Cha, con và giấy báo thi... giả

Ông nhìn đứa con mình với gương mặt thất thần, hụt hẫng và không tin đó là sự thật. Thật khó mà diễn tả cảm xúc của người cha lúc ấy: vừa muốn đánh con, vừa như muốn buông xuôi.

Dường như ông không còn đủ sức phân định trước một sự việc đầy bất ngờ đang diễn ra trước mắt mình. Với ông, dù có nằm mơ cũng không nghĩ ra được chuyện này...

 

Buổi sáng thi môn đầu tiên, như bao phụ huynh khác ông đưa con mình đến Trường ĐH Công nghiệp TPHCM để dự thi thật sớm. Và hai cha con ông đến Trường ĐH Công nghiệp theo địa chỉ ghi trên giấy báo thi: “Quận 1 - đường Huỳnh Thúc Kháng - TPHCM”.

 

Nhưng không có trường nào ở địa chỉ như thế. Cuối cùng, một anh xe ôm thạo đường đã chở hai cha con ông đến Trường ĐH Công nghiệp “thật” ở số 12 Nguyễn Văn Bảo, quận Gò Vấp.

 

Đến nơi, chỉ cần nhìn qua giấy báo dự thi, các cán bộ coi thi đã không cho con ông vào phòng thi vì chắc chắn đó là giấy báo thi giả. Đó là một tờ giấy báo thi không hề có hình ảnh, không có con dấu, trong khi số báo danh lại rất... đẹp: “TLD 111116”.

 

Còn nước còn tát, chỉ mong muốn một điều là con mình được vào phòng thi, ông đã khẩn khoản nhờ các cán bộ coi thi giúp đỡ. Thế rồi hai cha con ông tất tả về quận 3, nơi bộ phận tuyển sinh của Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM để cầu cứu.

 

“Tôi cũng nghi lắm, vì giấy báo thi của bạn bè nó đều có hình ảnh và con dấu, đằng này nó lại không có!”. Người cha nói thế, còn đứa con vẫn khăng khăng: “Con nộp hồ sơ tại phòng giáo dục huyện!”. Đến khi một cán bộ gọi điện ra tận Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh để tìm hiểu và nghe được lời cam đoan chắc nịch: “Cả tỉnh tôi không có ai nộp hồ sơ vào ĐH Công nghiệp cả!” thì thí sinh này mới cúi gằm mặt...

 

Mọi người đều nhìn ông đầy thương cảm và ái ngại cho một người cha vất vả vì con. Tất cả trong nháy mắt đã tước mất sự kỳ vọng lớn lao của người cha - sự kỳ vọng mà bất kỳ bậc sinh thành nào cũng hướng đến: mong con ăn học thành đạt. Quãng đường từ Bắc Ninh vào TPHCM quả là xa xôi và vất vả; nhưng dường như những gì đã trải qua đối với ông vẫn không đau đớn bằng nỗi thất vọng ghê gớm hôm nay.

 

Có thể vì một áp lực nào đó con ông đã bày ra chuyện trớ trêu kia, cũng có thể con ông chính là nạn nhân của một trò lừa... Chính vì thế mà mọi người có mặt đều khuyên ông không nên đánh con, hãy cho con mình một cơ hội, cơ hội để nhận ra lỗi lầm và sửa chữa...

 

Ông lại lầm lũi đưa con trở về quê. Và chắc hẳn ông cũng mong sẽ có một giấc mơ đẹp khác vào năm sau như những lời chia sẻ kia, nhưng trước khi giấc mơ ấy đến, có lẽ đêm nay ông không thể nào chợp mắt...

 

Theo Nguyễn Phan
Tuổi Trẻ