Thanh Hoá:
Báo động biển xâm thực đất liền
Từ tháng 4/2005 đến nay 15.000m2 đất liền của xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hoá) đã bị nhấn chìm xuống biển. Hơn 100 hộ dân xã này cũng đang đứng trước nguy cơ mất nhà cửa bởi nước biển ập vào.
Tại một địa phương khác: Tuyến đê biển Ninh Phú dài hơn 3.600m thuộc địa bàn xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền gần 100m. Biển đang là một ẩn hoạ đối với sự sống của con người, nếu chúng ta không có biện pháp khắc phục.
Ẩn hoạ của biển
Sáng ngày 26/6, khi chúng tôi có mặt tại xã Quảng Cư thì ngôi nhà của gia đình ông Vũ Đình Đới ở thôn Quang Vinh đang đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm xuống biển.
Ông Đới nói: "Mới hơn một tuần trước, mép nước biển còn cách nhà tới 10m, nay mép nước đã xói sát vào chân móng nhà tôi rồi". Cứ đà này, không lâu nữa, ngôi nhà có 5 nhân khẩu đang sinh sống sẽ bị trôi ra biển khơi vĩnh viễn.
Không riêng gì gia đình ông Đới, hơn 100 hộ dân khác của xã Quảng Cư, 300ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trên chiều dài 4km cũng đang đứng trước nguy cơ bị vùi sâu vào lòng biển khơi. Theo tính toán của người dân biển thì cứ đến mỗi tuần trăng, những con nước lớn lại ập dữ dội vào bờ cát, biển lại tiếp tục tiến sâu vào đất liền thêm 5-7m nữa.
Chủ tịch UBND xã Quảng Cư - ông Vũ Đình Dinh tỏ ra lo lắng: Chiều dài dọc bờ biển khoảng 4km thuộc khu du lịch sinh thái xã Quảng Cư trong thời gian từ đầu tháng 4.2005 tới nay đã bị biển xâm thực nghiêm trọng.
Tổng diện tích bề mặt đất liền bị chìm xuống biển là 15.000m2, chiều sâu bị biển lấn vào là 15m. Nếu tính từ năm 2003 đến nay thì diện tích đất tự nhiên của xã đã bị biển xâm thực lên tới 80.000m2.
Ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, nước biển xâm thực đã làm sạt lở nghiêm trọng tuyến đê Ninh Phú với chiều dài 3km. Trong 3 năm gần đây, trên tuyến đê Ninh Phú, bình quân mỗi năm, nước biển lấn sâu vào đất liền gần 100m.
Đê biển cũ đã hoàn toàn biến mất, biển đã xâm thực sát khu dân cư và đồng ruộng. Hơn 60.000 dân thuộc các xã ven biển của huyện Hậu Lộc đang đứng trước những thách thức lớn của thiên nhiên khi mùa mưa bão tới gần.
Các địa phương bất lực
Tuyến đê biển Ninh Phú, tỉnh Thanh Hoá và huyện Hậu Lộc đã phối hợp thực hiện nhiều biện pháp khắc phục nhưng không mang lại hiệu quả. Ơ thời điểm này, sự cố vỡ đê, nước mặn tràn vào đồng ruộng ảnh hưởng đến tính mạng và mùa màng của nhân dân huyện Hậu Lộc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Uỷ ban Phòng chống lụt bão T.Ư đã xác định, đê Ninh Phú thuộc xã Đa Lộc là một trong những "điểm nóng" của mùa mưa bão năm nay. Và trong buổi thị sát mới đây (22.6), đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Phạm Hồng Giang dẫn đầu đã có kế hoạch khắc phục sự cố đê Ninh Phú.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là biện pháp tình thế. Trước mắt sẽ xử lý đoạn xung yếu nhất với chiều dài khoảng 500m. Sau khi thị sát về, Bộ NNPTNT sẽ có phương án cụ thể để xử lý phần đê còn lại.
Về hiện tượng sạt lở bờ biển thuộc địa bàn xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, được biết cách đây 10 năm đã có một đoàn cán bộ thuộc Viện Hải dương học tới nghiên cứu hiện tượng biển xâm lấn đất liền, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận.
Ông Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn - tiết lộ: "UBND thị xã Sầm Sơn đã giao cho Phòng Nông nghiệp lập dự án đắp đê bao cho khu vực bị xói lở do nước biển xâm thực với chiều dài 2km. Dự toán tổng kinh phí đầu tư khoảng 4-5 tỉ đồng. Chúng tôi đã đấu mối cùng Sở NNPTNT và Sở Thuỷ sản để xin nguồn vốn. Nhưng bao giờ có được nguồn vốn để tiến hành thi công đê bao, chúng tôi cũng không thể tự quyết định được".
Tỉnh Thanh Hoá cần có những giải pháp thuyết phục và kịp thời hơn, tránh thiệt hại nặng nề cho người dân khi có thiên tai xảy ra.
Theo Lao động