1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kết thúc đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH:

Báo động về gian lận bằng điện thoại di động

(Dân trí) - Kết thúc đợt 1 kỳ thi tuyển sinh, có 167 thí sinh và 9 giám thị bị đình chỉ. Trong đó có tới 24 thí sinh <a href="http://www5.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/7/127561.vip">sử dụng điện thoại di động</a> để nghe lời giải. Ngay tại các trường thuộc Bộ Công an cũng xảy ra hiện tượng gian lận kiểu này.

Xử lý kỷ luật 252 thí sinh, 23 giám thị

 

Trong hai ngày thi khối A môn Toán, Lý, Hoá vào mồng 4 và 5/7/2006, có 84 trường ĐH, Học viện trong toàn quốc tổ chức tuyển sinh với sự tham gia của 490.599 thí sinh. Số thí sinh dự thi so với số hồ sơ dự thi đạt tỷ lệ đạt 72,23% (thấp hơn 2,11% so với năm 2005).

 

Tổng kết hai ngày thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết: “Hội đồng tuyển sinh các trường đã thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra thí sinh mang tài liệu và phương tiện thông tin vào khu vực thi và phòng thi, đặc biệt đã phát hiện và xử lý những thí sinh mang theo điện thoại di động vào phòng thi hoặc sử dụng trong thời gian làm bài thi”.

 

Theo đó, số thí sinh bị xử lý kỷ luật là 252, trong đó khiển trách 59, cảnh cáo 26, đình chỉ 167. Một số trường hợp làm giấy báo thi giả đã bị phát hiện, 1 của trường ĐH Nông lâm TPHCM, 1 của trường ĐH Mỏ Địa chất và 1 của ĐH Bách khoa TPHCM.

 

Có 6 thí sinh đến muộn quá 15 phút không được dự thi; 2 thí sinh bị ốm phải chăm sóc y tế nhưng vẫn được thi (1 của ĐH Quy Nhơn và 1 của ĐH An Giang) và 3 thí sinh phải cấp cứu không dự thi được, 2 Học viện Ngân hàng và 1 ĐH An Giang.

 

Riêng cán bộ coi thi, có 12 trường hợp bị khiển trách, 2 trường hợp bị cảnh cáo, 9 trường hợp bị đình chỉ coi thi. ĐH Bách Khoa có 6 giám thị bị kỷ luật, trong đó có 4 vị mang theo điện thoại di động. ĐH Thương mại có 6 trường hợp bị đình chỉ công tác coi thi.

 

Tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, một giám thị ký nhầm vào ô cán bộ chấm thi. Tại ĐH Luật Hà Nội, 2 giám thị đã bị cảnh cáo vì để cho thí sinh trao đổi bài.

 

Ngày 3/7 là ngày làm thủ tục dự thi đã có ách tắc giao thông kéo dài tại một số tuyến đường Hà Nội và TPHCM nhưng trong hai ngày thi sau không có ách tắc giao thông; việc cung cấp điện nước ổn định, thông tin liên lạc thông suốt. Các đội thanh niên tình nguyện đã phát huy tác dụng tốt trong việc hướng dẫn, giúp đỡ và bảo đảm trật tự tại các điểm thi.

 

Đề thi: Hay nhưng khó!

 

Năm nay có khoảng 25.000 học sinh tốt nghiệp THPT phân ban thí điểm dự thi tuyển sinh cùng với học sinh không phân ban, do đó việc biên soạn đề thi khó hơn các năm trước. Đề thi dài hơn và phải có hai phần: phần bắt buộc đối với tất cả thí sinh; phần tự chọn được biên soạn theo chương trình phân ban và không phân ban.

 

Theo báo cáo của Hội đồng tuyển sinh các trường và phản ánh của dư luận, đề thi 3 môn Toán, Lý, Hoá chưa phát hiện có sai sót, bảo đảm an toàn, bí mật tuyệt đối. Nội dung đề thi bám sát chương trình, đảm bảo yêu cầu chung của đề thi tuyển sinh đại học và có câu khó để phân loại thí sinh.

 

Nhiều thí sinh cũng cho rằng đề hay nhưng khó quá, đặc biệt là đề Lý, vừa dài vừa khó. Sau buổi thi môn Lý, chỉ tính cộng ở một vài trường như Học viện Ngân hàng, ĐH Thương mại, ĐH Xây dựng, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Giao thông, ĐH Nông lâm TPHCM... số thí sinh bỏ thi đã lên tới hàng nghìn.

 

“Nhìn chung chung, đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH đã kết thúc trong trật tự, an toàn. Đến giờ phút này, chúng tôi chưa hề nhận được thông tin thắc mắc gì về kỳ thi” - Thứ trưởng Long cho biết.

 

Tuy nhiên, cũng theo ông Long, trong đợt thi này có nhiều thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi, vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Bộ GD-ĐT đã khẩn trương chỉ đạo Hội đồng thi các trường nhắc cán bộ coi thi đi kiểm tra, ngăn chặn và đình chỉ ngay những vi phạm này.

 

Minh Hạnh