân số VN trẻ (người dưới 25 tuổi chiếm 50% dân số) và tỷ lệ lao động ngoài nông nghiệp trong nhóm trẻ là rất cao, công việc của các ngành lao động trí óc, dịch vụ tiếp cận Internet nhiều hơn. Internet có đặc thù, lợi thế riêng về phương tiện như tính tương tác, truyền thông đa phương tiện, tốc độ lan truyền nhanh... nên đáp ứng được những nhu cầu mà các phương tiện khác không thỏa mãn được.

 

Ngay cả trường hợp không tăng trưởng về lợi nhuận, Internet sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh về lượng người dùng. Tốc độ tăng trưởng người sử dụng Internet dự đoán năm 2009 từ 20% - 50% so với năm 2008.

 

Ngoài Internet còn phải kể đến truyền hình và radio. 5 năm qua là thời gian phát triển vượt bậc, với sự ra đời của nhiều chục kênh mới trên mọi phương diện kinh tế, giải trí, phim ảnh, thời sự, sức khỏe, thể thao... và nhiều đài truyền hình mới nổi lên rất mạnh mẽ.

 

Tuy nhiên truyền hình còn một số hạn chế như thiếu các phương tiện truyền thông phụ trợ (như các loại tạp chí TV Guide giúp đỡ người xem tivi). Radio mới đây có chương trình âm nhạc giải trí XoneFM nghe rất được.

 

Nguyên nhân sâu xa của sự phát triển một số loại hình báo chí Việt Nam trong lúc báo chí thế giới khủng hoảng nằm ở chỗ báo chí - truyền thông VN vẫn chưa phát triển một cách đầy đủ, chưa đạt đến quy mô và mức độ cạnh tranh cần phải có đối với một thị trường 80 triệu công chúng.

 

Có thể trong 1 - 2 năm nữa...

 

Trên thế giới, đặc biệt ở các nước phát triển, nhiều trang đang phải nghĩ tới việc thu phí độc giả trực tuyến vì nguồn quảng cáo sụt giảm thê thảm khiến họ không đủ khả năng kinh doanh.  Có phải sự tăng trưởng ổn định về người sử dụng Internet khiến cho quảng cáo trực tuyến trong nước vẫn nằm ngoài cơn suy thoái thế giới đó?

 

Nếu tình hình này cứ kéo dài, các báo mạng mạnh của VN có thể trụ được trong khủng hoảng 1-2 năm nữa - Nhà báo Dương Minh Việt

Khủng hoảng khiến các doanh nghiệp thắt chặt ngân sách chi tiêu, tuy nhiên nhu cầu quảng cáo thì vẫn còn, và người ta sẽ chuyển ngân sách sang các phương tiện quảng cáo giá rẻ hơn, ký các hợp đồng ngắn hạn hơn. Điều này rất phù hợp với Internet, bởi nó là phương tiện có các gói linh hoạt, độ phủ lớn còn giá thì rẻ hơn so với truyền hình và báo in. Nói cách khác, khủng hoảng sẽ diễn ra ở các nơi khác trước khi lan tới Internet.

 

Một lưu ý nữa là ngoài tốc độ tăng trưởng người dùng Internet ổn định, ở VN mới chỉ có 1 số ít báo mạng thành công, tức là chỉ có vài tờ báo đó là nơi tập trung doanh nghiệp lựa chọn mua quảng cáo. Ngân quỹ luân chuyển quảng cáo trực tuyến vẫn ít so với nhu cầu. Chính vì thế 1 số báo mạng VN như Dân trí trong năm nay thậm chí còn tiếp tục tăng giá quảng cáo.

 

Theo ông, việc thu phí báo mạng có khả thi không? Nói riêng ở Việt Nam, liệu trong tương lai có cần nghĩ tới việc đó và độc giả Việt Nam có chịu trả tiền để đọc các trang như VietNamNet, VnExpress, Dân trí... hay không?

 

Mô hình chuẩn vẫn là thu được phí từ người sử dụng dịch vụ. Miễn phí cũng không có gì sai, miến là cân đối được kinh doanh.

 

Có 1 thực tế là Internet đã quá kỳ vọng vào mô hình miễn phí để tăng trưởng về người dùng và từ đó tăng doanh thu quảng cáo trực tuyến, nhưng doanh thu quảng cáo đến nay vẫn chưa phải là câu trả lời.

 

Để thu tiền thì người cung cấp dịch vụ phải có một trong số các điều kiện: Sản phẩm có tính độc quyền, Kiểm soát/ tạo ra được kênh phân phối và ngữ cảnh sử dụng của người dùng cuối và có phương tiện thanh toán thuận lợi.

 

Có ít nhất 2 mô hình thu phí như sau mà các báo mạng VN áp dụng được: Một là miễn phí các nội dung phổ biến/ nội dung top hit, còn thu phí từ các nội dung chuyên sâu (như dữ liệu, báo cáo, dự báo, phân tích...).

 

Hai là các dịch vụ truyền thông liên quan đến lĩnh vực truyền thông của mình như tổ chức sự kiện, hội thảo, báo cáo… VnEconomy (Thời báo Kinh tế VN online) là ví dụ điển hình về sự thành công thu phí từ dịch vụ truyền thông cao gấp nhiều lần từ quảng cáo trực tuyến.

 

Thế thì thời điểm này, các tờ báo mạng trong nước nên làm gì để tận dụng “thời cơ” khủng hoảng?

 

Khủng hoảng là tai họa của kẻ yếu, nhưng lại là cơ hội cho kẻ mạnh chiếm thị trường. Đây lại là lúc để các báo có nguồn lực mạnh tái cấu trúc, đầu tư cho các sản phẩm dài hơi, chiếm các mảng thị trường mình còn thiếu hoặc yếu, tận dụng những nguồn lực dồi dào dư thừa do khủng hoảng để giảm chi phí.

 

Bỏ lỡ cơ hội cơ hội thành báo mạng hàng đầu

 

Trong cơn điêu đứng, các chuyên gia truyền thông thế giới kết luận nguyên nhân khiến báo in khủng hoảng là do họ đã “tự giết mình” khi cho ra đời phiên bản điện tử. Họ nói rằng không ai chịu bỏ tiền ra để mua báo in nếu biết có thể đọc nó miễn phí trên mạng. Có một phiên bản điện tử cũng là điều nằm trong “chiến lược” của báo in Việt Nam. Theo ông, liệu các tờ báo in lớn trong nước nên nhìn vào kết cục đó để “dừng lại khi còn chưa quá muộn”?

 

Tôi không nghĩ vậy. Nó có thể khiến tốc độ khủng hoảng của báo in nhanh hơn 1 chút, còn những nguyên nhân cốt lõi khiến báo in suy thoái nằm ở chỗ khác.

 

Nguyên nhân đầu tiên là chi phí sản xuất của báo in quá lớn, nhất là những chi phí ngoài nội dung. Hãy hình dung chi phí in ấn cho 1 tạp chí có thể bằng 200-300% chi phí làm nội dung. Chi phí in báo thường thấp hơn, nhưng cũng từ 100 - 200% chi phí nội dung.

 

Về doanh thu, phí phát hành đã chiếm từ 20-25% giá bán báo. Hoa hồng quảng cáo cắt lại cho đối tác cũng trung bình 20-30%, có những nơi hoa hồng còn có thể đến 50% hoặc hơn nữa. Báo ế cũng chiếm 10-30% lượng phát hành. Chưa kể dòng tiền thu về luôn chậm, tờ báo phải có ngân sách sản xuất lớn hơn rất nhiều lần chi phí cho từng kỳ báo, khiến các tờ báo ngắn vốn dễ rơi vào khủng hoảng tiền mặt. 

 

Báo chí, trước hết là công nghiệp bán tin, bán nội dung chứ không phải công nghiệp bán giấy. Việc lệ thuộc vào một phương tiện kém hiệu quả như in ấn khiến báo in khó cạnh tranh với các loại hình truyền thông khác - Nhà báo Dương Minh Việt

Báo chí, trước hết là công nghiệp bán tin, bán nội dung chứ không phải công nghiệp bán giấy. Việc lệ thuộc vào một phương tiện kém hiệu quả như in ấn khiến báo in khó cạnh tranh với các loại hình truyền thông khác.

 

Nguyên nhân thứ 2 là môi trường mạng phát triển quá mạnh, cuộc sống đời sống con người đã dịch chuyển đáng kể lên Internet. Trước đây người ta dùng net chủ yếu để check mail, nhưng bây giờ các công dân của kỷ nguyên số đã lên mạng để làm việc, tìm kiếm, mua bán, giải trí, kết bạn, tán chuyện, blogging, đọc tin tức, chơi game... 21 triệu người VN đã sử dụng Internet. Báo mạng thừa hưởng lợi thế này từ sự phát triển của xã hội.

 

Nguyên nhân thứ 3 là sự lớn nhanh bất ngờ của các báo trực tuyến độc lập khiến vai trò của các báo in lớn bị giảm sút mạnh. Các trang tin tức trực tuyến lớn nhất trên thế giới đều không phải xuất phát từ báo in. Ba báo mạng lớn ở VN là VietNamNet, VnExpress, Dân trí đều là các báo độc lập, tự sản xuất phần lớn nội dung (trong top 10 báo mạng VN hiện nay cũng không có báo nào là bản online của báo giấy).

 

Tổng truy cập của 3 báo lớn trên ước tính vào khoảng 4,5-5 triệu lượt người khác nhau vào xem/ ngày. Còn lượng người vào bản online của các báo giấy lớn nhất hiện nay như Tuổi trẻ, Thanh Niên chỉ vào khoảng trên dưới 300.000 người.

 

Như vậy là ông vẫn khuyên kể cả giai đoạn này các tờ báo in nên cho ra đời và đầu tư cho phiên bản điện tử?

 

Đúng vậy. Internet là sự tiến hóa của truyền thông, với các đặc tính vượt trội báo in như tốc độ thông tin, khả năng truyền thông đa phương tiện, tính tương tác, dung lượng thông tin, tốc độ lan truyền trong công chúng ...v.v. Nếu bạn chỉ theo đuổi việc bán giấy, thì không cần nghĩ đến Internet. Nhưng nếu bạn theo đuổi ngành công nghiệp thông tin, thì Internet là một hướng quan trọng của hiện tại và tương lai.

 

Các báo in hàng đầu của VN đã bỏ lỡ cơ hội để trở thành các báo mạng hàng đầu. Với xu hướng đang lên của “social media” (truyền thông xã hội), các báo in sẽ còn bị bỏ xa hơn nữa.

 

Có tới mức biến mất không thưa ông?

 

Tất nhiên nói như vậy không phải là báo in sẽ chết. Còn rất nhiều ngữ cảnh mà báo in vẫn đang nắm lợi thế. Thị trường nông thôn với gần 80% dân số VN là một khoảng trống mênh mông ít báo in khai thác.

 

Rất nhiều môi trường mà máy tính, Internet, truyền hình không hiện diện được hoặc hiện diện với ưu thế thấp (như các môi trường lao động ngoài văn phòng, lao động trong nhà máy, lao động nông nghiệp, các ngành phục vụ, những người hay di chuyển...), thì việc cầm 1 tờ báo in và có thể chủ động đọc tin tức trong thời gian mình muốn rõ ràng vẫn là 1 lựa chọn tốt.

 

Cảm ơn ông rất nhiều!

 

Theo Nguyên Nhung

VietNamNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm