"Báo hóa" tạp chí là vấn đề gây dư luận xấu trong xã hội
(Dân trí) - Theo ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, việc xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử đã đạt được kết quả cụ thể nhưng vẫn còn là vấn đề gây dư luận xấu trong xã hội.
Sáng 24/12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Kinh tế báo chí tiếp tục gặp nhiều khó khăn
Trình bày báo cáo công tác báo chí năm 2021 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong năm 2021, kinh tế báo chí tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, cùng với sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.
Năm 2021, về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; là diễn đàn tin cậy của nhân dân; báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.
Theo ông Trần Thanh Lâm, báo chí đã tuyên truyền nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, hiệu quả về Đại hội XIII của Đảng và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 rất rõ nét, kịp thời, công bằng, phù hợp…
Tuy nhiên, trong năm 2021, công tác quản lý, hoạt động báo chí vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Cụ thể, việc cung cấp thông tin của cơ quan chỉ đạo, quản lý, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn lúng túng, chưa kịp thời, thiếu thống nhất gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền trên báo chí.
Việc xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là đối với các tạp chí điện tử trực thuộc hội đã đạt được kết quả cụ thể nhưng đây vẫn còn là vấn đề gây dư luận xấu trong xã hội và báo giới.
Về phía cơ quan chủ quản, sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản trong công tác báo chí có lúc, có nơi còn chưa chủ động, kịp thời. Một số cơ quan báo chí có những vi phạm nghiêm trọng, đã được nhắc nhở, phê bình, đề nghị cơ quan chủ quản làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và các cá nhân liên quan nhưng cơ quan chủ quản thiếu quyết liệt chấn chỉnh, xử lý kỷ luật hoặc xử lý không nghiêm.
Một số cơ quan báo chí hoạt động xa rời, không bám sát tôn chỉ, mục đích; xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử không đều, thiếu liên tục và bền vững gây dư luận xấu trong xã hội.
Vẫn còn tình trạng phóng viên tham gia mạng xã hội có những phát biểu, bài viết về một số vấn đề nóng, vụ việc tiêu cực trái quan điểm chỉ đạo, có xu hướng kích động, gây rối nhiễu dư luận.
"Tổng kiểm tra sức khỏe" đối với hệ thống báo chí
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 theo Quyết định số 362 của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đúng tiến độ, đúng quy định, có kết quả bước đầu tích cực, tạo tiền đề cho giai đoạn 2.
Đối với các cơ quan báo chí in, báo điện tử, đến nay, việc sắp xếp đã cơ bản hoàn thành tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương. Hệ thống báo chí có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu, cách thức thông tin, thể hiện sự phân vai giữa báo và tạp chí.
Về rà soát, cấp lại giấy phép hoạt động báo chí thực hiện quy hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản đề nghị các cơ quan chủ quản thực hiện trách nhiệm theo quy định Luật Báo chí, rà soát về cơ cấu tổ chức, kinh tế báo chí, các nội dung liên quan hoạt động báo chí; đánh giá việc thực hiện quy định của Luật Báo chí của cơ quan báo chí trực thuộc; từ đó, đề xuất, kiến nghị về việc cấp lại giấy phép đối với các cơ quan báo chí xét thấy cần thiết và đủ điều kiện hoạt động.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương rà soát điều kiện hoạt động báo chí, trong đó có điều kiện về người đứng đầu cơ quan báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xem xét, cấp lại giấy phép hoạt động báo chí cho hơn 130 cơ quan báo chí, trong đó có một số cơ quan báo chí được cấp lại giấy phép cùng với cấp phép thực hiện thêm loại hình điện tử.
Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, quá trình thực hiện quy hoạch báo chí cũng có thể được coi như một đợt "tổng kiểm tra sức khỏe" đối với hệ thống báo chí từ nhiều góc độ như cơ cấu tổ chức, hoạt động chuyên môn, kinh tế báo chí... Qua đó nắm bắt thêm những vấn đề tồn tại trong chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tôn chỉ mục đích của từng cơ quan báo chí.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết, trên thực tế, hoạt động của một số cơ quan báo chí được cấp phép sau khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi mô hình vẫn còn có những bất cập, điển hình như: vẫn còn tình trạng kiểm soát thiếu chặt chẽ đối với việc đăng, sửa, xóa tin, bài trên báo, tạp chí điện tử hoặc trên chuyên trang, ấn phẩm của cơ quan báo chí.
Một số tạp chí được cấp phép hoạt động tạp chí khoa học nhưng thực tế sử dụng giấy phép hoạt động báo chí, thẻ nhà báo để hoạt động tác nghiệp có dấu hiệu vượt quá thẩm quyền như: Cấp giấy giới thiệu, sử dụng thẻ nhà báo để đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cung cấp tin tức về những vấn đề không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép, đề nghị cung cấp toàn bộ tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; gây sức ép bằng cách liên tục gọi điện, nhắn tin…
Có tạp chí chỉ thực hiện loại hình in, số lượng phát hành ít nhưng hoạt động thu thập thông tin kiểu trên thường xuyên lấy cớ là nghiên cứu khoa học, không phân biệt hoạt động tác nghiệp báo chí và hoạt động nghiên cứu khoa học.