(Dân trí) - Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản khẳng định, lực lượng công an đánh giá rất cao vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giám sát xã hội và phản biện chính sách.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, về vai trò của báo chí ngày nay với công tác an ninh trật tự, phòng chống tham nhũng nói chung và với lực lượng Công an nhân dân nói riêng.

Thưa Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, với tư cách là Người phát ngôn của Bộ Công an, ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong xã hội nói chung và trong công tác an ninh trật tự nói riêng?
- Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội nước ta.
Kể từ khi ra đời đến nay, báo chí cách mạng nước ta luôn đồng hành cùng dân tộc, là phương tiện đấu tranh cách mạng, phục vụ nhân dân, góp phần giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại lễ trao giải báo chí Búa Liềm Vàng năm 2024, “báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước”.

Trên lĩnh vực an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng CAND, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành, giúp đỡ, đóng góp rất quan trọng.
Những người làm báo đã không quản gian khó, hiểm nguy, sát cánh bên lực lượng Công an để bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, nổi bật như việc thông tin kịp thời tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, bọn phản động và các loại tội phạm; giúp nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng, tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm; góp phần cảm hóa, giáo dục đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng dân cư.
Tôi cho rằng, báo chí cách mạng là “vũ khí sắc bén” trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, góp phần giữ vững môi trường an ninh, an toàn phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Báo chí cũng phát hiện và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm trong xã hội, sát cánh cùng với lực lượng công an trong quá trình đấu tranh, xử lý các chuyên án, vụ án lớn phức tạp; phản ánh chân thực sự hy sinh thầm lặng, những chiến công, thành tích của lực lượng CAND trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.
Ngoài ra, thông qua báo chí, những tấm gương người tốt, việc tốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cũng được tuyên truyền, lan tỏa những thông tin tích cực, hình ảnh đẹp của lực lượng CAND.
Báo chí cách mạng trở thành cầu nối giữa nhân dân với lực lượng CAND, giúp người dân hiểu rõ hơn những khó khăn, vất vả, gian khổ, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, thêm tin yêu, cảm phục, tích cực giúp đỡ, ủng hộ lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, báo chí hỗ trợ tích cực cho lực lượng CAND trong xây dựng lực lượng công an ngày càng trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Hiện nay, ngành CAND nói chung và công an các đơn vị, địa phương nói riêng có những tờ “báo ngành” như Công an nhân dân, ANTV… vậy, những tờ báo “ngoài ngành”, có vai trò, khác biệt như thế nào, thưa Thiếu tướng?
- Tôi cho rằng, báo chí cách mạng, bao gồm cả báo chí trong và ngoài ngành CAND, đều có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự như đã trao đổi ở trên.
Về cơ bản không có sự phân biệt rõ nét giữa báo chí trong và ngoài ngành. Tuy nhiên, ở một số tình huống hiểm nguy trong triển khai công tác bảo đảm an ninh, trật tự, khi báo chí ngoài ngành chưa có điều kiện tiếp cận, phản ánh đến nhân dân thì báo chí CAND có trách nhiệm tiếp cận, phản ánh những hình ảnh này.

Trong thời đại bùng nổ về công nghệ, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, có thể nhận thấy những định hướng tiêu cực, phản động, chống phá Nhà nước xuất hiện ngày càng nhiều. Vậy, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản đánh giá như thế nào về tình trạng này?
- Thế giới đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các nền tảng truyền thông trực tuyến đã tạo ra một không gian truyền thông mở, nơi mà thông tin có thể lan truyền với tốc độ chưa từng thấy.
Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok hay Twitter đã trở thành những kênh truyền thông phổ biến, nơi mọi cá nhân đều có thể tự đăng tải và chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng và rộng rãi.

Hiện nay, phần lớn người dân Việt Nam sử dụng mạng xã hội để tiếp cận thông tin hàng ngày, và tỷ lệ này còn cao hơn ở các nhóm tuổi trẻ. Đây là xu thế phát triển tích cực của xã hội số, có những tác động thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội cũng như đảm bảo an ninh, trật tự.
Tuy nhiên, thông tin trên mạng xã hội cũng thường bị các thế lực thù địch, phản động, đối tượng xấu lợi dụng để phát tán các tin tức sai lệch, bịa đặt nhằm gây hoang mang dư luận và chia rẽ xã hội, thậm chí sử dụng các mạng xã hội để truyền tải những thông tin chống phá, làm suy yếu lòng tin của người dân vào Đảng, Nhà nước, gây khó khăn trong bảo đảm an ninh, trật tự và ổn định xã hội.
Vậy, trước tình trạng như trên, theo ông trách nhiệm của báo chí nói chung và báo chí CAND nói riêng như thế nào?
- Bối cảnh, tình hình trên tiếp tục đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn về trách nhiệm với các cơ quan báo chí chính thống, trên các mặt: Nhanh chóng cung cấp những thông tin chính xác, kịp thời, lan tỏa mạnh mẽ dòng chủ lưu thông tin tích cực, dẫn dắt, định hướng dư luận…, đóng góp nhiều hơn nữa trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng.
Từ đó, giúp nhân dân nắm bắt được tình hình thực tế và ngăn chặn sự lan truyền của các thông tin xấu độc; giữ vững trận địa tư tưởng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm của mỗi người dân, tạo động lực để người dân tham gia tích cực vào việc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia ở cả ngoài xã hội và trên không gian mạng.

Tôi cho rằng, báo chí cần không ngừng đổi mới, tận dụng các công nghệ số, nâng cao khả năng, phạm vi tiếp cận công chúng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về cách nhận diện và tránh lan truyền các thông tin xấu độc.
Về phía Bộ Công an, chúng tôi tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trong cung cấp thông tin, phối hợp xác minh, kiểm chứng cùng với các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò định hướng thông tin dư luận xã hội trên lĩnh vực đảm bảo an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, Nhà nước và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương, các đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ để tiếp tục tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức trong cộng đồng; hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ các nền tảng mạng xã hội; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng; kịp thời ngăn chặn, gỡ bỏ, vô hiệu hóa các nội dung vi phạm liên quan an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Đồng thời, Bộ Công an sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi lợi dụng không gian mạng để đưa tin sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước.

Thời gian qua, có những ý kiến cho rằng báo chí đang mất dần vai trò trong công tác phòng chống tham nhũng, giám sát các cơ quan chức năng hay chức năng phản biện các vấn đề nóng bỏng trong xã hội. Ông có góc nhìn như thế nào về vấn đề này, thưa Thiếu tướng?
- Tôi cho rằng, báo chí luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, giám sát xã hội và phản biện chính sách.
Từ góc độ ngành công an và thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, lực lượng công an đánh giá rất cao vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Qua các tuyến bài điều tra, phóng sự chuyên sâu, báo chí đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trong đấu thầu, đầu tư công, đất đai, tài chính…, góp phần cung cấp nguồn thông tin cho cơ quan điều tra.
Trong các vụ án lớn, phức tạp, báo chí đã góp phần đưa thông tin chính thống, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Báo chí cũng góp phần tuyên truyền pháp luật, lan tỏa hiệu ứng giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức phòng ngừa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều vụ án lớn khi được thông tin kịp thời, đầy đủ còn có tác dụng răn đe mạnh mẽ, góp phần ngăn ngừa vi phạm từ sớm, từ xa…
Lực lượng CAND luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin, phối hợp với báo chí trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Trước những vụ án hình sự liên quan đến phóng viên, nhà báo, thậm chí là một tờ báo, theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, một phóng viên, nhà báo hiện nay cần những phẩm chất gì?
- Trong bất cứ thời kỳ nào, những người làm báo cũng cần bám sát tôn chỉ, mục đích, thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhà báo theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, để tiếp tục xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, vươn mình cùng dân tộc, mỗi nhà báo, phóng viên và ngay cả những người làm công tác phát ngôn như chúng tôi đều phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.

“Cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.
“Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”.
Khi thực hiện các nhiệm vụ công tác, báo chí phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, bởi Bác đã dặn dò rất kỹ: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” và “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”.

Cuối cùng, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản có gửi gắm thông điệp gì tới những phóng viên, báo chí, người công tác trong ngành báo chí?
- Năm 2025, nền báo chí cách mạng Việt Nam tròn 100 năm tuổi - một cột mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường lịch sử vẻ vang của nền báo chí cách mạng.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin gửi tới các thế hệ nhà báo, phóng viên, biên tập viên, những người đang công tác trong lĩnh vực báo chí cả nước lời chúc mừng nồng nhiệt, lời tri ân sâu sắc.
Lực lượng CAND mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, đồng hành hiệu quả hơn nữa từ các cơ quan báo chí, những người làm báo trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
Tôi mong rằng, báo chí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với lực lượng CAND trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần tăng cường đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng xã hội an ninh, an toàn, lành mạnh.
Và đặc biệt, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!