1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo chí quốc tế: Việt Nam quyết tâm bài trừ tham nhũng

Nhật báo Diễn đàn thông tin quốc tế (Pháp) ngày 18/4 bình luận: Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiệm vụ lựa chọn ra những nhà lãnh đạo "có tài và đức" để đấu tranh chống tham nhũng và đẩy mạnh cải cách kinh tế.

Bài viết trích lời Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nói rằng tham nhũng là "một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn tại của chế độ".

 

Cũng tờ báo này trong một bài viết ngày 13/4 nói về cuộc đấu tranh chống nạn tham nhũng trên phạm vi toàn cầu đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia... nơi tình trạng này trở nên trầm trọng hơn trong vòng 10 năm qua. Indonesia được coi là có cải thiện, còn phần lớn các nước khác giữ nguyên trạng. Đây là kết quả thăm dò tổng hợp của 30 tổ chức quốc tế và được Chính phủ Mỹ sử dụng để xác định xem những nước nào có thể được nhận viện trợ từ chương trình Thách thức Thiên niên kỷ có mục tiêu nâng cao mức sống của dân cư các nước đang phát triển.

 

Thời báo Tài chính (Anh) đăng bài của Amy Kazmin thực hiện từ Hà Nội dưới nhan đề: Việt Nam duy trì mục tiêu tăng trưởng 8%/năm. Bài viết dẫn lời Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Đình Khiển thừa nhận tham nhũng - điển hình là vụ PMU 18 - là "hiện tượng đau xót", nhưng không cho rằng việc phát hiện ra các vụ án như vậy sẽ làm giảm viện trợ hay đầu tư nước ngoài. Ông Khiển khẳng định: "Chúng tôi rất quyết tâm bài trừ  tham nhũng nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư".

 

Hãng tin Mỹ AP nhận xét: Gần đây, Việt Nam đã cứng rắn hơn rất nhiều đối với các vụ tham nhũng, thể hiện qua việc bắt giữ hàng loạt quan chức nhận hối lộ trong các ngành công nghiệp then chốt như dầu khí, bưu chính-viễn thông, giao thông và thương mại.

 

Hãng Reuters ngày 5/4 đã đưa tin về vụ án PMU 18 và cho rằng nạn tham nhũng khiến các nhà tài trợ rất quan ngại. Tuy nhiên, bản tin dẫn lời Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Klaus Rohland cho rằng: "Chính phủ xử lý vụ này rất nghiêm túc và đã áp dụng những biện pháp điều tra đúng hướng". Ông Rohland còn nói thêm: "Điều chúng tôi muốn là các nước phải thay đổi cách làm kinh tế và phòng ngừa tham nhũng".

 

Nhật báo Bưu điện Hoa Nam (Hồng Kông) buổi sáng ngày 4/4 dẫn lời Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Quốc Phong nói về sự tham gia của báo chí Việt Nam trong đấu tranh chống tham nhũng: "5 năm trước đây, chúng tôi cũng đưa tin rất mạnh mẽ về nhiều vụ tiêu cực, nhưng chưa đến mức yêu cầu quan chức nào từ chức cả. Nay thì sự phẫn nộ của nhân dân trước quốc nạn này đã khiến báo chí can đảm hơn".

 

Theo Vạn Lý
Thanh Niên