1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tổng kết công tác tư pháp 2006:

Báo cáo hay, thực chất thấp?

(Dân trí) - Hội nghị tổng kết công tác tư pháp của Bộ Tư pháp diễn ra ngày 3/1 ghi nhận khá nhiều mô hình sáng tạo, đem lại hiệu quả cao với “thành tích” hoàn thành 80-90% công việc ở hầu hết các cơ quan. Tuy nhiên, các đại biểu cũng như Bộ trưởng Uông Chu Lưu và Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng vẫn “thủ sẵn” nhiều trăn trở để trình bày trước hội nghị…

Đưa ISO vào cải cách tư pháp

 

Quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn ISO đã trở thành việc làm phổ biến trong các doanh nghiệp nhưng vẫn còn là xa lạ đối với các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực hành chính công. Sở Tư pháp Tiền Giang là một trong các cơ quan nhà nước đầu tiên trong cả nước áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, phiên bản 2000 vào công tác cải cách tư pháp trong các lĩnh vực dịch vụ hành chính công.

 

Từ đầu năm 2005, Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang đã thuê một tổ chức tư vấn hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng đối với công tác cải cách tư pháp, tập trung vào ba lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân. Sau hơn một năm tổ chức triển khai các công việc theo tư vấn của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực III, công tác cải cách hành chính của Sở Tư pháp Tiền Giang đã vận hành theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000.

 

Với “tiêu chuẩn ISO” này, trách nhiệm của các cán bộ công chức được đề cao, tránh nạn lạm dụng quyền lực, sách nhiễu và gây phiền hà đối với người dân. Hiệu quả công việc được nâng cao do sự sắp xếp hệ thống tài liệu có khoa học. Đặc biệt là mang đến hình ảnh mới về dịch vụ hành chính công, lĩnh vực xưa nay vốn bị coi là “hành nhau là chính”.

 

Qua “điểm nhấn” Tiền Giang cho thấy, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào cải cách tư pháp là việc cần làm và có thể làm để chuyên nghiệp hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ công trong ngành tư pháp.

 

Dịch vụ pháp lý quay lưng với người nghèo?

 

Tuy nhiên, vấn đề cơ bản của cải cách tư pháp, cải cách hành chính vẫn nằm ở yếu tố con người. Bộ trưởng Uông Chu Lưu thở dài khi nói tới tình trạng thụ động trong giải quyết công việc của nhiều cán bộ tư pháp. “Mong văn bản hướng dẫn”, “chờ tập huấn triển khai”, “đợi Trung ương trả lời”… vẫn là những lý do cửa miệng để từ chối yêu cầu của người dân.

 

Đi vào vấn đề cụ thể như thi hành án, Bộ trưởng thừa nhận, cán bộ thi hành án có ý thức công vụ thấp, tổ chức thi hành án không chuẩn xác, sai xót, thậm chí cố ý vi phạm các quy định nghiệp vụ, vi phạm pháp luật dẫ đến phải xử lý, khắc phục hậu quả rất phức tạp.

 

Tình trạng môi giới hôn nhân bất hợp pháp, kết hôn có yếu tố nước ngoài không lành mạnh như dư luận đã từng lên án về việc cô dâu Việt bị rao bán ở Đài Loan, Hàn Quốc… ngày càng phức tạp. “Lỗi” được quy cho vấn đề các quy định pháp luật về vấn đề này chưa cụ thể, rõ ràng, dẫn đến cách hiểu, cách vận dụng không thống nhất giữa các địa phương.

 

Một đại biểu thẳng thắn khái quát: Công tác cải cách hành chính thời gian qua, cơ quan nào cũng báo cáo hoàn thành tới 80-90% công việc được giao nhưng khi lấy ý kiến của dân, dân vẫn kêu bị “hành”, vẫn khẳng định có việc thay đổi nhưng không chắc đã được tới 20%.

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đánh giá cao thái độ thẳng thật, dám nói về những hạn chế, tồn tại của ngành. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi cho công tác trợ giúp pháp lý: Tại sao án oan sai ở ta hầu hết lọt vào khu vực dân cư nghèo, thu nhập thấp? Hoạt động trợ giúp pháp lý chưa đi được đến các vùng sâu, xa, để người nghèo được tiếp xúc với các dịch vụ này?

 

Mọi hoạt động tư pháp hầu như đều “quá tải” so với cơ sở hạ tầng. Ông Trọng kể lại việc vào những trại tạm giam, thấy hình ảnh những đứa bé mới vài ba tuổi, tay nắm nắm cơm, ngồi trong trại tạm giam nhìn rất đáng thương. Đáng ra, trại tạm giam chỉ vài trăm người nhưng trại tạm giam của Hà Nội đã lên tới 2.500 người. Đứng ngoài cửa trại tạm giam, hơi bay ra cũng không thể chịu nổi. Hầu hết các trại tạm giam lớn đều thế.

 

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được nói đến nhiều nhưng Phó Thủ tướng vẫn thẳng thắn “phê”: Chưa thực chất, nhiều địa phương, sách, tài liệu tuyên truyền phổ biến còn đóng… bồ hóng.

 

Phương Thảo