Bảo hiểm xã hội bị nợ gần 6.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Theo báo cáo thống kê đến tháng 6/2013, các doanh nghiệp còn nợ đọng khoảng 6.000 tỷ đồng đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH). Cả nước có trên 10,4 triệu người lao động tham gia BHXH.
Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt ra mục tiêu 50% lực lượng lao động (LĐ) tham gia BHXH. Mục tiêu này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đồng thời cũng là đảm bảo an sinh xã hội ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, theo thống kê của Bảo hiểm Việt Nam, hiện nay tình trạng trốn đóng BHXH cho người lao động vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là tại khối doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ. Theo báo cáo thống kê đến tháng 6/2013, các DN còn nợ đọng khoảng 6.000 tỷ đồng, trên cả nước mới đạt khoảng 10,4 triệu LĐ tham gia BHXH; thực tế hiện tại mới đạt 20% số người LĐ tham gia bảo hiểm trên cả nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, để đạt mục tiêu Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2020 cần phải thực hiện rất nhiều giải pháp tích cực. Cụ thể, tới đây, khi sửa Luật BHXH, cần nới rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc và cần có cơ chế để các đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện một cách tốt hơn. Cùng đó, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần hoặc mở trần người tham gia bảo hiểm tự nguyện sẽ không hạn hẹp về tuổi, nghĩa là có đóng có hưởng. Cùng đó, cần có thêm những chế tài xử lý nghiêm đối với những DN không tham gia đóng bảo hiêm cho người LĐ. Đối với những DN thực sự khó khăn thì có thể báo cáo lên cơ quan chủ quản để chia sẻ, tháo gỡ. Nhưng nếu DN cố tình dây dưa, trốn trách nhiệm không đóng bảo hiểm cho người LĐ, Bộ kiến nghị sẽ quy thành trách nhiệm hình sự để xử lý.
Về Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 1/5/2013 Bộ (với 242 điều - phần nội dung rất lớn để thi hành), Bộ trưởng Chuyền cho biết, đến nay Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ 9 nghị định hướng dẫn và hiện đang xây dựng các thông tư để triển khai thực hiện, bởi trong quá trình thực hiện, đã bắt đầu phát sinh một số điều chưa hợp lý. Do đó, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục trình Chính phủ ban hành thêm 7 nghị định để điều chỉnh những vấn đề phát sinh từ thực tiễn áp dụng trong quá trình áp dụng.
Phạm Thanh