Bảo đảm quyền bình đẳng cho trẻ khuyết tật
(Dân trí) - Trẻ khuyết tật nói chung và trẻ khuyết tật ở Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi hòa nhập vào cộng đồng như bị xã hội kỳ thị, ít có cơ hội được đến trường, không đươc chăm sóc y tế đầy đủ, nguy cơ bị bao lực.
Trẻ khuyết tật cần được quan tâm hơn để phát huy tiềm năng của bản thân và đóng góp lợi ích cho xã hội. (Trong ảnh: Trẻ khuyết tật tại Trung tâm chăm sóc ban ngày tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng được cô giáo hướng dẫn tham gia hoạt động hòa nhập cộng đồng)
Nguyên nhân khuyết tật phổ biến nhất là khiếm khuyết bẩm sinh bao gồm khuyết tật về vận động (29%), thiểu năng trí tuệ và khiếm thính (17%).
Trẻ khuyết tật phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Các em bị kỳ thị và phân biệt đối xử và thường ít có cơ hội tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, giáo dục và các dịch vụ công cộng khác.
Một báo cáo do Quỹ Nhi đồng của Liên hiệp quốc (UNICEF) và Bộ LĐ-TB&XH phối hợp thực hiện năm 2004 cho thấy chỉ có 30% trẻ khuyết tật được hỗ trợ tài chính thông qua trợ cấp giáo dục và miễn phí dịch vụ y tế,…. Có tới 54% trẻ khuyết tật cho biết các em không có bạn bè.
Trẻ khuyết tật cũng ít có cơ hội đến trường. Theo số liệu điều tra dân số năm 2009, chỉ 66.5% trẻ khuyết tật trong độ tuổi tiểu học được đến trường, so với mức bình quân của trẻ em toàn quốc là 97%. Tỷ lệ biết chữ ở người khuyết tất trong độ tuổi từ 15 đến 24 là 69.1%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ biết chữ của người không bị khuyết tật ((97.1%).
Các cơ sở chăm sóc ở Việt Nam vẫn chưa được trang bị tốt để chăm sóc cho trẻ khuyết tật. Nước ta còn thiếu các chuyên gia được đào tạo như cán bộ xã hội, cũng như thiếu các dịch vụ hỗ trợ dựa vào cộng đồng. Hệ thống hiện hành chủ yếu tập trung vào chăm sóc tại các cơ sở tập trung và trẻ khuyết tật chiếm đại đa số trong 20.000 trẻ em sống tại các cơ sở chăm sóc.
Trong khi đó, số liệu về người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng ở Việt Nam còn chưa nhất quán giữa các bộ ngành do chưa có một tiêu chí đánh giá khuyết tật đồng nhất. Điều này dẫn đến sự chưa hoàn thiện trong việc hoạch định các chính sách về hỗ trợ, chăm sóc và bảo vệ trẻ khuyết tật ở nước ta.
Báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới năm 2013 với chủ đề Trẻ em Khuyết tật của UNICEF được công bố chiều nay 30/5 tại thành phố Đà Nẵng cho thấy quan tâm đến những khả năng và tiềm năng của trẻ khuyết tật sẽ tạo ra lợi ích cho toàn xã hội.
Khoảng 1/3 các quốc gia trên thế giới vẫn chưa phê chuẩn Công ước về Quyền của người khuyết tật. Báo cáo kêu gọi các Chính phủ phê chuẩn và thực hiện Công ước về Quyền của Người khuyết tật và Công ước Quyền Trẻ em, và có những hỗ trợ cho các gia đình để họ có thể đáp ứng được các chi phí thường cao hơn mức bình thường trong chăm sóc trẻ em khuyết tật.
Phát biểu tại lễ công bố, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho biết: “Trong nỗ lực chung, Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho đối tượng trẻ em thiệt thòi và nhất là trẻ em khuyết tật. Ở Việt Nam có hơn 1,2 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó có nhiều trẻ em khuyết tật do hậu quả và di chứng của chiến tranh, nhất là nhiễm chất độc hóa học và bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh. Đây là thách thức lớn đối với Việt Nam trong nổ lực bảo đảm các quyền trẻ em đối với trẻ khuyết tật và giúp các em hòa nhập vào đời sống.
Hỗ trợ chăm sóc trẻ khuyết tật ở Đà Nẵng Là một trong ba điểm nóng về chất độc da cam ở Việt Nam, thành phố Đà Nẵng có tới 16.011 người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng, trong đó 2.114 trường hợp là trẻ em. Với sự tài trợ của tổ chức UNICEF, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Đà Nẵng (DAVA) đã thành lập Trung tâm chăm sóc ban ngày từ năm 2005. Với ba cơ sở, trung tâm này đang nhận chăm sóc 150 trẻ em khuyết tật nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc cơ bản, giáo dục, đào tạo nghề và phục hồi chức năng cho trẻ. Trẻ em khiếm thính được hỗ trợ luyện khả năng nghe tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo duc Hòa nhập tại Đà Nẵng Từ năm 2008, UNICEF cũng hỗ trợ kỹ thuật và ngân sách để xây dựng Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo duc Hòa nhập tại Đà Nẵng. Hoạt động từ tháng 4 năm 2011, trung tâm này đã hỗ trợ miễn phí cho 250 trẻ khuyết tật trên thành phố năm 2012, trong đó 170 trẻ được tham gia các lớp học chuyên biệt và 80 trẻ được tư vấn hỗ trợ học nghề, hòa nhập và can thiệp cá nhân…. |
Khánh Hồng - Thảo Nguyên