1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Báo chí và những trăn trở “nghiệp”, “nghề”

(Dân trí) - Kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền, xây dựng chính sách, những vui buồn nghề nghiệp trong chính làng báo về hiện tượng “đạo báo”… là những chia sẻ thẳng thắn tâm huyết của lãnh đạo nhiều cơ quan báo đài trong Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc 2013.

Ngày 19/3, Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2013 do Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Thông tin-Truyền thông và Hội nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội.
 
Báo chí và nhiệm vụ của “năm bản lề” 2013
 
Hội nghị nghe Báo cáo tổng hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin-Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam về tình hình công tác báo chí năm 2012, một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2013; nghe các tham luận của đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí cả nước.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhận định, năm 2012, trong bối cảnh đất nước vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, báo chí và những người làm báo cách mạng đã có những đóng góp rất quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

“Báo chí tiếp tục phát huy vai trò tích cực góp phần vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Báo chí đấu tranh hiệu quả phản bác thông tin và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cơ quan báo chí tăng cường triển khai công tác thông tin, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển đất nước…” – ông Lê Hồng Anh khẳng định.

Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư cũng thẳng thắn nêu rõ những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm của báo chí và nhấn mạnh, năm 2013, các cơ quan báo chí và những người làm báo cần nhận thức rõ bối cảnh, tình hình, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của năm bản lề thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Tổng Biên tập báo Dân trí Phạm Huy Hoàn nhận bằng khen từ Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.
Tổng Biên tập báo Dân trí Phạm Huy Hoàn nhận bằng khen từ Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.

Trong Hội nghị, Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Thông tin-Truyền thông khen thưởng một số đơn vị, cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền sự kiện, nhiệm vụ chính trị, kinh tế; tổ chức tốt các hoạt động xã hội thiết thực, giàu ý nghĩa năm 2012.

Dân trí là báo điện tử duy nhất nhận được bằng khen của Bộ Thông tin-Truyền thông, cùng với các báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền phong, ghi nhận những thành tích đạt được trong một năm hoạt động tích cực, hiệu quả.

Ông Lê Hồng Anh nhắc nhở, các cơ quan báo chí cần coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng. Báo chí tiếp tục phát huy tiềm lực và ưu điểm, khắc phục các yếu kém, khuyết điểm, nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn, mở rộng đối tượng độc giả, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ.

Cùng với nhiệm vụ tuyên truyền, xây dựng Đảng, báo chí cũng cần tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực xã hội; thực hiện tốt chức năng phản biện trên tinh thần khoa học, xây dựng; mở rộng giao lưu quốc tế về truyền thông; tổ chức các hoạt động xã hội thiết thực, hiệu quả.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ những hạn chế, thiếu sót chủ yếu trong công tác báo chí năm 2012, nêu các bài học kinh nghiệm và bàn các giải pháp khắc phục; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác báo chí năm 2013 và các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.

Chung tay chống “đạo báo”
 
Chỉ ra 5 vấn đề cần giải quyết cho năm 2013, nhà báo Phan Huy Hà - Phó Tổng Biên tập báo Nông thôn ngày nay nêu rõ định hướng nhiệm vụ tuyên truyền, đăng tải những bài viết, ý kiến góp ý kiến nghị sửa đổi chính sách đất đai, nhất là từ góc nhìn của những người nông dân. Hoạt động này dự kiến được duy trì đến khi Quốc hội xem xét thông qua luật Đất đai sửa đổi trong kỳ họp vào tháng 6 tới đây.

“Chúng tôi xác định, giờ không phải thời điểm “kể khổ”, cũng không phải lúc “bùng nổ” bức xúc để gây áp lực đối với những người làm chính sách đất đai mà là thời điểm cần sự trầm tĩnh và tập trung để chuyển đến cơ quan chức năng những vấn đề bất cập điển hình, những đề xuất giải pháp khả thi, những kiến nghị đạt lý thấu tình đã được tổng hợp, cô đọng từ hàng trăm hàng nghìn trường hợp đơn lẻ từ các địa phương trong cả nước. Đây cũng là thời điểm chuyển đến nông dân những nội dung mới, tiến bộ của dự thảo luật Đất đai sửa đổi, nhằm gia tăng sự đồng thuận của người dân với chính sách” – ông Huy Hà phát biểu.

Đại diện của Thời báo Kinh tế Sài Gòn lại nêu kinh nghiệm thực tế từ chuyên đề tuyên truyền cho cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Đây là một đề tài dài hơi, triển khai trên báo này từ năm 2009 đến nay. Ngoài việc đưa tin bài phản ánh về nhịp đập thị trường, tình hình tiêu thụ hàng nội, suy nghĩ của người tiêu dùng về hàng Việt, văn hóa tiêu dùng, Thời báo Kinh tế Sài Gòn còn phản ánh về cuộc sống của doanh nghiệp, những trăn trở, ưu tư trước khó khăn trong việc cạnh tranh với những tên tuổi lớn trên thế giới, trên thương trường để đến tay người tiêu dùng.

3 năm sau khi thực hiện cuộc tuyên truyền, tờ báo đã tìm được nhiều hình thức đổi mới, tạo sự sinh động, tác động tích cực đến cảm quan người đọc, tăng hiệu quả thông tin.

“Chúng tôi đã nhận ra điều căn cơ tạo sự bền vững cho Cuộc vận động và công tác tuyên truyền là nâng cao chất lượng dịch vụ hàng hóa của doanh nghiệp trong nước, xây dựng được rõ nét thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa” – lãnh đạo Thời báo Kinh tế Sài Gòn kết lại.


Tổng Biên tập báo Dân trí Phạm Huy Hoàn nhận bằng khen từ Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.
Tổng Biên tập báo Dân trí Phạm Huy Hoàn (bìa trái) cùng lãnh đạo các báo nhận bằng khen của Bộ Thông tin-Truyền thông.

Mang đến hội nghị một nội dung “nóng hổi”, thời sự, nhà báo Phạm Huy Hoàn – Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí nói về vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí trong thời đại Internet.

Ông Hoàn đi từ chuyện đã “vấp” của chính mình. Một năm trước, phóng viên báo Dân trí trang tiếng Anh, Dtinews, lấy lại một tin thời sự của CNN không xin phép. Chỉ sau 1 ngày, ông Hoàn với cương vị Tổng Biên tập nhận được thư chuyển phát nhanh của Ban biên tập CNN nêu rõ Dtinews đã vi phạm bản quyền, yêu cầu phải gỡ bỏ ngay khi nhận được thư cảnh báo, nếu không Tổng Biên tập sẽ được triệu tập hầu tòa tại Mỹ để giải quyết vụ kiện vi phạm bản quyền.

Phía CNN còn soạn sẵn một bản cam kết yêu cầu Tổng Biên tập Dân trí ký xác nhận lời hứa của mình “kể từ nay không bao giờ sử dụng tin bài của CNN khi chưa được phép”. Thư gửi của CNN cũng yêu cầu gửi phát nhanh văn bản trả lời để tờ báo này nhận được kịp thời.

“Tất nhiên, tôi không bao giờ muốn hầu tòa ở Mỹ nên ký ngay cam kết và nhắc phóng viên không bao giờ sử dụng tin bài của CNN khi chưa được phép của chủ sở hữu” – ông Hoàn kể.

Trở lại với câu hỏi “tại sao phải làm ngay việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”, Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn chỉ rõ, nhiều năm qua, một số báo điện tử và nhiều trang tin điện tử của các công ty truyền thông không có chức năng hoạt động báo chí đã ngang nhiên sao chép “cắt – dán” thông tin từ các báo chính thống lên trang tin của mình để kinh doanh quảng cáo. Việc lên tiếng của báo Tuổi trẻ, Vietnam+, Petrotimes gần đây về hiện tượng “đạo báo” đã chỉ rõ việc làm sai trái của các trang tin điện tử này và lên án việc làm phi pháp đó. Việc đạo báo ngày càng lan rộng đến mức công khai, coi như chuyện đương nhiên được phép “sống trên mồ hôi” của hàng trăm nhà báo miệt mài công sức cho từng tác phẩm báo chí của mình.

Ông Hoàn phân tích: “Hiện tượng “ăn cắp” tùy tiện các tác phẩm báo chí đang vi phạm nghiêm trọng những quy định của luật Báo chí, luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật về bản quyền tác giả…”.

Thông tin thêm về việc hiện có 10 trang tin điện tử xác nhận việc sử dụng tin bài của các báo khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu, có văn bản “đoạn tuyệt với sao chép không phép”, ông Hoàn đánh giá, đây là tín hiệu mở đầu đáng quan tâm cho việc lành mạnh hóa hoạt động trong lĩnh vực này. Ông Hoàn cũng cho rằng, đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, Thanh tra Bộ Thông tin-Truyền thông cần tăng cường việc kiểm tra ngay những sai phạm này để ngăn chặn sức lan tỏa của hiện tượng đạo báo.

 
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh lưu ý chính sách thuận lợi cho báo chí hoạt động.
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh lưu ý chính sách thuận lợi cho báo chí hoạt động.

Kết thúc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh phân tích nhấn mạnh, làm rõ thêm một số nội dung cần quan tâm, nhất là những giải pháp cơ bản triển khai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí trong năm 2013. Ông Huynh lưu ý, những vấn đề về cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, phát triển, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ yêu cầu ngay sau Hội nghị, các cơ quan báo chí cần thể hiện quyết tâm, trách nhiệm chính trị cao hơn; triển khai nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ công tác báo chí năm 2013. 
 

Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn cho rằng, việc ký thỏa thuận hợp tác thông tin giữa các báo có tính tích cực, cần được nhân rộng và thực hiện rộng rãi để tránh tệ nạn “cắt-dán” một cách tùy tiện. Việc ký thỏa thuận sẽ góp phần ngăn chặn hiện tượng ngang nhiên đạo báo, vi phạm luật Báo chí, luật Sở hữu trí tuệ của một số báo điện tử và các trang tin điện tử.

Trên tinh thần tôn trọng bản quyền tác phẩm báo chí của Dân trí và các đồng nghiệp trong nước và ngoài nước, từ 5 năm qua, báo điện tử Dân trí đã ký thỏa thuận hợp tác trao đổi thông tin với Tổng Biên tập của 56 cơ quan báo đài từ TƯ đến địa phương và ký hợp đồng mua tin của TTXVN và các hãng tin nước ngoài.

Trong tuần vừa qua, Dân trí tiếp tục nhận được thêm gần 10 văn bản đề nghị từ các đồng nghiệp muốn tham gia với 56 báo đài đã ký thỏa thuận hợp tác trao đổi thông tin với Dân trí.

 
 
P.Thảo