1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Báo cáo tác động của dự án thủy điện bị xem nhẹ

(Dân trí) - Nhiều đập thủy điện thấm nước, một số hồ chứa lớn có động đất kích thích vì chưa khảo sát kỹ địa chất, kiểm định an toàn đập chưa đầy đủ, phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập khó triển khai…

Đây là những đánh giá khái quát của UB Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội trong báo cáo kết quả giám sát bước đầu tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thủy điện gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Báo cáo cho thấy chất lượng quy hoạch, phát triển thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ, còn nhiều bất cập. Thống kê bước đầu cho thấy tổng công suất lắp máy của các thủy điện nhỏ chỉ chiếm 30% trong quy hoạch nhưng có số lượng rất lớn, 1.108 dự án. Trong đó khoảng 40% số dự án trong quy hoạch này phải loại bỏ hoặc chưa có nhà đầu tư nào quan tâm. Phần lớn dự án thủy điện bị loại bỏ khỏi quy hoạch đều có hiệu quả kinh tế thấp, nhà đầu tư chủ động trả lại.
 
Thủy điện Sông Tranh 2 khốn đốn vì động đất kích thích.
Thủy điện Sông Tranh 2 "khốn đốn" vì động đất kích thích.

Tuy nhiên, Bộ Công thương vẫn khẳng định, cho đến nay, các dự án thủy điện lớn trên 50MW hầu hết đều do EVN làm chủ đầu tư. Công tác khảo sát, thiết kế, lựa chọn công nghệ xây đựng đập, lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công đều do các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt các quy đinh, quy chuẩn, tiêu chuẩn được phép áp dụng.

Việc thi công xây dựng các công trình thủy điện, nhất là các thủy điện lớn đều do các tập đoàn, tổng công ty, công ty chuyên về xây dựng, có nhiều kinh nghiệm, năng lực đảm nhận. Công tác giám sát và quản lý chất lượng thi công được đánh giá là thực hiện theo đúng các chỉ dẫn, yêu cầu.

Đối với các thủy điện lớn, Bộ Công thương báo cáo, về cơ bản, công tác lắp đặt thiết bị và tổ chức quan trắc được thực hiện đầy đủ theo quy định.

Trên thực tế, tại một số đập thủy điện có hiện tượng thấm nước qua khe nhiệt vào hành lang kiểm tra hoặc qua các mạch dừng thi công như thủy điện Bản Vẽ, Sê San 4, Sông Tranh 2… Tuy nhiên, cơ quan quản lý khẳng định, các công trình đã được tích cực xử lý chống thấm bằng nhiều giải pháp, có hiệu quả tốt, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn cho phép.

Theo ghi nhận, một số hồ chứa thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Bản Vẽ, Sông Tranh 2 đã xảy ra hiện tượng động đất kích thích. Riêng tại Sông Tranh 2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các bộ, ngành mời chuyên gia tư vấn nước ngoài (Nga, Ấn Độ, Thụy Sỹ) khảo sát đánh giá về động đất, địa động lực học, địa chất…

Vấn đề an toàn công trình thủy điện, Chính phủ xác nhận, ở một vài thủy điện vừa và nhỏ, chất lượng thiết kế, giám sát quản lý chất lượng vẫn còn hạn chế, chưa thật sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giám sát thi công; thi công xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngoài các dự án thủy điện lớn do EVN xây dựng, quản lý vận hành được kiểm định an toàn đập theo chu kỳ, số lượng các dự án còn lại phải kiểm định an toàn và cắm mốc giới khá lớn. Các công trình quy mô vừa và nhỏ còn nhiều chủ đập chưa quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời việc duy tu bảo trì, quản lý an toàn đập.

Cơ quan báo cáo nêu lý do, năm 2007 mới có quy định về kiểm định đập, số đơn vị đủ năng lực kiểm định không nhiều. Thời gian kiểm định đập kéo dài tới 5-6 tháng… trong khi chế tài xử phạt khi chủ đầu tư không thực hiện các nội dung quản lý an toàn đập chưa đủ, gặp khó khăn về tài chính.

Ngoài ra, hiệu quả làm việc của hệ thống quan trắc tại một số công trình thủy điện được xác nhận là còn hạn chế. Một số công trình chưa lắp đặt, vận hành chưa đồng bộ thiết bị quan trắc. Một số khác do hệ thống viễn thông trong khu vực chưa được xây dựng, khó truyền gửi số liệu quan trắc cũng như thông tin khẩn cấp. Thủy điện Hương Sơn, Sông Tranh 2, Hủa Na… được điểm danh trong nhóm này.

Bên cạnh đó, phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập… khó triển khai xây dựng vì thiếu thông tin, số liệu như bản đồ địa hình, khí tượng thủy văn. Khó xác định vùng ranh giới ngập trong trường hợp có nhiều dự án thủy điện trên cùng lưu vực sông…

Công tác đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) bị xem nhẹ, chất lượng chưa cao do chưa có quy định yêu cầu bắt buộc. Báo cáo ĐMC chưa được lồng ghép vào quy hoạch phát triển thủy điện. “Nhìn chung, trong quá trình lập quy hoạch thường đặt mục tiêu, lợi ích kinh tế của quy hoạch lên hàng đầu, chưa thực sự chú trọng, quan tâm đến khía cạnh tác động của việc thực hiện quy hoạch đến môi trường. Nếu xét riêng từng dự án cụ thể, tác động tiêu cực tới môi trường có thể không lớn nhưng xét trên toàn bộ lưu vực sông, đặc biệt ở hạ du, ảnh hưởng xấu tới môi trường là rất đáng kể” – báo cáo nêu rõ.

Ngoài ra, việc tham vấn cộng đồng đối với các đối tượng bị ảnh hưởng còn hạn chế. Hệ quả là một số dự án làm ảnh hưởng tới môi trường, sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng hạ du, thậm chí còn gây cạn kiệt nguồn nước, giảm đa dạng sinh học, giảm độ phì nhiêu cho đất, gây xâm nhập mặn.

Việc đánh giá tác động môi trường và công tác sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được quan tâm đúng mức…

Trên cơ sở các phân tích, số liệu, Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường đã đưa ra nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ. Riêng đối với Bộ Công thương, Ủy ban kiến nghị rà soát quy hoạch tổng thể phát triển thủy điện, kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án thủy điện không đáp ứng yêu cầu.
 

Theo số liệu của Bộ Công thương, Bộ này đã thống nhất với các tỉnh thành loại khỏi quy hoạch 338 dự án (1.089 MW) và không tiếp tục xem xét đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng thủy điện. Cho tới nay, số dự án thủy điện nằm trong các quy hoạch trên cả nước chỉ còn 899. Trong đó có 260 dự án đã vận hành khai thác, 211 dự án đang thi công xây dựng dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay tới 2017; 266 dự án đang nghiên cứu đầu tư để xem xét cho phép khởi công xây dựng trong thời gian tới, 162 dự án chưa có chủ trương đầu tư.

P.Thảo