1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Báo động hoá chất, kháng sinh trong hải sản

Chợ Bình Điền là đầu mối duy nhất của TPHCM cung ứng cá biển cho toàn TP và các địa phương lân cận. Qua kiểm tra có đến 54% số lượng mẫu thuỷ sản biển từ chợ này chứa dư lượng hoá chất, kháng sinh, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người...

Tràn lan cá biển ướp hoá chất

 

Mới đây nhất, từ tháng 5/2007, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (CCQLTS) TPHCM đã triển khai kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuỷ sản tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền. Kết quả, thuỷ sản tại chợ Bình Điền chứa đầy hoá chất.

 

Cụ thể, qua 3 lần lấy 110 mẫu (cá, mực...) được khai thác từ biển và nuôi trồng, CCQLTS đã phát hiện 42 mẫu nhiễm phân urê và 20 mẫu nhiễm chất kháng sinh chloramphenicol (CAP).

 

Ông Đặng Ái Việt - Chi cục trưởng CCQLTS TPHCM - cảnh báo: “Đây là kết quả đáng báo động. Qua đó cho thấy hiện tượng ướp thuỷ sản, bơm kháng sinh vào thuỷ sản đang ngày một phổ biến”.

 

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Tiến - phụ trách Tổ kiểm soát an toàn thuỷ sản và thú y thuỷ sản -thì: “Mức urê và CAP, qua từng đợt kiểm tra, chúng tôi đều phát hiện có dư lượng với tỉ lệ đợt sau cao hơn đợt trước. Có thể nói, tất cả các thuỷ sản khai thác từ biển đang có xu hướng phổ biến dùng urê và CAP để muối ướp, bảo quản”.

 

Việc kiểm soát ở... ngoài tầm tay

 

Chợ Bình Điền, với 217 hộ kinh doanh thuỷ sản, là chợ kinh doanh đầu mối thuỷ sản duy nhất, đứng đầu TPHCM. Thế nhưng, TPHCM chỉ đáp ứng có 10% số lượng thuỷ sản bán ra tại chợ Bình Điền, còn lại 90% phải nhập về từ các địa phương khác. Mỗi đêm, số lượng cá biển đổ về từ 200 - 250 tấn, cá đồng khoảng 150 tấn, nghêu-sò từ 30-40 tấn... Từ đây, thuỷ sản mới toả đi 300 chợ lớn, nhỏ khác phục vụ người dân TP. Chưa kể, một số lượng lớn được các thương lái đưa về bán tại các địa phương lân cận.

Ông Tiến cho biết thêm: “CCQLTS kiểm soát rất chặt chẽ chợ đầu mối thuỷ sản Bình Điền. Chúng tôi không phát hiện những người kinh doanh ở chợ sử dụng urê, CAP để muối ướp, bảo quản sản phẩm. Hơn nữa, bản thân tiểu thương bán cá, họ không biết trong cá có urê, tạp chất... Như vậy, chỉ có thể xuất phát từ người khai thác, đánh bắt trên biển, hay tại một khâu nào đó như vận chuyển, mua bán, trữ lạnh... tại các địa phương, trước khi thuỷ sản nhập vào chợ Bình Điền TPHCM”.

 

Đến nay, việc phát hiện, ngăn chặn tận gốc hành vi đó, vẫn nằm ngoài... tầm kiểm soát của CCQLTS TPHCM. Nói như ông Đặng Ái Việt, “trách nhiệm của chúng tôi là phát hiện ở phần ngọn, còn việc ngăn chặn từ gốc, nhất thiết phải có sự cộng tác, hợp lực của mọi người, các địa phương khai thác thuỷ sản”.

 

Hơn nữa, quy trình phát hiện dư lượng kháng sinh để lấy cơ sở xử lý sai phạm quá nhiêu khê và không khả thi. “Thời gian lấy mẫu, chờ kết quả phân tích dư lượng, phải 10 ngày sau mới có; trong khi hàng hoá, người ta đã tiêu thụ hết trọi trong ngày, làm sao xử lý được? Còn test nhanh, kết quả lại không có tính pháp lý”.

 

Ông Ngô Tiến Dũng - Phó phòng Kế hoạch kinh doanh chợ Bình Điền - phát biểu: “Chợ Bình Điền chúng tôi rất muốn xây dựng cho mình một thương hiệu về thuỷ sản sạch. Bởi vậy, việc thuỷ sản nhiễm kháng sinh, hoá chất từ các địa phương đổ về là ngoài tầm tay”.

 

Theo Cao Hùng

Lao Động